Ngày 12/10, tại Tp.Nha Trang, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo Giải pháp phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Du lịch phục hồi mạnh mẽ
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết hội thảo được tổ chức có rất nhiều ý nghĩa trong tình hình hiện nay.
Mục đích của hội thảo là nhìn nhận, đánh giá tình hình khách quốc tế đến Việt Nam nói chung, đến Khánh Hòa nói riêng từ khi Chính phủ có chính sách mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Qua đó, tiếp tục thực hiện giải pháp đồng bộ cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam và đến với Khánh Hòa trong thời gian tới.
Theo ông Hoàng, hội thảo là cơ hội thuận lợi để nhìn nhận những kết quả bước đầu đã làm được, cùng trao đổi, gỡ khó, tìm ra giải pháp thiết thực, liên kết vùng đi vào thực chất, hoạt động hiệu quả.
Đây cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp du lịch các địa phương hợp tác kinh doanh, kết nối công tác xúc tiến quảng bá du lịch vùng, đưa thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ chất lượng đến với du khách quốc tế.
Tại hội thảo, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch cho biết hoạt động du lịch cả nước đã có bước thật sự khởi sắc 9 tháng đầu năm 2022. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,7 triệu lượt khách.
Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Đặc biệt, số khách du lịch nội địa ước đạt gần 87 triệu lượt khách, vượt xa so với kế hoạch cả năm là 60 triệu khách. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với đại dịch và chỉ đạt 33% so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2022.
“Trong bối cảnh thế giới hiện nay, chúng tôi xác định và tin tưởng thị trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Thị trường mới có khả năng tăng trưởng là Ấn Độ và Trung Đông.
Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục chuẩn bị khai thác tốt thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam gồm Đông Nam Á, Tây Âu, Úc, Mỹ. Trong đó, ngoài các phân khúc đã khai thác tốt cần phát triển phân khúc nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các hoạt động thể thao ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Âu, Úc và thị trường mới nổi là Trung Đông”, ông Đức cho biết.
Riêng tại tỉnh Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh này cho biết với sự nỗ lực của toàn ngành du lịch, các chỉ tiêu về du lịch trong 9 tháng đầu năm 2022 cho thấy kết quả tích cực vượt kế hoạch đề ra, chiều hướng tăng trưởng quốc tế khá tốt.
Cụ thể, doanh thu du lịch ước đạt gần 10.801,1 tỷ đồng, vượt 170% kế hoạch. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 2.116.093 lượt khách; trong đó khách quốc tế ước đạt 155.548 lượt khách; khách nội địa ước đạt 1.960.545 lượt khách. Thị trường quốc tế đến Khánh Hòa, dẫn đầu là Hàn Quốc (93.000 lượt), chiếm khoảng 60% trên tổng số khách quốc tế.
Liên kết vùng, chuyển đổi số để thu hút khách quốc tế
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để thu hút du khách quốc tế trong thời gian tới. PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch, cho rằng liên kết vùng là việc làm cần thiết để thu hút, phát triển khách du lịch.
Ngoài khả năng thu hút khách du lịch, liên kết phát triển du lịch còn cho phép nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch không chỉ cho từng địa phương trong vùng, mà còn cho cả vùng cũng như quốc gia.
PGS.TS Phạm Trung Lương cho biết: “Bước đầu, liên kết nội vùng giữa một số địa phương đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế trong liên kết. Đó là còn mang nặng tính hình thức, chưa có mô hình và cơ chế vận hành rõ ràng, hiệu quả; chưa hình thành điểm đến liên kết trên bản đồ du lịch. Hơn nữa, chưa có sản phẩm du lịch mang tính vùng hoặc liên vùng; chưa đánh giá được tính hiệu quả trong thu hút khách và kinh doanh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc hấp dẫn khách du lịch đến với mỗi vùng du lịch”.
Vì vậy, ông đưa ra những việc cần phải làm để tăng cường liên kết là thống nhất nhận thức và cách tiếp cận, xác định mô hình liên kết vùng và liên kết trong điều kiện chưa có thể chế vùng; cần lập đề án liên kết trong từng lĩnh vực cụ thể là lợi thế so sánh của từng vùng.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ nâng cấp hạ tầng kết nối, chú trọng đối với “Tam giác liên kết” Nha Trang – Ninh Chữ - Đà Lạt, trục Nha Trang – Buôn Ma Thuột.
Ngoài ra, cần phải có chương trình hành động với lộ trình cụ thể; tăng cường vai trò “bà đỡ” cho hoạt động liên kết giữa các địa phương vùng; thành lập quỹ hỗ trợ liên kết.
Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch cho biết chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Tổng cục Du lịch đã tập trung vào các giải pháp mang tính chất nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, đặt ra mục tiêu hỗ trợ các bên liên quan như địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch tham gia vào hệ sinh thái du lịch thông minh, khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số.
Các tỉnh, thành cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý điểm đến. Tuy nhiên, bản thân các hệ sinh thái chưa kết nối với nhau.
Vì vậy, theo ông Hòa, việc cần làm trong thời gian tới là đẩy mạnh số hóa các khu, điểm du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch trên các nền tảng số; đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ hỗ trợ nâng cao trải nghiệm khách du lịch.
Đồng thời, cần triển khai áp dụng hệ thống vé điện tử tại các điểm di tích; tăng cường hoạt động giao dịch, thương mại điện tử tại khu di tích, danh thắng…
Xử lý “chặt chém” để làm sạch môi trường du lịch
Tại hội thảo, ông Võ Công Hiếu, Phó phòng Văn hóa thông tin Tp.Nha Trang cũng chia sẻ những kinh nghiệm của Thành phố này trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của du khách về cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch bán giá “chặt chém”.
Theo ông Hiếu, lâu nay việc gìn giữ hình ảnh du lịch thành phố, trong đó việc xử phạt những trường hợp tính giá bất hợp lý đối với du khách được các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện một cách nghiêm minh.
Điển hình gần đây nhất, trong năm 2022, Thành phố này đã tiếp nhận và xử lý nhanh 2 vụ việc liên quan đến chặt chém giá cả đối với du khách.
Đó là vụ quán hải sản tính hóa đơn 42 triệu đồng cho 22 người ăn hải sản và vụ nhà hàng bán suất mì xào bò cho khách với giá 200 nghìn đồng.
Thông qua công tác nắm bắt, theo dõi thông tin trên kênh báo chí và mạng xã hội, UBND Tp.Nha Trang đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng, địa phương nơi xảy ra vụ việc ngay lập tức vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin và có hình thức xử phạt nếu đúng như phản ánh.
Quan điểm của Thành phố này là kiên quyết xử lý triệt để các hành vi vi phạm của cơ sở để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của du khách.
Sau khi vụ việc được điều tra, xử lý, UBND Tp.Nha Trang cũng đã nhanh chóng cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí về kết quả giải quyết để dư luận xã hội được tỏ tường. Đây cũng là hình thức khuyến cáo, răn đe đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác.
“Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng thành phố sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn cho du khách, làm lành mạnh môi trường kinh doanh, giữ hình ảnh du lịch Nha Trang thân thiện, mến khách”, ông Hiếu nói.
Ngoài cách làm trên, Thành phố này còn chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch.
Trong đó, tuyên truyền kêu gọi ứng xử thân thiện, văn minh, nói không với dịch vụ kém chất lượng trong du lịch; kêu gọi chung tay xây dựng Tp.Nha Trang là điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh bằng những việc làm cụ thể như mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, không chèo kéo, đeo bám, nài ép khách du lịch, nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ du khách khi có yêu cầu…
Bên cạnh đó, Tp.Nha Trang cũng chỉ đạo Ban quản lý các chợ vận động các cơ sở kinh doanh và các tiểu thương tại chợ bán đúng giá niêm yết, không ép giá, không bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Yêu cầu Ban Quản lý vịnh Nha Trang thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với các hoạt động du lịch trên vịnh, đảm bảo an toàn cho du khách…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp về các vấn đề như giải pháp khôi phục và phát triển đường bay quốc tế đến Khánh Hòa; Khánh Hòa chuẩn bị những gì để thu hút đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, trước mắt là thị trường khách Ấn Độ…
Dịp này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tặng hoa chúc mừng Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10) cho các Hiệp hội du lịch các tỉnh tham dự hội nghị. Đồng thời, tặng bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai các hoạt động tổ chức thành công chương trình Liên hoan du lịch biển Nha Trang năm 2022.
Châu Tường