Tại buổi họp báo của Sở Công Thương Tp.HCM vào chiều ngày 12/10, ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) cho biết, đơn vị có 71 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và 45 thương nhân nhượng quyền, sản lượng xăng dầu cung cấp ra thị trường Tp.HCM trung bình 1.500m3/ngày.
Thời gian đầu tháng 10, một số cửa hàng tạm ngưng nên nhu cầu xăng dầu gây sức ép lên hệ thống của Petrolimex. Tính tới ngày 9/10, đơn vị này đã tăng cung hàng lên 1.600m3/ngày, đến ngày thứ 2 (10/10) thì sản lượng đã tăng đột biến lên 3.100m3/ngày (tăng 200% cục bộ).
Hiện, Petrolimex Sài Gòn đang được Sở Công Thương và các cơ quan hỗ trợ cho xe bồn vận chuyển nhiên liệu tăng cường. Sau khi điều chỉnh giá xăng dầu vào chiều ngày 11/10, áp lực và nhu cầu đổ dồn về các cửa hàng xăng dầu đã giảm 30% so với cao điểm.
Tới 12h trưa ngày 12/10, nhu cầu đổ xăng dầu dồn về Petrolimex ở mức tăng 135% so với bình thường, đơn vị đảm bảo nguồn cung.
"Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều, từ quá trình tạo nguồn, nhập khẩu đến phân phối, xuất hàng linh hoạt, kéo dài thời gian xuất đêm, tăng gấp đôi lượng xe bồn lưu thông và hoạt động này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới.
Lượng tồn kho đến sáng nay vẫn trên 300.000 m3, từ mai đến cuối tuần thêm 100.000 m3 nữa, như vậy nguồn cung chúng tôi đảm bảo đến hết tháng 10. Tôi tin với tình hình điều chỉnh giá và điều hành của cơ quan chức năng, thì 1-2 ngày tới tình hình sẽ trở lại bình thường", ông Đào Văn Hùng nhấn mạnh.
Đối với các cửa hàng xăng dầu tạm đóng cửa thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tp.HCM Nguyễn Tiến Đạt cho biết, đến nay đơn vị chưa phát hiện tình trạng ghim hàng, lợi dụng giữ hàng lại để bán tăng giá quá mức tại Tp.HCM. Khi cơ quan chức năng kiểm tra đo bồn thì xăng tại những cơ sở đóng cửa đã hết.
Trong ngày 10/10 chỉ 7,4% số cửa hàng nhập được xăng dầu về và phục hồi kinh doanh, thì đến ngày 11/10 tỷ lệ này đã lên đến 39%. Còn thống kê ngày 12/10 cho thấy khoảng 67,8% cửa hàng đã hoạt động trở lại.
Đại diện cơ quan quản lý thị trường nhận định, số cửa hàng nghỉ bán dao động không nhiều và ngày càng giảm đi. Đây là tín hiệu rất tốt cho thị trường xăng dầu Tp.HCM.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM chia sẻ: "Hiện, mức tiêu thụ xăng dầu bình quân mỗi ngày trên địa bàn Tp.HCM khoảng 6-7 triệu m3. Theo ông Vũ, từ nay tới kỳ điều hành giá sắp tới, Tp.HCM cơ bản đảm bảo nguồn cung nhưng Sở vẫn đang theo dõi chặt thị trường phân phối nhiên liệu của Thành phố".
Tp.HCM hiện có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ; 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Ghi nhận của Người Đưa Tin ngày 12/10 cho thấy, nhiều cây xăng ở Tp.HCM đã mở bán bình thường với lượng khách hàng không quá đông đúc, người dân vì thế cũng không còn phải đợi chờ lâu.
Hầu hết cây xăng trên các tuyến đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10, quận 3), Âu Cơ, Bàu Cát (quận Tân Bình), Trịnh Đình Trọng (quận 11), Bến Văn Đồn (quận 4), Trần Xuân Soạn (quận 7)... đều đang hoạt động bình thường.
Một số nơi vẫn còn tình trạng đông đúc nhưng không nghiêm trọng như 2 ngày 10-11/10. Đồng thời, đa số cửa hàng cho phép khách mua đầy bình.
Tuy nhiên, vẫn có một số cửa hàng chưa có đủ nguồn hàng liên tục, phải tạm ngừng bán chờ xăng về hoặc chỉ bán tối đa 50.000 đồng/xe máy và khoảng 200.000-500.000 đồng/ôtô.
Trước đó, từ 15h ngày 11/10, cơ quan điều hành đã tăng thêm 560 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, RON 95. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.000 đồng/lít.