SCB hút hơn 6.000 tỉ đồng trong ngày
Trong ngày 12.10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) công bố tặng thêm coupon lãi suất 0,5%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tiền đồng tại quầy từ ngày 12 - 31.10.
Lượng tiền gửi vào SCB tăng gấp 3 lần ngày trước đó T.Xuân |
Chương trình này áp dụng cho khách hàng gửi từ 6 - 11 tháng theo tất cả hình thức lĩnh lãi. Theo bảng lãi suất Phát Lộc Tài, kỳ hạn 6 tháng có mức lãi 7,9%/năm, 9 tháng 8,2%/năm, 11 tháng 8,4%/năm. Như vậy, nếu khách hàng gửi thời điểm này, mức lãi suất đã được cộng vào lên cao nhất là 8,9%/năm đối với kỳ hạn 11 tháng. Coupon có giá trị từ ngày nắm giữ cho đến hết ngày 31.12.2022 và áp dụng 1 lần cho mỗi khách hàng trên 1 tài khoản tiền gửi mở tại tất cả các điểm giao dịch của SCB.
Cùng ngày, SCB chính thức lên tiếng bác tin đồn thất thiệt về 2 thành viên của ngân hàng (NH) này lan truyền trên mạng xã hội. Đại diện SCB khẳng định ông Lưu Quốc Thắng (Trưởng ban kiểm soát SCB) và ông Diệp Bảo Châu (Phó tổng giám đốc SCB) vẫn đang điều hành công việc tại NH.
Ghi nhận thực tế ngày 12.10, khách hàng đến SCB rút tiền đã giảm đi so với những ngày trước đó. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Khách hàng đến SCB rút tiền tiếp tục giảm mạnh so với ngày 11.10. Ngược lại, tiền gửi của khách hàng vào SCB ngày 12.10 đã tăng mạnh gấp 3 lần so với 11.10, khoảng 6.000 tỉ đồng”.
NHNN tiếp tục khẳng định đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, thị trường tiền tệ ổn định, kinh tế sẽ tăng trưởng. Vì vậy, người dân cần tiếp tục thận trọng trước tin đồn thất thiệt, thông tin tiêu cực để an tâm, không rút tiền trước hạn ảnh hưởng lợi ích của mình.
Với động thái trên, SCB đang dẫn đầu thị trường mức lãi suất huy động tiết kiệm cao nhất hiện nay ở 8,9%/năm. Kế đến là lãi suất ABBANK, KienlongBank có mức cao 8,6%/năm; MSB 8%/năm; VietABank là 7,9%... Sau đợt tăng lãi suất của các nhà băng trong tuần đầu tháng 10, hiện mặt bằng lãi suất tạm thời yên ắng khi ở gần 9%/năm.
Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường khoảng 3 tỉ USD
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ngày 12.10 tiếp tục giảm từ 0,04 - 0,3%/năm so với ngày trước đó. Lãi suất kỳ hạn qua đêm xuống còn 6,62%/năm, 1 tuần còn 7,05%/năm, 2 tuần còn 7,22%/năm, 1 tháng còn 7,63%/năm, 3 tháng còn 7,88%/năm và mức cao nhất 8%/năm chỉ còn xuất hiện ở mỗi kỳ hạn 1 năm.
Kết quả này có được là do NHNN tiếp tục bơm mạnh tiền qua thị trường mở trong ngày 12.10 với tổng cộng lượng tiền lên hơn 26.666 tỉ đồng. Trong đó, 17 thành viên được bơm gần 20.000 tỉ đồng kỳ hạn 28 ngày; 9 thành viên nhận hơn 6.666 tỉ đồng kỳ hạn 14 ngày. Lãi suất các nhà băng này trả cho NHNN ở mức 5%/năm. Đây là phiên giao dịch lớn nhất trong 3 ngày trở lại đây. Số tiền mà NHNN bơm ra thị trường trong 3 ngày qua lên 74.358 tỉ đồng (vào khoảng 3 tỉ USD). Còn tính từ đầu tháng 10 đến nay, lượng tiền mà NHNN bơm ra thị trường lên hơn 116.124 tỉ đồng, tương ứng hơn 4,83 tỉ USD.
Mặt bằng lãi suất giảm nhẹ khiến thị trường ngoại tệ sôi động trở lại. Tần suất điều chỉnh tỷ giá của các NH trong ngày tăng mạnh. Eximbank đã thay đổi bảng tỷ giá ngoại tệ nhiều hơn những ngày trước đó, với 22 lần. Giá USD tại nhà băng này tăng thêm 30 đồng, mua vào lên 23.830 - 23.850 đồng, bán ra 24.090 đồng. Vietcombank nhích thêm 10 đồng, mua vào lên 23.770 - 23.800 đồng, bán ra 24.070 đồng… Như vậy, so với cuối tuần qua, giá USD trong NH đã tăng 100 đồng và ghi nhận ngày tăng giá thứ 3 liên tiếp.
NHNN vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các NH quý 4/2022. Gần 1/3 tổ chức tín dụng cho biết đã điều chỉnh “tăng nhẹ” lãi suất biên trong khi tiếp tục “giữ ổn định” phí dịch vụ trong quý 3/2022. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục được các NH kỳ vọng xu hướng tăng trong quý 4/2022.
Cụ thể, có tới 59 - 61% NH kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37% trong quý 4/2022. Trong khi chỉ có 7 - 9% tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất giảm nhẹ. Huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 4,3% trong quý 4/2022 và tăng 10,2% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 1,3% so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Trước tình hình thanh khoản của hệ thống NH trong quý 3/2022 được nhận định tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt”. Trong quý 4, các tổ chức dự kiến tình hình thanh khoản tiếp tục “cải thiện” nhưng chậm lại so với quý trước. Dự báo cả năm 2022, các tổ chức tín dụng tiếp tục kỳ vọng tình hình thanh khoản “cải thiện” so với năm 2021.
Điểm đáng nói, cuộc khảo sát trên được diễn ra từ ngày 25.8 - 10.9, trước thời điểm NHNN điều chỉnh tăng lãi suất điều hành vào ngày 23.9. Bước qua tháng 10 đến nay, các nhà băng đã tăng mạnh lãi suất thêm 1% so với trước đó. Trong đó có sự góp mặt của 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank.
So với cuối năm 2021, giá USD đã tăng 1.200 đồng, tương ứng mức tăng 5,24%. Các ngoại tệ khác trong NH cũng tăng giá nhẹ trong ngày 12.10. Giá euro thấp hơn USD đến 560 đồng, mua vào ở mức 22.974 - 23.043 đồng, bán ra 23.532 đồng. Giá bảng Anh cũng ở mức 26.096 đồng ở chiều mua vào, bán ra 26.729 đồng…