Mọi việc đã được khắc phục từ lâu, nhưng phía đối tác vẫn e dè. Làm sao xóa "sẹo" để không còn phải lâm vào tình cảnh nêu trên?
Cũng khổ vì "sẹo", một trung tâm giáo dục Anh ngữ kêu trời không thấu bởi "đòn đau". Số là trung tâm từng bị báo chí chỉ trích khá gay gắt về việc quảng cáo không đúng sự thật, thu tiền cao mà dạy dỗ chất lượng kém. Phải nỗ lực lắm mới lấy lại được uy tín.
Khi cơ sở đang ra sức tuyển sinh sau đại dịch COVID-19, trên mạng lại xuất hiện hàng loạt đường link dẫn đến những bài báo phê phán trước đây. Nhiều phụ huynh rút đăng ký xin học cho con, đòi lại tiền. Vết "sẹo" xưa gây khó khăn cho trung tâm tới giờ chưa hết.
Hai câu chuyện nêu trên không phải cá biệt. Có rất nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh tương tự, hiện đang rất bức xúc và không biết tháo gỡ ra sao. Dường như không có quy định nào đề cập về việc xóa "sẹo" trên mạng.
Khi có đề nghị của doanh nghiệp, các báo có cách giải quyết khác nhau. Có nơi âm thầm xóa bài, có nơi kiên quyết không xóa, có nơi sửa lại dưới dạng ẩn danh đơn vị bị nêu tên.
Chuyện xóa "sẹo" thì chỉ làm được nếu như giữa hai bên có mối quan hệ đạt tới độ cảm thông. Nhưng như vậy là không ổn vì tạo khe hở cho cách ứng xử tùy tiện, thậm chí dễ dẫn tới tiêu cực.
Có thể khẳng định kinh tế là mảng nội dung quan trọng hàng đầu của báo chí hiện nay. Quan điểm xuyên suốt của báo chí là đồng hành cùng doanh nghiệp, dẫu có phê phán thì vẫn đứng trên tinh thần xây dựng để giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Có nên để tồn tại mãi những vết "sẹo" gây tổn hại cho các doanh nghiệp đã "phục thiện"?
Nhưng thực tế cho thấy việc xóa "sẹo" là không dễ. Tiêu chí nào để xóa? Liệu có đủ sức để xóa hết các doanh nghiệp từng bị báo chí nêu tên gắn với những chuyện không tốt đã được chia sẻ, sao chép khắp trên mạng?
Có ý kiến còn nhấn mạnh bài viết trên báo là dữ liệu chung, tòa soạn báo không có quyền tự xóa bỏ và bạn đọc không đồng tình. Đấy là chưa kể báo chí phải đương đầu với dư luận không hay trước bạn đọc khi xóa "sẹo" cho doanh nghiệp này mà không xóa cho doanh nghiệp khác.
Xét về khía cạnh pháp lý, muốn thiết lập hành lang điều chỉnh việc xóa "sẹo" một cách thỏa đáng là rất khó. Cần có thời gian dài khảo sát, tính toán mọi khía cạnh phức tạp lẫn nhạy cảm.
Có lẽ điều thiết thực hiện nay là nhà báo phải có thái độ sòng phẳng, mạnh dạn bỏ qua ác cảm với những doanh nghiệp bị phê phán. Nêu tên trên báo rồi, nếu có thể thì hãy quay lại xem thử doanh nghiệp có sửa chữa không, nếu họ làm tốt thì nên thẳng thắn nhìn lại.
Pháp luật Việt Nam có quy định xóa án tích cho người phạm tội chấp hành xong bản án. Trong hoạt động hành chính, có những điều khoản liên quan đến việc xóa kỷ luật cho những cá nhân hết thời hạn thi hành.
Lý lẽ là thế, xóa hết vết tích cũ không dễ. Nhất là khi mọi thứ thông tin, hình ảnh có thể được cố tình lưu trữ, chia sẻ lên rất nhiều trang cá nhân trên mạng. Khi cần sẽ bị móc ra bêu xấu trên mạng. Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp phải biết giữ mình, đừng để xảy ra "điểm liệt" gây họa lâu dài.
TTO - 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước chiếm 0,08% số lượng doanh nghiệp, nhưng tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13% tổng giá trị tài sản, 15,8% doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp tư nhân cả nước.
Xem thêm: mth.87930213221012202-gnohk-coud-peihgn-hnaod-ohc-oes-aox/nv.ertiout