Tháng 8/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
Một trong những nhiệm vụ kế hoạch đề ra là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
2 năm qua, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Dù vậy, ngành ngân hàng vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực khi đạt tăng trưởng ở hầu hết các chỉ tiêu, kết quả kinh doanh được cải thiện.
NHNN đánh giá, kết quả này có được chủ yếu là do các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí, đẩy mạnh tăng trưởng từ mảng hoạt động dịch vụ. Bên cạnh đó, cùng với những áp lực từ tình hình lạm phát, kinh tế vĩ mô hiện nay, NHNN dự kiến nợ xấu của ngành ngân hàng có thể gia tăng trong thời gian tới.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Dương Xuân Quang - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cho rằng, để kiểm soát và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng được hiệu quả, cần nhìn dưới 2 góc độ.
Thứ nhất, làm thế nào để ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn làm phát sinh rủi ro nợ xấu như: Thị trường bất động sản leo thang, kiểm soát lạm phát và vấn đề nới trần tín dụng…
Thứ hai, cần một khung pháp lý hoàn thiện hơn để giúp các ngân hàng nâng cao tốc độ xử lý nhữngkhoản nợ xấu hiện hữu, đồng thời ngăn chặn hiệu quả hơn nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.
Nợ xấu vẫn trong mức kiểm soát được
"2 năm vừa qua, nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến ngân hàng gặp một số khó khăn nhất định trong việc xử lý nợ xấu. Doanh thu của khách hàng bị sụt giảm khiến dòng tiền thanh toán bị ảnh hưởng", Phó TGĐ PVCombank chia sẻ. Thừa nhận những tác động bởi dịch Covid-19 khiến nợ xấu tăng lên, song ông Quang nhấn mạnh mức tăng “có thể kiểm soát được”.
Đánh giá về những tác động ảnh hưởng đến bức tranh nợ xấu những tháng cuối năm, Phó Tổng Giám đốc PVcomBank dự báo “nợ xấu sẽ nằm trong quy luật chung của thị trường” khi lạm phát được kiểm soát dưới 4%.
Năm nay, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 14%. Theo cơ quan quản lý, tỉ lệ 14% này được đưa ra dựa trên tăng trưởng thực tế năm 2021 ở mức 13,61% và năm 2020 là 12,17%. Bên cạnh đó, chỉ tiêu này còn được xây dựng dựa trên mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; lạm phát khoảng 4% và dự toán ngân sách Quốc hội giao.
Việc nới hạn mức tín dụng vốn là câu chuyện có nhiều tranh cãi. Dưới góc độ chung của ngành ngân hàng thời gian qua, đây được xem là cơ hội để thanh lọc thị trường.
“Nếu không nới trần tín dụng, khách hàng đang có nhu cầu vay và những khách hàng đang có hạn mức đều có thể sẽ bị ảnh hưởng. Với các khách hàng đang có khoản vay, việc ngân hàng dừng cấp tín dụng, kế hoạch kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng và điều đó có thể sẽ biến thành nợ xấu đối với ngân hàng. Đây là điều không ai mong muốn”, ông Quang nói.
Một vấn đề khác được Phó Tổng Giám đốc PVcomBank nhắc đến là vai trò của các tổ chức tín dụng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản. “Ngân hàng và bất động sản là hai mảng cộng sinh, không thể tách rời. Thị trường bất động sản phát triển, ngân hàng cũng phát triển theo và ngược lại”, ông nói.
Theo ông Quang, để không xảy ra những hệ luỵ xấu từ tín dụng bất động sản, thì rất cần đến những chính sách vĩ mô của Nhà nước để tránh những "cơn sốt" đất.
“Chính sách vĩ mô - bằng cách nào đó có thể điều tiết được sự bùng nổ của giá bất động sản. Nếu ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản nhận được sự hỗ trợ tốt hơn, cung đi đôi với cầu nhiều hơn, lúc đó giúp mối quan hệ sẽ trở thành cộng sinh và cùng có lợi”, ông Quang nêu.
Cần luật hóa để xử lý nợ xấu
Bên cạnh sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách vĩ mô của Nhà nước cũng như việc giám sát khách hàng, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng theo như đúng quy định, ngân hàng thương mại mong muốn nhất chính là khung pháp lý liên quan đến xử lý tài sản nợ xấu.
“Nhìn chung, khung pháp lý ở Việt Nam chưa thể hiện được rõ ràng vai trò hỗ trợ các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Điều này dẫn đến việc xử lý những tài sản liên quan đến nợ xấu rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc quản lý tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng”, Phó Tổng Giám đốc PVcomBank nói.
Thực tế, Việt Nam vẫn chưa có một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa – mà ở đó có thể mua bán nợ xấu qua thị trường bình thường, tăng được thanh khoản, thu hút tiền của nhà đầu tư.
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá rằng, mặc dù nợ xấu nội bảng có vẻ như đang giảm dần trongthời gian vừa qua nhưng chúng ta vẫn phải “luật hóa để xử lý nợ xấu”. Bởi vì nợ xấu nội bảng giảm nhưng nợ xấu tiềm ẩn lại tăng.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã nhiều lần nói về vướng mắc của hàng loạt nghị định trong việc hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu. Một nền tảng pháp lý đồng bộ không chỉ giúp ngân hàng mà còn giúp khách hàng có thể xử lý được các khoản vay một cách dễ dàng nhất.
Theo ông Quang, điều đó đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử, ngân hàng số, các dịch vụ tín dụng cá nhân trên nền tảng số đang phát triển chóng mặt.
“Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, chuyển đổi số ngành ngân hàng, sự minh bạch về pháp luật càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết”, ông Quang nhấn mạnh.
Luỹ kế từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2022 toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1,5 triệu tỷ đồng nợ xấu. Riêng 7 tháng đầu năm 2022 đã xử lý được khoảng 88.100 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, tỉ lệ nợ xấu do tổ chức tín dụng tự xử lý ở mức cao, chiếm 82,6% trong tổng nợ xấu được xử lý. Việc tự xử lý nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro và khách hàng trả nợ.
Riêng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 399.700 tỷ đồng kể từ khi Nghị quyết này có hiệu lực (15/8/2017) đến hết tháng 7/2022.
Nghị quyết số 42 có một vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình xử lý nợ xấu thời gian qua. Phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần luật hóa toàn bộ nội dung của Nghị quyết 42, trong đó, bổ sung một số nội dung như quyền xử lý tài sản đảm bảo của các dự án là bất động sản, thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn. Trước tình hình này, vừa qua, Quốc hội đã giao cho Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hoá các nội dung của Nghị quyết 42.
Thu Huyền - Công Luân