Những dự án du lịch về thôn Triêm Tây đã “tự tin” ra sát sông Thu Bồn khi áp dụng kè thuận tự nhiên - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
"Mang vào kẻo đạp gai, vít. Uốn ván thì khổ", quăng cho khách đôi ủng, bà Huỳnh Thị Tài (67 tuổi, thôn Triêm Tây, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) dẫn đi lội bùn.
Đây đã là lần thứ hai trong tháng, người dân vùng đất ngã ba cuối sông Thu Bồn dọn lụt với tâm thế bình thản.
Mùa lai quần trên gối
Bà Tài lấy cuốc cào bùn quanh hiên nhà rồi lấy thêm dây nhựa buộc chặt mấy khúc gỗ từ thượng nguồn vừa tấp vào vườn để làm của để dành.
Nghe đài báo vài ngày tới sẽ còn đợt mưa kéo dài trên thượng nguồn nên người dân ở đây chẳng màng dọn vườn tược. Chỉ những không gian sinh hoạt tối thiểu và vật dụng giá trị mới được bà con chăm chút để chung sống với lũ.
Nhưng bà Tài mới chỉ không lo sạt lở chừng hơn chục năm trở lại đây khi biết cách kè mềm thuận tự nhiên. "Triêm Tây thời "ông bà tui" đất rộng bạt ngàn, cói mọc khắp nơi nên bà con ở đây thu hoạch, cả làng làm nghề dệt chiếu.
Nhưng mấy bận lụt, nhất là năm 1999 kéo theo sạt lở, ruộng cói không còn mà xóm làng cũng đổ ùm xuống sông. Ai nấy cũng bỏ làng đi", bà Tài nói.
Bà Tài nhớ một chiều tháng 4-2009, khi đang ở nhà gói ghém đồ đạc chuẩn bị cho việc di dời đến khu đất mới ở Gò Sài thì hay tin có người về đây thuê đất làm du lịch. Bán tín bán nghi, bà Tài nói với chồng "để coi".
Rồi sau đó khi biết người thuê là kiến trúc sư, bà Tài dần có sự tin tưởng hơn. Vì theo cái lý của bà Tài lúc ấy là miếng đất mà ông kiến trúc sư kia thuê ở trên nhà mình, nếu ổng "bay" thì mình hãy dời đi cũng không muộn.
Còn trụ được thì cùng giữ đất hương hỏa ông bà cho con cháu, nhà mình ở gần khu du lịch. "Ổng đổ tiền tỉ ra miệng hà bá thì sợ chứ mình thì chẳng có chi để mất", bà Tài quyết liệt với chồng.
Thời điểm ấy 37 hộ dân ở đây đều đã nhận đất tái định cư do Nhà nước cấp ở Gò Sài. Mỗi năm nước lại ăn đất vài chục mét. Có năm thẻo đất đầu làng này bị ăn vào tới 50m. Miệng hà bá kéo tới đâu, dân ở đó lại khăn gói ra đi.
Nhưng vẫn còn năm hộ quyết định ở lại chống chọi với tự nhiên bằng một chữ: tin. Bà Nguyễn Thị Vui, một trong năm hộ dân trên, kể thời điểm ấy nhà bà cũng đã đi coi ngày triệt hạ để dời lên Gò Sài.
Vì hồi ấy đang đêm mà có nhà đổ sầm xuống sông là chuyện thường nên ai cũng lai quần trên gối vừa chạy lụt vừa chạy sạt lở. "Chồng tui nói có che miếng bạt cũng phải lên Gò Sài chứ ở lại chỉ có ngồi trên nước. Nhưng không ngờ ông kiến trúc sư về, làng còn giữ được...", bà Vui nói.
Giữ làng với kè tự nhiên
Vị kiến trúc sư mà bà Tài nhắc tới chính là ông Bùi Kiến Quốc (77 tuổi, Việt kiều Pháp, sống ở Hội An). Ông Quốc là viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Cộng hòa Pháp. Sau khi nghỉ hưu ông đau đáu nhớ làng quê nên quyết định về sống tại quê hương Quảng Nam.
Trong một lần dạo chơi bên kia sông Thu Bồn, ông tiếc cho vùng đất trù phú, thơ mộng nên quyết định thuê đất làm "cuộc cách mạng" giữ làng.
Thời điểm ấy, dù quyết định ra tay thuê đất và mua lại những căn nhà của người dời đi nhưng ông Quốc vẫn chưa biết cách trị thủy. Loay hoay mãi, một ngày ông Quốc thấy cây gụ (gò) rơm chất cao trữ thức ăn cho bò mùa lũ bèn hỏi thăm phương pháp đắp.
Là kiến trúc sư, bài toán mà ông Quốc đặt ra là giữ được đất ở đây mà không phá vỡ cảnh quan xung quanh. Và tuyệt nhiên, phương pháp kè cứng kiểu bê tông hóa ở ngã ba sông có thể gây bên lở bên bồi không có trong phương án của ông.
Được bà Tài chỉ cách đắp bao cát nệp tre, ông Quốc lại tiếp tục đi quanh làng "tìm thầy". Nhiều người lắc đầu nói cây tre bền chắc như vậy cũng không trị được dòng nước nên nơi này mới hết cơ may.
Nhưng quẩn quanh vùng thôn quê nhiều ngày, ông Quốc được gợi ý nhiều loại cây cỏ giữ được đất, nhất là cây cỏ rùi vốn "sống chung với lũ". Từ những "người thầy" nhà quê ấy, một phương án kè sinh thái được ông thiết kế với ba tầng kè, hình thành ba lớp bảo vệ phía trước thành lũy tre làng.
Ông Quốc miêu tả phương pháp của mình cho người đến tìm hiểu như những lần ông thuyết trình trước cộng đồng khoa học cũng như những vị khách quốc tế. Theo ông Quốc, tre vốn là thành lũy vô địch giữ đất, giữ làng. Nhưng tre vẫn cần những tầng cây khác bảo vệ phần "móng" của mình.
Ông thiết kế tầng kè đầu tiên là loại cây cắm được rễ dưới nước, miễn rằng giữ được đất ở độ sâu chừng 1m cho chúng bám. Ông Quốc chọn cây sậy ở địa phương. Tầng thứ hai được trồng loại cỏ rùi với hệ thống rễ bền chắc giữ đất để giảm tác động lên bờ kè. Tầng thứ ba vào sâu chừng 3m là loại cỏ vetiver vốn là "vô địch" về khả năng bám chống lở.
"Đó là kết quả sau nhiều lần "nghe thầy" là bà con mình trong thôn này cả. Tôi thử nghiệm phương án ba tầng kè cùng với những lũy tre xanh mát tạo thảm xanh ngay khoanh đất đầu làng. Và như thế chúng tôi đã trụ vững và sống hòa thuận với thiên nhiên ở ngay họng nước này suốt 15 năm qua", ông Quốc cười hài lòng.
Sau khi phương pháp kè sinh thái của ông Quốc đứng mũi chịu sào ở đầu con nước trụ vững với thời gian, từ năm 2015 nhiều người dân trong làng cũng học tập theo cách sống chung với con nước này. Nhiều bạn trẻ chọn lối sống bỏ phố về quê cũng tìm về làng quê nghèo này cùng tham gia kè sinh thái để giữ đất, phát triển mô hình làm vườn nông nghiệp sinh thái bền vững.
Giờ đây khi cầu Cẩm Kim nối nhịp qua Triêm Tây, vùng đất bãi đầu làng ngày nào giờ trở thành trung tâm của làng với các dự án khu du lịch sinh thái. Khách vẫn lội con đường Chè Tàu 1 để vào trong xóm ngập ngụa bùn non. Nhưng nước vừa rút, những ngôi nhà ba tầng bên đường vẫn nhộn nhịp thi công như thể chưa có trận lụt nào kéo qua mà không hề sợ sạt lở.
Người dân khấm khá hơn
Người dân Triêm Tây hôm nay đón nhận thành quả các điểm du lịch cộng đồng làm thay đổi làng quê - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Theo ông Võ Đăng Sự, từ khi cầu Cẩm Kim nối đôi bờ, xe cộ qua lại an toàn đã giúp làng quê nơi đây xích lại gần phố Hội, đời sống người dân khấm khá hơn. Đồng thời, nơi đây cũng đã xây dựng được hợp tác xã du lịch, trở thành điểm du lịch "nhà quê" bên cạnh phố cổ Hội An trầm mặc.
Điểm du lịch "nhà quê"
Một góc đầu làng Triêm Tây nơi trước đây sạt lở đã thay đổi bộ mặt - Ảnh: BÙI KIẾN QUỐC
Ông Võ Đăng Sự, trưởng thôn Triêm Tây (xã Điện Phương), cho biết khu vực xóm đầu thôn bắt đầu sạt lở nặng nhất sau đợt lũ năm 1999 và kéo dài đến năm 2007. Trong đó khu vực xóm Phú Hòa với 37 hộ dân sạt lở nặng nhất, có năm "ăn" vào làng tới 40-50m nên phải di dời khẩn cấp các hộ dân về Gò Sài.
Ông Sự cho biết đây là đoạn hợp lưu của hai nhánh cuối dòng sông Thu Bồn nên tốc độ xói lở kinh hoàng khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về. Trước năm 1975, diện tích đất tự nhiên ở đây là 51ha nhưng hiện nay diện tích 17ha.
"Nếu không có ông Quốc đứng ra nhận việc kè giữ đất ở đầu làng chắc chắn không có ai dám ở lại đây hết vì chỗ này ngay ngã ba sông. Thời ấy mà làm kè bê tông thì chắc chắn không làm được vì đất rộng mà không có tiền. Mà bỏ thí cho tự nhiên có lẽ giờ đã sạt lở đến mức không có chỗ làm cầu Cẩm Kim bây giờ", ông Sự nói.
TTO - Một thời người dân ở các làng biển xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã đào hầm, đắp bao tải cát dựng lô cốt trú bão. Nhưng giờ đây, những hình ảnh đó đã gần như biến mất.
Xem thêm: mth.97280659031012202-ol-tas-os-ioht-ol-tas-gnal/nv.ertiout