Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND TP.HCM - Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ
Ý kiến được ông Lê Minh Trí nêu ra tại buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND TP.HCM chiều 13-10.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí - viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - nói TP.HCM là địa phương có nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mặt trái. Đó là dân số lớn nhất cả nước, tăng dân số cơ học nhanh. Việc này có thể tạo nguồn nhân lực cho TP nhưng sẽ dẫn đến việc quá tải cơ sở hạ tầng về giao thông, y tế, giáo dục, nhà ở…
Những nhiệm kỳ qua, TP phấn đấu đầu tư giao thông, y tế, giáo dục nhưng càng đầu tư thì dân số càng tăng. Như vậy, TP cứ phải chạy theo để giải quyết mãi, rất mất sức.
Ông dẫn chứng TP có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng không phải khu nào cũng có hiệu suất, hệ lụy là gây ách tắc hạ tầng. Ông Trí gợi mở TP nên tái cơ cấu nền kinh tế, chọn những mục tiêu, sản phẩm cụ thể để xin trung ương cơ chế phát huy, theo hướng giảm dân số.
"Tôi thấy tỉnh lộ 8 của huyện Củ Chi có thời điểm người đi đông hơn đường Cách Mạng Tháng Tám ở trung tâm TP. Mà người đi ở đây chủ yếu là người dân ở các địa phương lân cận lên TP đi làm", ông Trí nói.
Ông gợi ý: "TP.HCM nên mạnh dạn đề xuất với những địa phương và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để chuyển dịch những cụm công nghiệp này đến những địa phương cần. Đồng thời đề xuất chính sách để chuyển đổi công năng các khu này để phát triển thương mại dịch vụ. Như vậy giá trị gia tăng không chỉ cao hơn mà giải quyết được vấn đề quá tải hạ tầng, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao".
Nói thêm về đặc thù TP, ông Trí đánh giá TP.HCM luôn khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và đã đề xuất trung ương nhiều cơ chế chính sách đặc thù để giữ vững vai trò này. Tuy nhiên "dù có cơ chế gì đi nữa thì lúc nào TP.HCM cũng cảm thấy chật chội. Cũng có những cái kêu được cho thì mừng, nhưng cái không cho, không nên kêu nữa mà kêu cái khác".
Dẫn chứng việc nhiều năm qua, TP.HCM liên tục xin tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại nhưng không được như ý, ông nói lý lẽ của TP.HCM là để tiền ở đây sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn những chỗ khác, nhưng lý lẽ của trung ương thì những nơi khác khó hơn, phải dựa trên tổng thể quốc gia để điều tiết.
Do đó, ông cho rằng khi trung ương không đáp ứng được ngân sách như nhu cầu của TP thì nên mạnh dạn đề xuất cơ chế khác để tăng thu.
"Nếu TP.HCM cứ phải đợi, dựa vào ngân sách để phát triển thì rất chậm, mà phải có giải pháp để huy động nguồn xã hội hóa, kể cả trong đầu tư và trong quản lý. Cái gì xã hội làm được thì để cho xã hội làm. Phải coi xã hội hóa là biện pháp phù hợp trong tình hình TP phải chờ ngân sách trong khi khả năng TP có", ông Trí nói.
"Vấn đề quan trọng là TP.HCM phải có cơ chế chính sách thông thoáng để huy động được nguồn lực này, chứ bây giờ trung ương có tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại lên 40% cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển của TP", ông thêm.
Theo ông Trí, giải pháp này TP đã từng làm và có hiệu quả. Theo đó, TP chỉ hỗ trợ lãi vay cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, còn không can dự vào các nguồn lực đầu tư.
TP.HCM phải phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Nói về mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, ông Lê Minh Trí đánh giá là rất đúng đắn. Một TP lớn như TP.HCM muốn cạnh tranh với khu vực và thế giới nhưng lại không hình thành được trung tâm tài chính là không được.
Tuy nhiên, ý tưởng này đã hình thành 15 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thành hình. TP cần phải có cơ chế, chính sách để nhanh chóng phát triển trung tâm tài chính.
Cuối cùng, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng TP tăng trưởng thì phải phát triển khoa học công nghệ và kinh tế số.
TP còn tỉ lệ đất nông nghiệp lớn như ở Củ Chi, nhưng "đất Củ Chi không thể để chăn bò". Ông nhấn mạnh phát triển nông nghiệp ở Củ Chi phải phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi cho các địa phương, chứ không thể chú trọng sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
Chiều 19-10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Thường vụ Thành ủy TP.HCM, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2020.
Xem thêm: mth.22583117131012202-cahk-gnouhp-aid-gnas-peihgn-gnoc-muc-os-tom-neyuhc-nen-mch-pt/nv.ertiout