Phát biểu trên đài France 2 ngày 13-10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris sẽ không đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nếu như Nga sử dụng chúng tại Ukraine, theo đài RT.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Christophe Ena/AP |
Tổng thống Macron nói rằng Pháp có học thuyết hạt nhân được định nghĩa rõ ràng dựa trên những lợi ích nền tảng của quốc gia.
“[Học thuyết] được định nghĩa rõ ràng và sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp nếu như có một vụ tấn công hạt nhân đạn đạo ở Ukraine hay trong khu vực chẳng hạn” - ông Macron cho hay.
Bình luận trên của ông Macron đã vấp phải những luồng ý kiến trái chiều. Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết mức độ đáng tin cậy của năng lực răn đe hạt nhân “dựa vào việc không nói bất cứ điều gì” về những gì quốc gia có thể làm trong những hoàn cảnh cụ thể.
Theo tờ Politico, là nhà lãnh đạo cường quốc hạt nhân duy nhất trong Liên minh châu Âu (EU), phát biểu trên của Tổng thống Pháp cũng gây lo ngại đối với các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Ba Lan, Romania hay Slovakia. Điều 5 của NATO đề cập phòng thủ tập thể, trong đó nói rằng một cuộc tấn công vào một thành viên NATO là một cuộc tấn công vào toàn bộ khối quân sự này.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại - ông Josep Borrell nhấn mạnh bất kỳ vụ tấn công hạt nhân nào vào Ukraine sẽ nhận lấy phản ứng mạnh mẽ từ phương Tây và có thể khiến lực lượng Nga bị "tiêu diệt”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 13-10 nhận định khả năng phương Tây dùng vũ khí hạt nhân "cực kỳ nhỏ”, song nhấn mạnh Moscow sẽ phải hứng chịu "hậu quả nặng nề” nếu sử dụng chúng để tấn công Ukraine.
"Chúng tôi sẽ không đi sâu vào cách thức chúng tôi phản ứng chính xác là gì, nhưng điều này về cơ bản sẽ thay đổi bản chất của cuộc xung đột. Có nghĩa là khi đó, lằn ranh đỏ quan trọng đã bị vượt qua” - ông Stoltenberg cho hay.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, đã có nhiều lo ngại cho rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ ra lệnh dùng vũ khí hạt nhân để tấn công Kiev. Vào tháng 9, sau khi Nga thúc đẩy quá trình sáp nhập bốn tỉnh ly khai của Ukraine, ông Putin đã từng khẳng định sẽ sử dụng "tất cả công cụ” để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, Mỹ cho biết họ chưa thấy dấu hiệu nào khẳng định Moscow đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Khi được hỏi về việc Mỹ sẽ phản ứng như thế nào nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine, Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ là "vô trách nhiệm” khi ông thảo luận công khai những điều mà ông sẽ hoặc không làm.