Ông Mai Huy Tân, người bị “chôn vốn” đến hơn 700 tỷ đồng đã nhiều năm trong dự án Cocobay Đà Nẵng cho biết, ông và một số chủ nợ của Công ty Thành Đô (Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô - chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng) đã gửi đơn kiện công ty này tới Tòa án nhân dân quận Tây Hồ, Hà Nội (vì công ty Thành Đô đóng trụ sở tại quận Tây Hồ) và Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng - nơi dự án Cocobay tọa lạc.
“Chúng tôi đã rất kiên nhẫn chờ đợi Thành Đô thực hiện lời hứa của họ. Nhưng công ty này chây ỳ, liên tục thất hứa, đẩy chúng tôi vào tình thế cực kỳ khó khăn, buộc phải nhờ pháp luật can thiệp để bảo toàn quyền lợi hợp pháp của mình”, ông Mai Huy Tân khẳng định.
Được biết, ngày 22/01/2022, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Công ty Thành Đô, đã ký vào biên bản xác nhận công nợ với Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức - nhà đầu tư đã mua nhiều bất động sản tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Trong văn bản (có dấu đỏ của Thành Đô), công ty Thành Đô cam kết sẽ trả lại toàn bộ số tiền họ nợ Nhịp cầu Việt Đức. Tổng số tiền nợ là hơn 700 tỷ đồng.
Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức là một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải, năng lượng tái tạo và bất động sản du lịch. Người đại diện theo pháp luật của Công ty này là Tiến sĩ Mai Huy Tân, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty.
Thành Đô cam kết trả nợ cho Nhịp cầu Việt Đức theo 3 đợt: Đợt 1 là tháng 02/2022, đợt 2 - tháng 3/2022 và đợt 3 vào trước ngày 30/4/2022. Tuy nhiên, họ không hề thực hiện cam kết.
Theo Infonet, ngoài món nợ Nhịp cầu Việt Đức hơn 700 tỷ, Thành Đô còn nợ các chủ sử hữu khác hơn 234,5 tỷ đồng. Tổng cộng, Thành Đô nợ các nhà đầu tư thứ cấp gần 1000 tỷ đồng.
* Ngày 14/7/2011, UBND TP. Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Empire Group) để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay Đà Nẵng), với tổng diện tích đất sử dụng 513.326m2. Mục đích sử dụng đất là xây dựng các công trình nhà ở để bán và cho thuê, các công trình khác phục vụ cho kinh doanh du lịch và các dịch vụ có liên quan.
Ngày 5/6/2016, Thành Đô đã tiến hành khởi công siêu dự án Cocobay Đà Nẵng có quy mô 6.000 căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng (condotel), 300 biệt thự, nhà liền kề cùng hàng loạt tiện ích vui chơi - giải trí. Cocobay được quảng cáo rầm rộ trong suốt thời gian dài là “tổ hợp giải trí hàng đầu Đông Nam Á”.
Được biết theo báo cáo tài chính được kiểm toán của công ty Thành Đô, thời điểm ngày 31/12/2015 thì số vốn chủ sở hữu của Thành Đô là dưới 300 tỷ đồng. Trong khi đó, siêu dự án của Thành Đô có nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu lên tới 11.000 tỷ đồng, tức là vốn chủ sở hữu chiếm chưa tới 3% nhu cầu vốn đầu tư, thấp hơn rất nhiều lần theo quy định của pháp luật.
Thành Đô đã liên kết chặt chẽ ngay từ đầu với Ngân hàng CP Sài Gòn – Hà Nội SHB. SHB vừa cho Thành Đô vay tiền, vừa là ngân hàng độc quyền cho các nhà đầu tư thứ cấp vay tiền để mua tài sản hình thành trong tương lai mà Thành Đô là người bán.
Tại dự án này, Thành Đô cam kết trả lợi nhuận cho người mua condotel lên tới 12%/năm trong 8 năm. Rất nhiều nhà đầu tư đã “xuống tiền” vì tin tưởng cam kết của Thành Đô, trong đó ông Mai Huy Tân là người đầu tư nhiều nhất vào Cocobay.
Mới thực hiện cam kết được 02 năm, đến cuối năm 2019, Công ty Thành Đô thông báo với các khách hàng đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng: từ 01/01/2020, Công ty chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết theo Phụ lục Hợp đồng mua bán đối với khách hàng do khó khăn về dòng tiền. Việc này đã đẩy các nhà đầu tư thứ cấp vào hoàn cảnh bị đem “bỏ chợ”.
Hà Nguyễn