Thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã thực thi nhiều chính sách ưu đãi về thuế và tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, nhưng dự kiến nhiều chính sách ưu đãi này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, chính sách thuế trong giai đoạn tới có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực đảm bảo nguồn thu ngân sách khi các nhà làm chính sách phải cân bằng giữa các chính sách thuế góp phần thúc đẩy tăng trưởng và các chính sách, biện pháp thuế nhằm tăng thu ngân sách hiệu quả.
Vậy nên, việc nắm bắt xu hướng và trọng tâm về các thay đổi chính sách thuế toàn cầu cũng như tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, tránh tổn thất, cũng như có cơ hội để tăng trưởng hiệu quả.
Tại sự kiện cập nhật và đối thoại về Thuế, Pháp lý và Hải quan với chủ đề “Vượt qua thách thức để tăng trưởng” được tổ chức chiều 14/10, bà Hương Vũ - Tổng Giám đốc EY Consulting Việt Nam cho biết, chính sách thuế toàn cầu và khu vực đang thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hóa nền kinh tế.
Những xu hướng lớn này sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh, cũng như nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Để tránh những tổn thất và nguy cơ bị xử phạt không đáng có, cũng như nắm bắt được cơ hội từ xu hướng thuế trong thời gian tới, doanh nghiệp cần tăng cường nguồn lực để hiểu và tuân thủ các nghĩa vụ thuế của mình.
Giải thích về vấn đề đối thuế thu nhập của cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoặc dịch vụ quảng cáo có thu nhập phát sinh trên các nền tảng xuyên biên giới không qua một tổ chức nào, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, hệ thống TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới đang vùng nổ ở Việt Nam, tạo ra nhiều nguồn thu nhập cho người dân trong thời kỳ đại dịch vừa rồi.
"Trong lúc khó khăn của người dân, ngành thuế chưa siết chặt loại thuế này, để tạo điều kiện cho người dân phát triển thu nhập điện tử. Thời gian tới, chắc chắn nội dung này sẽ được sửa đổi. Chúng tôi coi dịch vụ số xuyên biên giới không phải là một biên giới truyền thống mà là không biên giới. Vì vậy, thuế cho dịch vụ này cần phù hợp theo thông lệ quốc tế, và hiện nay, có rất nhiều quốc gia đang tranh chấp trong đánh thuế TMĐT và dịch vụ số trên thế giới", bà Lan cho hay.
Lãnh đạo Cục Quản lý thuế cũng khẳng định, sắp tới, chắc chắn nội dung này sẽ sửa đổi theo thông lệ quốc tế, không thể có mức thuế cao hay thấp hơn thế giới. Tuy nhiên, so với mức thu tạm thời hiện nay, thuế TMĐT chắc chắn sẽ cao hơn, nhưng vẫn thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Mức tăng sẽ phù hợp với bối cảnh của Việt Nam hiện nay.
Về việc đăng kí giao dịch điện tử của các cá nhân, đặc biệt là cá nhân nước ngoài, bà Lan cho biết, vấn đề này đang có khó khăn trong việc bảo mật kê khai điện tử. Trong trường hợp không có quy định chỉ gửi mã OTP vào số điện thoại của người khai thuế, sẽ có những rủi ro cá nhân khai thuế đó. Trường hợp khác, nếu một người có mã số thuế của ai đó, hoàn toàn có thể thực hiện kê khai điện tử, dẫn đến những kẻ phá hoại dùng mã số thuế và thực hiện kê khai.
"Vừa qua, chúng tôi đã có quy định chặt chẽ hơn, nếu trường hợp uỷ quyền khai thuế cho cá nhân hay cho đại lý thuế, chính người nộp thuế phải có thông báo kê khai với cơ quan thuế về việc uỷ quyền này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ xem xét về việc chỉ có một số điện thoại của người uỷ quyền kê khai thuế chính thức", bà Lan nói.
Ngoài ra, trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về thuế giá trị gia tăng, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Bộ Tài chính cho biết, hiện rất nhiều trường hợp đang kiến nghị về việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
“Do đó, dự án Luật thuế gia tăng là một trong 3 dự án luật được Bộ Tài chính đăng ký sớm nhất để đưa vào xây dựng từ năm 2023-2025, từ đó có nghiên cứu sửa đổi toàn diện pháp luật về thuế giá trị gia tăng. Ý kiến của các doanh nghiệp sẽ luôn được ghi nhận để có báo cáo xây dựng luật thuế giá trị gia tăng phù hợp”, ông Huy kết luận.