Một cuộc khảo sát từ Đại học Michigan công bố ngày 14/10 cho thấy người tiêu dùng Mỹ dự kiến lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong tương lai đã làm tổn thương thị trường chứng khoán toàn cầu.
Đây là một tín hiệu khác cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ phải tiếp tục thắt chặt lãi suất để kiềm chế tình trạng lạm phát đang kéo dài dai dẳng. Chiến lược này có nguy cơ đẩy nền kinh thế lớn nhất thế giới vào suy thoái.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 403,89 điểm (1,34%), xuống 29.634,83 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn tăng 1,15% trong tuần.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 2,37% xuống 3.583,07 sau khi tăng 1,2% vào đầu phiên và ghi nhận mức đóng cửa âm thứ bảy trong 8 ngày.
Nasdaq Composite giảm 3,08%, kết thúc ngày ở mức 10.321,39, do cổ phiếu Tesla và Lucid Motors lần lượt giảm 7,55% và 8,61%.
Cả S&P 500 và Nasdaq đều kết thúc tuần thấp hơn, lần lượt giảm 1,55% và 3,11% trong tuần.
Báo cáo của Đại học Michigan cho thấy tỉ lệ lạm phát dự kiến trung bình trong năm 2023 tăng lên 5,1%, cao hơn mức 4,7% trong tháng 9. Báo cáo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy áp lực lạm phát đang trở nên ngày càng nặng nề.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên đến 4% lần thứ hai trong hai ngày khi các nhà đầu tư phản ứng trước thông tin lạm phát sẽ tiếp tục leo thang. Chỉ số này hiện đang ở gần mức cao nhất kể từ năm 2008. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm tăng từ 4,40% lên 4,51% ngay trước khi báo cáo được công bố.
Cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Apple giảm 3%, trong khi cổ phiếu Microsoft, Alphabet, và Meta Platforms giảm hơn 2%.
Cổ phiếu JPMorgan tăng hơn 2% sau khi ngân hàng này công bố báo cáo kết quả quý III tốt hơn mong đợi.
Citigroup và Wells Fargo cũng báo cáo kết quả kinh doanh quý tốt hơn kỳ vọng, còn ngân hàng Morgan Stanley đi ngược lại xu hướng do hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tư yếu hơn.
Cổ phiếu Tesla giảm hơn 7% sau khi ngân hàng Wells Fargo hạ dự báo giá cổ phiếu của hãng này từ 280 USD xuống 230 USD/cổ phiếu.
Chứng khoán Phố Wall đã trải qua một tuần đầy biến động, đặc biệt là vào hôm 13/10, sau khi báo cáo CPI tháng 9 của chính phủ Mỹ cho thấy lạm phát vẫn rất nóng.
Chỉ số Dow Jones kết thúc phiên giao dịch tăng 827 điểm sau khi giảm hơn 500 điểm, mức thấp nhất trong ngày 13/10. Chỉ số S&P 500 tăng 2,6%, phá vỡ chuỗi 6 ngày giảm và Nasdaq Composite tăng 2,2%.
Các nhà đầu tư đang tìm kiếm dấu hiệu cho thấy Fed sẽ nới lỏng thị trường. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất cơ bản 5 lần trong năm nay, trong đó 3 lần tăng gần nhất là 0,75 điểm phần trăm. Dự kiến, Fed sẽ tăng thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo vào đầu tháng 11.
Lạm phát dù đã hạ nhiệt ở một số khu vực của nền kinh tế, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề đối với Fed, và các nhà đầu tư cũng lo lắng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ở những diễn biến khác, giá dầu thô Mỹ giao tháng 11 giảm 3,50 USD xuống 85,61 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 12 giảm 2,94 USD xuống 91,63 USD/thùng.
Giá xăng bán buôn giao tháng 11 giảm 7 cent xuống 2,63 USD/gallon. Giá dầu sưởi tháng 11 giảm 11 cent xuống 3,98 USD/gallon. Giá khí đốt giao tháng 11 giảm 29 cent xuống còn 6,45 USD/1.000 feet khối.
Giá vàng giao tháng 12 giảm 28,10 USD xuống 1.648,90 USD/ounce. Giá bạc giao tháng 12 giảm 85 cent xuống 18,07 USD/ounce và giá đồng giao tháng 12 giảm 2 cent xuống 3,42 USD/pound.
Đồng USD tăng từ 147,17 Yên/USD lên 148,68 Yên/USD. Đồng Euro giảm từ 97,85 cent/EUR xuống 97,25 cent/EUR.
Bitcoin giảm 0,8% xuống 19.225,03 USD/BTC.
Nguyễn Tuyết (Theo CNBC, Business Insider, AP, Investing)