TP.HCM đang rất cần thêm ngân sách để phát triển hạ tầng. Trong ảnh: tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được xây dựng đoạn qua TP Thủ Đức - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mặc dù dân số của Thâm Quyến lớn hơn của TP.HCM khoảng 39% (Thâm Quyến có hơn 12,5 triệu dân, TP.HCM 9 triệu dân), nhưng GRDP của Thâm Quyến lớn hơn của TP.HCM đến 7,6 lần. Năm 2021 GRDP của Thâm Quyến là 432 tỉ USD, TP.HCM là 56,47 tỉ USD.
Thực ra GRDP của Thâm Quyến còn lớn hơn GDP của cả nước Việt Nam (GDP của Việt Nam năm 2021 là 368 tỉ USD).
Thâm Quyến được xây dựng chỉ từ một làng chài nghèo xơ xác, cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật gần như không có gì. Cái giúp thành phố này phát triển một cách thần kỳ như vậy chính là cơ chế của một đặc khu kinh tế.
Ngược lại, TP.HCM đã từng là "hòn ngọc của Viễn Đông" lại chưa phát huy được những tiềm năng to lớn của mình cũng chỉ vì cơ chế.
Trong bối cảnh như vậy, thông tin được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cung cấp cho cử tri TP.HCM hôm 13-10 về chủ trương tiếp tục tạo thêm cơ chế vượt trội cho TP.HCM là rất đáng phấn khởi.
Với những bổ sung phù hợp về cơ chế, TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một "Thâm Quyến của Việt Nam", một "Thâm Quyến" có thể dẫn dắt nhiều địa phương khác cùng phát triển và trở thành đầu tàu cho cả nền kinh tế.
Vấn đề đặt ra là cần bổ sung cụ thể những gì về cơ chế TP.HCM?
Trước hết, cần nghiên cứu xem những cơ chế gì Thâm Quyến có mà TP.HCM chưa có. Quả thực không phải tất cả mọi cơ chế Thâm Quyến có đều phù hợp cho TP.HCM. Tuy nhiên tất cả những cơ chế phù hợp mà TP.HCM chưa có thì cần được bổ sung ngay.
Thứ hai, để phát triển kinh tế, TP.HCM có những ưu thế rất lớn so với các tỉnh thành khác. Đó là nền tảng vượt trội để vận hành các thiết chế của kinh tế thị trường; là truyền thống và tâm lý tuân thủ pháp quyền của cư dân; là tài năng kinh doanh của người dân, đặc biệt là của đồng bào người Việt gốc Hoa; là mối quan hệ thông qua bà con Việt kiều với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới; là miền đất hứa với tất cả mọi người muốn vươn lên làm giàu và thành đạt... Những bổ sung về cơ chế cần hướng tới việc phát huy tối đa những ưu thế nói trên của thành phố.
Thứ ba, nếu có cơ chế phù hợp để vươn lên được như Thâm Quyến thì nền kinh tế của TP.HCM có thể là rất lớn và hoàn toàn có thể lớn hơn nền kinh tế của nước ta ở thời điểm hiện nay. Đây rõ ràng là một thành phố về kinh tế có thể lớn như một quốc gia.
Vậy thì về cơ chế, quan trọng nhất là phải phân quyền nhiều hơn nữa cho TP.HCM. Đừng nên bắt một thành phố lớn như vậy cái gì cũng phải trình bẩm, cũng phải xin phép.
Thứ tư, giày đóng một kích cỡ khó lòng vừa cho mọi đôi chân, một khuôn mẫu về bộ máy và biên chế khó lòng phù hợp cho mọi địa phương. Một thành phố đông dân gần gấp đôi nước Singapore mà cơ cấu tổ chức và biên chế cũng chẳng khác là mấy so với một tỉnh miền núi thì quá bất hợp lý.
Dân số của TP.HCM gấp gần 29 lần dân số của tỉnh Bắc Kạn (314.000), đội ngũ cán bộ, công chức của TP.HCM không nhất thiết phải nhiều hơn của tỉnh Bắc Kạn đến 29 lần, nhưng cũng không thể quá ít như hiện nay.
Cuối cùng, sự nhất trí của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về việc tạo thêm cơ chế vượt trội cho TP.HCM là bước khởi đầu rất quan trọng. Quan trọng không kém sẽ là tầm nhìn chiến lược và thiết kế kỹ thuật để có được cơ chế nói trên càng sớm càng tốt.
TTO - Chiều 13-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Xem thêm: mth.39084829051012202-mchpt-neyuq-maht-neyuhc-uac/nv.ertiout