Nhiều ô tô chết máy trên đường Lê Duẩn sáng 15-10 tại Đà Nẵng - Ảnh: Đ.T.
Hình ảnh xót ruột sáng sớm nay 15-10 là hàng ngàn ô tô nằm la liệt trên tuyến phố lớn tại Đà Nẵng. Hầu hết các trang Facebook cá nhân của bạn bè tôi là hình ảnh nhà ngập, xe chìm, bồng bềnh tài sản trên nước, thiệt hại vô cùng nặng. Ảnh, clip về trận ngập lịch sử của Đà Nẵng cũng tràn ngập các báo.
So với cơn bão số 4 vừa qua, bão số 5 hình thành từ một áp thấp nhỏ trên biển, khi vào đến gần bờ nó hạ cấp xuống thành đợt áp thấp gây mưa lớn. Thời gian hình thành và tan biến của nó khá nhanh, ấy vậy mà thiệt hại ở mức choáng ngợp. Người dân cả thành phố sốc khi lần đầu chứng kiến cảnh mưa ngập chưa từng có tiền lệ như vậy.
Người dân Đà Nẵng vật vạ trong cơn mưa ngập lịch sử tối qua 14-10 - Ảnh: TẤN LỰC
Nếu để ý kỹ, mức độ đưa tin, dự báo và tần suất cảnh báo của cơn bão số 5 (Sơn Ca) là khá khiêm tốn so với bão số 4 (Noru - dự báo là siêu bão) trên tất cả các phương tiện truyền thông, kể cả mạng xã hội.
Nhưng thật trớ trêu, với bão số 4, Đà Nẵng thiệt hại rất ít về tài sản thì nay bão số 5 chúng ta chứng kiến điều ngược lại. Không có những hình ảnh dữ dằn của bão khi đổ bộ như tôn bay, ngói tốc, nhưng tổn thất của ngập lụt gây thiệt hại cho từng gia đình, từng người dân là không hề nhỏ. Nào giường, tủ, ti vi, máy móc, tủ lạnh đến các vật dụng đắt hơn như xe máy, ô tô nằm la liệt như vậy không biết khi nào gượng dậy. Nhiều năm lao động tích cóp coi như chìm theo lũ.
Rồi sẽ có những phân tích và đánh giá, tìm nguyên nhân của trận lũ lịch sử này và như thường lệ, câu chuyện quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng thoát nước sẽ được đưa ra mổ xẻ.
Năm 2018, trận ngập lớn tại Đà Nẵng ở mức 100 năm một lần, với lượng mưa 635mm trong vòng 24 giờ cũng đã gây thiệt hại nặng.
Trận mưa tối qua phá kỷ lục mưa cũ khi có nơi đo được 755,2mm và mực nước dâng cũng đã lên mức chưa từng thấy. Thiệt hại kèm theo là không nhỏ.
Vấn đề đặt ra là làm sao tránh tổn thất nhất tương tự có thể xảy ra trong tương lai? Tại sao chúng ta đã tránh được bão dữ, an toàn với gió lớn nhưng chịu thua cơn ngập, thậm chí đêm qua đã có người thiệt mạng? Đã đến lúc chúng ta cần một dự báo khác cho khu vực đô thị, chi tiết và cụ thể hơn.
Đường sá bị hỏng nặng trong trận mưa lịch sử tối qua 14-10 - Ảnh: HỮU KHÁ
Người dân Sài Gòn không lạ gì ngập, tuy nhiên triều cường lên xuống, độ sâu nông được dự báo khá chính xác và phần nào quen thuộc vì xảy ra thường xuyên nên thiệt hại được khống chế.
Dự báo ngập do mưa, đặc biệt mưa như miền Trung vừa qua làm được không? Lượng mưa bao nhiêu thì mớn nước tới đâu? Cảnh báo dày đặc hơn nữa, thậm chí quyết liệt cưỡng chế như cơn bão số 4 vừa rồi, có lẽ mọi thứ đã khác.
Công tác dự báo quan trọng và đòi hỏi luôn đi trước một bước, bởi nó là cơ sở cho chính quyền, người dân và các cơ quan liên quan ra quyết định. Điều quan trọng không kém của tuyên truyền về dự báo là người dân biết dự báo để không chủ quan.
Thiên tai rất khó đoán, hầu như không thể chống chọi, kể cả các quốc gia tiên tiến họ chọn cách sống chung để giảm thiểu. Có người bảo nên đổi lại cách gọi từ "phòng chống" thiên tai sang "phòng tránh" thiên tai, để con người nên biết mình bé nhỏ trước thiên nhiên mà khiêm nhường, tránh đi cơn thịnh nộ của đất trời.
Có dự báo tốt mới phòng tránh tốt, giảm thiểu thiệt hại tối đa về người và của, không chỉ thiên tai mà ngay cả trong quân sự cũng vậy, những cuộc chiến lâu dài người ta vẫn xem việc tuyên truyền quan trọng hơn tác chiến vì lý do đó.
TTO - Trận mưa lũ lịch sử xảy ra tại Đà Nẵng đã gây hậu quả rất lớn về tài sản và hạ tầng giao thông đối với thành phố biển này.