Các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) giải đáp những thắc mắc của người dân về đột quỵ tại chương trình tư vấn truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng - Ảnh: XUÂN MAI
Sáng 15-10, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) tổ chức Chương trình tư vấn giáo dục sức khỏe trong cộng đồng "Cấp cứu đột quỵ - cuộc chạy đua với thời gian. Hãy xử trí đúng để cứu người thân của bạn".
Chương trình thu hút sự có mặt của nhiều người dân, trong đó có các bệnh nhân đã đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh về bệnh đột quỵ.
Đại tá Trần Việt Cường - phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - cho biết bệnh viện là một trong số những cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM có thể tiếp nhận và điều trị đột quỵ với đầy đủ phương pháp, góp phần mang đến cơ hội sống và phục hồi cho các bệnh nhân.
Trong quá trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân đột quỵ, đại tá Cường cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là công tác giáo dục, truyền thông sức khỏe để mọi người nhận biết sớm được các dấu hiệu, tức "thời gian vàng", cùng với đó là nắm được mạng lưới cơ sở y tế cấp cứu đột quỵ...
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - khoa nội thần kinh của bệnh viện - chia sẻ hằng năm có khoảng 14 triệu người trên thế giới bị đột quỵ, trong đó 6 triệu người tử vong. Tại nhiều quốc gia, tử vong do đột quỵ đã đứng hàng đầu, vượt trên tim mạch, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
"Đột quỵ đã giết chết nhiều phụ nữ hơn cả bệnh ung thư vú, giết chết nhiều nam giới hơn ung thư tiền liệt tuyến và để lại hơn 80 triệu bệnh nhân sống sót trong tình trạng tàn phế. Riêng các quốc gia châu Á chiếm tỉ lệ vượt trội với 60%", bác sĩ Nghĩa so sánh.
Bác sĩ Trịnh Mỹ Hòa - phó chủ nhiệm khoa nội thần kinh của bệnh viện - cho hay tỉ lệ người dân nắm được những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ trong cộng đồng còn thấp. Theo nghiên cứu nước ngoài, khi các bác sĩ hỏi bệnh nhân đột quỵ có biết bản thân mình trước đó có yếu tố nguy cơ không thì nhận kết quả chỉ có 20% người biết.
Để phòng ngừa đột quỵ, ông khuyến cáo ở người chưa bị đột quỵ nhưng có yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì, nguyên nhân từ tim, ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu…), cần điều chỉnh những yếu tố nguy cơ này (kiểm soát cân nặng, chế độ dinh dưỡng, uống thuốc theo chỉ định, tái khám, tập thể dục thường xuyên, cai thuốc lá...).
Đối với người đã đột quỵ, phải dùng thuốc để phòng ngừa biến cố đột quỵ tái phát. "Người bệnh chỉ quan tâm tái khám chỉ trong 1-3 tháng đầu. Khi thấy khỏe, phục hồi tốt, bà con tự ý mua thuốc hoặc tự ngưng thuốc dẫn đến tỉ lệ tái phát rất cao. Theo thống kê, trong ba tháng, tỉ lệ tái phát đột quỵ 17-18%, và còn 5 năm là 25%", bác sĩ Hòa cho biết thêm.
Cách phân biệt đột quỵ do thiếu máu và do xuất huyết
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa cho hay, đột quỵ là tình trạng não bộ tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu thì các tế bào chết dần.
Hiện có 2 loại, gồm đột quỵ do thiếu máu cục bộ (chiếm khoảng 85%) và đột quỵ do xuất huyết.
Trong đó đột quỵ do thiếu máu cục bộ là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình lưu thông máu lên não. Còn đột quỵ xuất huyết não là tình trạng mạch máu não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt.
Ngoài ra người bệnh có thể gặp phải cơn máu não thoáng qua khi dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Người bệnh có những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, thường kéo dài vài phút.
Về các dấu hiệu nhận biết người bị đột quỵ, bác sĩ Nghĩa liệt kê như tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười không cân đối, không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc, nói giọng bất thường, bị líu lưỡi, đau đầu dữ dội và đến nhanh...
"Nếu có những dấu hiệu trên cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất. Tuyệt đối không được tự ý điều trị bệnh nhân, không cho bệnh nhân ăn uống, dùng thuốc hạ huyết áp...", bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh.
TTO - Hiện tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ ở TP.HCM đến bệnh viện trong thời gian vàng chỉ chiếm khoảng 14%, số còn lại không được “hưởng lợi” bất kỳ phương pháp điều trị nào vì đến bệnh viện trễ.