Thương tiếc ba bậc hiền nhân...
Sau một thời gian chống chọi bệnh tật, học giả An Chi - Võ Thiện Hoa đã từ giã cõi trần hồi 13h05 ngày 12-10-2022, thọ 88 tuổi. Trong đời sống học thuật và báo chí nước ta hơn 30 năm qua, sự xuất hiện của Huệ Thiên - An Chi là một trong những trường hợp đặc biệt.
Vĩnh biệt ông, nhiều bạn đọc không chỉ thương tiếc và chia buồn cùng gia đình học giả An Chi, một số người còn ghi nhận những giá trị ông để lại cho đời.
Bạn đọc Lê Đức Đồng viết: "Đất Nam Bộ sản sinh những con người đầy tài năng mà học giả An Chi là một trong số đó. Đọc "Chuyện Đông chuyện Tây" (6 tập) của học giả, tôi càng thấy khó ai thay thế được ông lúc này và cả mai sau"!
Giáo sư Phạm Phụ - người sáng lập khoa quản lý công nghiệp, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - đã qua đời tối 13-10, thọ 85 tuổi.
Hay tin giáo sư Phạm Phụ ra đi, không chỉ nhiều thế hệ học trò ông thương tiếc người thầy đáng kính, mà còn khá nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online gởi lời chia buồn.
Bạn đọc Huỳnh Trung Lương viết: "Một giáo sư đáng kính, vừa có tâm vừa có tầm. Người đã giúp cho rất nhiều thế hệ sinh viên trẻ mới ra trường tìm cơ hội học tập nâng cao ở nước ngoài. Vĩnh biệt thầy".
Tin giáo sư Ngô Vĩnh Long qua đời ở Mỹ vào ngày 12-10 vì bạo bệnh, thọ 78 tuổi, những thân hữu và học trò của ông thật bàng hoàng.
Trân trọng với những đau đáu của giáo sư Ngô Vĩnh Long và những đóng góp cả đời của ông cho Tổ quốc. Dù sinh sống ở nước ngoài nhưng cũng như bao người con đất Việt, đến lúc từ giã cõi đời tấm lòng ông luôn hướng về đất mẹ.
Bạn đọc Ben Saigon viết: "Nhớ ông như là một người Sài Gòn ưu tú trên đất Mỹ. Nhiều người không biết ông, nhưng nhiều thế hệ nữa sẽ nhớ ông vì những gì ông đã làm cho mảnh đất Việt này".
Đưa một cụ bà đi tránh ngập ở quận Liên Chiểu - Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp
Chia sẻ với Đà Nẵng
Mưa lớn đã làm ngập sâu diện rộng ở nhiều khu vực của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là các quận, huyện Hòa Vang, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, có năm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
"Khúc ruột miền Trung yêu thương ơi cố lên. Cả nước đang dõi theo sẵn sàng tiếp ứng. Tinh thần cả nước vì miền Trung thân yêu" - bạn đọc TD viết.
Trong khi đó, nhìn những hình ảnh các chiến sĩ quân đội, công an... vất vả trong đêm hôm cứu người, nhiều bạn đọc cho biết đã không cầm được nước mắt.
"Thương lắm, Đà Nẵng ơi cố lên. Khi dân cần là bộ đội có mặt, cảm ơn các anh" - bạn đọc Vu Khoi viết.
Tình đồng bào, khúc ruột miền Trung bị thiên tai như chính nỗi đau của mình, bạn đọc Lê chia sẻ: "Mỗi năm lũ bão cuốn trôi tất cả tài sản, phải làm lại từ đầu, cứ lặp lại như vậy mỗi năm. Ngàn đời nay người miền Trung luôn kiên cường chống chọi thiên tai, giúp đỡ nhau trong mưa bão. Thương lắm người miền Trung ơi".
Bị nợ xấu ngân hàng, ai cũng có thể "dính"
Câu chuyện một bạn đọc đi vay 200 triệu mới bật ngửa khi biết mình bị nợ xấu 200.000 đồng, khiến nhiều bạn đọc giật mình nhìn lại.
Vì thế, có một lời khuyên là mọi người cần cẩn trọng khi cho người khác mượn giấy tờ tùy thân để tránh phiền phức bởi rất nhiều ứng dụng vay tiền online thủ tục cực kỳ đơn giản.
Ngoài ra, khi sử dụng thẻ tín dụng cần phải nhớ rõ "ngày thanh toán" để không mắc nợ do chậm thanh toán.
Để không gây phiền phức cho người dân, nhiều bạn đọc đề nghị các cơ quan chức năng nên có biện pháp quản lý chặt hơn, chứ không thể đụng đâu cho vay đó.
Về ý này, bạn đọc Chinh Bui viết: "Nhà nước cần phải kiểm soát chặt loại hình vay kiểu này. Làm gì có chuyện chỉ có hình ảnh căn cước công dân mà các công ty tài chính lại cho vay tiền dễ dàng như vậy".
Cẩn thận cũng là để tự bảo vệ mình, bạn đọc Thái Hanh có lời khuyện: "Chứng minh nhân dân, căn cước công dân tuyệt đối không cho ai mượn hết nhé mọi người!".
"Trong cuộc sống làm sao chúng ta biết hết được rủi ro và các quy trình công nghệ, nhất là bây giờ đang chuyển đổi số. Khi xảy ra chuyện rồi vẫn không biết tại sao" - bạn đọc này viết.
Bà Phan Thúy Trang, hiệu trưởng Trường tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hiệu trưởng phải nhận trách nhiệm, đừng đẩy vấn đề về người tung clip
Bà Phan Thúy Trang, hiệu trưởng Trường tiểu học An Hội, Gò Vấp, TP.HCM, đã trả lời Tuổi Trẻ xung quanh trách nhiệm của bà trong việc để xảy ra tình trạng phụ huynh trong ban đại diện xúc phạm phụ huynh “nghèo”, một lần nữa thu hút nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc.
"Nếu là hiệu trưởng, tôi sẽ nhận hết trách nhiệm trong trường hợp này và tổ chức có kỷ luật tôi sẵn sàng nhận. Sao lại đổ lỗi cho bà T. và người quay clip?" - bạn đọc Trần Tài viết.
Trong khi đó, bạn đọc Phuc hỏi: ""Ai khó khăn thì đừng theo lớp này...", chỉ là cha mẹ học sinh mà lấy quyền gì dám nói công khai như vậy? Câu này không hạ nhục cha mẹ học sinh nghèo thì câu nào? Thậm chí xem thường cả ban giám hiệu nhà trường trong cuộc họp, hiệu trưởng không nhận ra sao?".
"Để một phụ huynh vào nói chuyện lên giọng, xúc phạm gia cảnh người khác như vậy là cực kỳ phản giáo dục. Không hiểu sao, là người đứng đầu, đại diện nhà trường mà bà để chuyện này xảy ra trước mặt mình một lúc lâu rồi bảo "nói chuyện như người trong gia đình"? - bạn đọc NHL viết.
Cũng theo bạn đọc NHL: "Học sinh đến trường để được học, các bé cần được đối xử như nhau, phụ huynh cần được tôn trọng. Từ đầu đến cuối, bà chối bỏ cái sai lớn nhất của mình và đẩy vấn đề về người tung clip. Thật không thể chấp nhận".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ vấn đề gì? Theo bạn, giải pháp nào để chấm dứt nạn lạm thu trong trường học?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến PHẢN HỒI CUỐI TUẦN qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi ý kiến ở KHUNG BÊN DƯỚI.
TTO - Hơn 4.000 lượt bình luận xung quanh chủ đề lạm thu trong trường học, trở thành chủ đề được nhiều ý kiến phản hồi nhất trong tuần. Ngoài việc phản ánh, nêu lên những bất cập trong việc thu phí học sinh, còn rất nhiều ý kiến đưa ra giải pháp.