Đài RT dẫn lời ông Konstantin Vorontsov - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow không có ý định cung cấp cho Belarus công nghệ cho phép nước này nâng cấp máy bay chiến đấu có thể mang vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Tatyana Zenkovich/POOL/AP |
Phát biểu trên được ông Vorontsov khẳng định tại một cuộc họp của Uỷ ban Thứ nhất của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề giải trừ quân bị và các vấn đề an ninh toàn cầu hôm 14-10.
Nhà ngoại giao Nga cũng bày tỏ quan ngại về khả năng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể đưa các cơ sở hạ tầng hạt nhân tới gần biên giới Nga, lưu ý rằng dạo gần đây Ba Lan đang cân nhắc tham gia ở hình thức đầy đủ vào các nhiệm vụ hạt nhân.
“Những hành động như vậy từ Warsaw đã gia tăng đáng kể. Nga và Belarus đang lưu tâm đến động thái này" - ông Vorontsov cho biết, đồng thời nhấn mạnh sẽ có các biện pháp đối phó nhưng cam kết tuân thủ hoàn toàn Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Theo ông Vorontsov, các biện pháp đối phó bao gồm việc chuyển giao hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M phiên bản thông thường chứ không phải phiên bản mang vũ khí hạt nhân. Nga cũng sẽ trang bị cho Belarus một số máy bay chiến đấu SU-25 có thể mang vũ khí hạt nhân nhưng “việc chuyển giao công nghệ cho phép trang bị những vũ khí như vậy sẽ không bao giờ xảy ra".
Ông giải thích rằng Moscow không có kế hoạch “trang bị đầu đạn hạt nhân cho các hệ thống quân sự của Belarus, cũng như chuyển các đầu đạn đó đến lãnh thổ Belarus” và nhấn mạnh Nga không có ý định xây dựng các kho dự trữ vũ khí hạt nhân tại đây.
Ngoài ra, nhà ngoại giao Nga cho hay Moscow sẽ theo dõi chặt chẽ các chính sách của NATO, nhất là sau khi Ba Lan đề nghị cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.
Trong khi đó, trong một tuyên bố ngày 15-10, Bộ Quốc phòng Belarus cho hay các chuyến tàu đầu tiên chở những binh sĩ Nga đã đến Belarus theo thỏa thuận thành lực lượng chung giữa Nga và Belarus.
Tuyên bố nói rằng “quyết định thành lập một nhóm quân khu vực đã đưa ra và đang được thực thi nhằm bảo vệ biên giới của liên minh quốc gia [Belarus và Nga]”.
Động thái trên diễn ra sau khi Tổng thống Belarus - ông Alexander Lukashenko tuyên bố quốc gia của ông cùng với Nga thành lập một lực lượng chung nhằm đối phó các hành vi gây hấn đến từ Ukraine và phương Tây. Lực lượng chung này bao gồm 70.000 binh sĩ Belarus đóng vai trò nòng cốt và hơn một nghìn binh sĩ Nga.