Không “bóp nghẹt” doanh nghiệp
Thị trường vốn, bao gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh được xem là nguồn huy động tài chính quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ, bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu đã phát sinh rủi ro tiềm ẩn, thị trường xuất hiện hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi. Cá biệt, đã có tổ chức cá nhân vi phạm nghiêm trọng phải xử lý, mà điển hình là vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh hay mới nhất là Louis Holding.
Tội phạm trên lĩnh vực tài chính tiền tệ được coi là tội phạm ẩn diễn ra thời gian dài, khi bị phát hiện gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cũng gây khó khăn trong quá trình phát hiện điều tra xử lý của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, trong các hội nghị về ổn định nền kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý. Thủ tướng cũng nêu rõ, luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng.
Khi trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nói rằng, “không hình sự hoá quan hệ kinh tế” là một trong 3 chủ trương quan trọng về phát triển thị trường vốn được Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh.
Quan điểm “không để con sâu làm rầu nồi canh” – tức là doanh nghiệp nào làm sai, vi phạm, đương nhiên là phải xử phạt; còn doanh nghiệp nào làm ăn chân chính thì phải tiếp tục tạo điều kiện để phát triển. Mục tiêu chính của chúng ta chính là làm lành mạnh hoá thị trường và không “bóp nghẹt” doanh nghiệp.
Thực tế, thị trường vốn hiện nay sau vụ việc của FLC hay Tân Hoàng Minh - như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh đánh giá “là gần như suy sụp”.
“Thị trường vốn của ta 2-3 năm qua có sự thay đổi nhưng quá nhỏ và quá dễ bị tác động. Sau vụ FLC, Tân Hoàng Minh thì thị trường vốn gần như suy sụp. Việc này một phần do thị trường tài chính bên ngoài nhưng phần khác do thị trường của ta quá nhỏ, chứa đựng rất nhiều rủi ro”, ông Quốc Anh nói tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế trong phiên thẩm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội 2022 ngày 30/9.
Thừa nhận tình trạng này, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng, việc xử lý các sai phạm xảy ra là cần thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Song, vấn đề còn lại hiện nay chính là củng cố niềm tin, kiến tạo môi trường, thị trường vốn lành mạnh.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng nhìn nhận, các sự việc vi phạm xảy ra chỉ là hiện tượng cá biệt. Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước thời điểm này chính là sửa các quy định theo hướng phù hợp với thị trường, yêu cầu công khai minh bạch và tăng cường giám sát chứ không phải là siết chặt lại khiến doanh nghiệp khó khăn khi tìm vốn.
“Tại các nước phát triển họ không sử dụng công cụ hành chính để ngăn chặn, mà họ luôn mở, miễn là phải thực hiện đúng luật, bất kỳ đơn vị nào gian dối đều phải lĩnh hậu quả nặng nề”, luật sư Đức chia sẻ.
Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, thị trường các nước phát triển có được như ngày hôm nay thì cũng đã trải qua giai đoạn như nước ta. Các doanh nghiệp cũng vậy, mỗi một doanh nghiệp lớn lên đều xuất phát từ nhỏ, họ cần vốn để làm ăn nên việc tạo điều kiện, hành lang pháp lý thuận lợi là hết sức cần thiết.
Quyết tâm làm sạch, lành mạnh thị trường
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội – nhìn nhận, pháp luật luôn đi sau cuộc sống, xã hội và người làm kinh doanh cũng vậy, bên cạnh những người thượng tôn pháp luật vẫn còn đó những người có cơ hội là “lách luật” hoặc chủ động đi tìm kẽ hở của pháp luật để “lách”.
Theo đại biểu đoàn Bạc Liệu, sai đâu xử đó. Hệ thống pháp luật sẽ chặt chẽ hơn, thông qua việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những chế định, chế tài liên quan. Hơn nữa, những sai phạm ấy giúp cảnh tỉnh các nhà đầu tư và doanh nghiệp, rằng hãy cân nhắc, lựa chọn, tập trung vào và bắt tay làm ăn với những doanh nghiệp tốt, có mục đích sử dụng vốn và cấu trúc tài chính ổn định, minh bạch, rõ ràng…
Những “con sâu làm rầu nồi canh” bị phanh phui giúp dễ nhận ra hơn những nhà đầu tư chân chính, những doanh nhân đúng nghĩa.
Đánh giá về quan điểm chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu Chính phủ, đại biểu Huy Thái cho rằng, không hình sự hóa - tức là không biến một hành vi vốn dĩ không bị pháp luật xử lý, hoặc chỉ bị xử lý bằng một chế tài khác nhẹ hơn thành một hành vi có tính tội phạm và bị xử lý bằng loại chế tài nặng nhất, đó là chế tài hình sự.
“Điều đó, tạo động lực cho những doanh nghiệp, những doanh nhân, những nhà đầu tư làm ăn chân chính mạnh dạn, sáng tạo và chủ động”, vị đại biểu nhấn mạnh.
Nhắc lại các vụ án kinh tế nhìn từ FLC, Tân Hoàng Minh, ông Thái nói rằng các trước đây đã có các vụ án khởi tố nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không quá lớn hoặc chưa đến mức phải sử dụng đến chế tài hình sự.
Tuy nhiên, khi mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó tăng lên thì cần phải được điều chỉnh bằng chế tài hình sự nhằm răn đe, ngăn chặn những hành vi tương tự. Đồng thời còn để tăng hiệu quả kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Đây chính là thông điệp quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, được phát đi từ người đứng đầu Chính phủ”, đại biểu Huy Thái nhắc lại.
Thu Huyền - Hoàng Bích