Lo ngại này được Trung tâm Điều độ quốc gia - A0 đưa ra trong bối cảnh Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) thông báo nhà thầu Hibiscus dừng cấp khí cho Nhà máy điện khí Cà Mau trong 3 ngày (17-19/10), để di chuyển giàn khoan ra khỏi khu vực giàn BRB. Việc này dẫn đến khả năng cấp khí cho điện thiếu hụt, chỉ còn tối đa 1,1 triệu m3 một ngày. Thời gian này cũng trùng vào ngày làm việc trong tuần, thời điểm ghi nhận tiêu thụ điện năng cao trong cả nước.
Tính toán của A0 cho thấy, lượng khí trên chỉ đủ cấp để vận hành các tổ máy của Nhà máy điện khí Cà Mau ở mức tối thiếu, tương đương giảm khoảng 1.255 - 1.500 MW so với công suất đặt nhà máy. A0 cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cung ứng điện, an ninh cấp điện toàn quốc.
Do đó, để đảm bảo vận hành hệ thống, đủ điện cho phía Nam trong tuần, A0 đề nghị PVGas cùng các bên liên quan không di chuyển giàn khoan ra khỏi khu vực giàn BRB trong ngày làm việc. Lịch di chuyển có thể đổi sang chủ nhật - thời điểm nhu cầu tiêu dùng điện cả nước ở mức thấp.
Trường hợp thiếu khí, A0 đề nghị PVGas giảm sản lượng cấp cho các hộ tiêu thụ khác, như sản xuất đạm, khí thấp áp... để ưu tiên cấp khí cho phát điện và có giải pháp đảm bảo vận hành khí ổn định những tháng còn lại của năm nay.
Theo A0, bối cảnh các chi phí nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện vẫn tăng rất cao, việc duy trì ổn định các nguồn phát điện vào các tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 rất cần thiết.
Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 9 tháng cho thấy, sản lượng điện từ turbin khí đạt gần 19,7 tỷ kWh, chiếm xấp xỉ 11% tổng điện toàn hệ thống trong 8 tháng đầu năm.
Anh Minh