Sau khi khảo sát ý kiến doanh nghiệp về việc các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin dữ liệu cho cơ quan thuế, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đã có văn bản phúc đáp Công văn 3434/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế về việc khảo sát thông tin dữ liệu cung cấp của các sàn TMĐT.
VECOM cho biết, các doanh nghiệp (DN) trong ngành đều ủng hộ phương án cung cấp thông tin theo phương thức điện tử để thuận tiện cho công tác quản lý thuế của cơ quan thuế và thuận tiện cho hoạt động kinh doanh thông suốt của các sàn.
"Tuy nhiên, việc báo cáo, cung cấp thông tin cần ở mức hợp lý, bám sát quy định pháp luật hiện hành, không vượt quá quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp sàn TMĐT, đảm bảo đúng nguyên tắc “tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của sàn giao dịch TMĐT” theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC", VECOM nhận định.
VECOM trích dẫn quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 và khoản 5 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC là cơ sở pháp lý. VECOM thấy rằng cần làm rõ cơ sở của việc cung cấp thông tin của “tổ chức cung cấp hàng hóa dịch vụ thông qua sàn giao dịch TMĐT”.
Cụ thể, khoản 5 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC quy định “Trong trường hợp tổ chức là chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử không thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua Sàn trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự thì Cục Thuế phối hợp với Sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc chia sẻ và cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh thông qua Sàn theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế để quản lý thuế theo quy định của pháp luật”.
Trong khi đó, ngoài đối tượng quy định tại Thông tư 100/2021/TT-BTC nêu trên, Công văn 3434/TCT-DNNCN đã mở rộng đối tượng mà các Sàn TMĐT phải cung cấp thông tin để bao gồm các “tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ thông qua Sàn”.
VECOM đánh giá các sàn TMĐT là động lực quan trọng nhất góp phần phát triển TMĐT, góp phần cho công cuộc chuyển đổi số, tạo ra hàng triệu việc làm mỗi năm và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách nhà nước thông qua các loại thuế. Tuy nhiên, hoạt động của các sàn còn rất khó khăn, đòi hỏi đầu tư lớn, chi phí hoạt động cao nhưng hầu hết vẫn đang lỗ. Hiệp hội này đề nghị Tổng cục Thuế và các cơ quan quản lý nhà nước lưu ý thực tế này, giảm tối đa các gánh nặng chi phí, gánh nặng tuân thủ, tạo điều kiện cho các sàn TMĐT phát triển.
Một số sàn TMĐT đề nghị thời gian cung cấp thông tin định kỳ là hằng năm, cùng với thời hạn nộp quyết toán thuế thu nhập cá nhân để phục vụ cho việc quyết toán thuế và xác định nghĩa vụ thuế của cá nhân, hộ kinh doanh, để giảm bớt gánh nặng tổng hợp thông tin cho cả cơ quan thuế và các sàn, bởi cơ quan thuế vẫn phải dựa vào dữ liệu cuối năm để đối chiếu thông tin kê khai của cá nhân, hộ kinh doanh. Do đó, tần suất cung cấp thông tin ngắn hơn kỳ năm là chưa hợp lý, tạo gánh nặng tuân thủ không cần thiết cho doanh nghiệp và cũng không có tác dụng đối với việc xác định trách nhiệm thuế của cá nhân, hộ kinh doanh.
Một số trường thông tin của người bán được Tổng cục Thuế yêu cầu sàn TMĐT cung cấp chưa phù hợp với các quy định (không bao gồm thông tin về số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu, cũng như thông tin tài khoản ngân hàng của người bán trên sàn TMĐT. Trong khi đó, khi đăng ký mã số thuế cá nhân hay mã số thuế tổ chức, cơ quan thuế đã thu thập rất nhiều trường thông tin của cá nhân, tổ chức nộp thuế, bao gồm họ tên cá nhân/tên tổ chức, địa chỉ, tài khoản ngân hàng...
Các sàn cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý trên cơ sở những thông tin mà họ thu thập được từ nhà bán hàng trên sàn và hoàn toàn không đủ vị thế hay thẩm quyền để chịu trách nhiệm thay cho nhà bán hàng trong trường hợp các thông tin cung cấp không chính xác. Trong khi đó, vẫn chưa rõ cơ chế xác định trách nhiệm trong trường hợp thông tin của nhà bán hàng không chính xác… Do đó, các sàn TMĐT đề nghị Tổng Cục Thuế có quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên liên quan trong nghĩa vụ cung cấp thông tin. Theo đó, người bán cần phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin đúng và chính xác và sàn không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp thông tin không chính xác hay do hệ thống chặn nộp tờ khai vì các lý do định dạng dữ liệu hay thông tin còn thiếu... dẫn đến sự chậm trễ trong việc cung cấp thông tin.
Trong khi đó, sàn TMĐT cho rằng lộ trình áp dụng thủ tục cung cấp thông tin gấp gáp và chưa hợp lý khi thời gian dự kiến hoàn thiện hệ thống chậm nhất là 21/10 và triển khai chính thức từ tháng 11. Khi các sàn hiện nay còn hạn chế về nguồn lực để thực hiện bởi từ tháng 10/2022 đến cuối tháng 1/2023 (Tết Nguyên Đán) là thời gian cao điểm kinh doanh, nên nguồn lực của các sàn không đáp ứng được các nhiệm vụ khác.
Thu thuế từ thương mại điện tử tăng đặc biệt nhanh
Bộ Tài chính vừa gửi Quốc hội báo cáo thực hiện Nghị quyết 62 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3.
Theo Bộ Tài chính, báo cáo về quản lý thu thuế với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay từ năm 2018 đến nay là 5.588 tỷ đồng. Số thu này có xu hướng tăng qua các năm, tốc độ thu bình quân 3 năm (2018-2021) là 130%, đặc biệt tăng cao từ năm 2021, tới 1.591 tỷ đồng, tương đương tăng 39% so với 2020.
Trong số này, Facebook nộp 2.099 tỷ đồng, Google gần 2.115 tỷ đồng, Microsoft nộp 714 tỷ đồng…
Lũy kế số thu thuế từ xử lý vi phạm, chống thất thu với tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, tới hết tháng 8 năm nay là khoảng 1.082 tỷ đồng. Trong đó, số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng.
Số thu này tiếp tục tăng trong 8 tháng đầu năm nay, gần 521 tỷ đồng, tăng 2 lần so với số thu 2021.
Đối với việc thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Bộ Tài chính cho biết lũy kế hết tháng 8/2022, cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng gần 1.100 tỷ đồng.
Tuệ Minh