Đến bảo tàng được xem là một trong những cách tìm hiểu và học lịch sử sinh động, trực quan - Ảnh: Q.L.
Đó là chia sẻ của đại biểu Dương Trọng Phúc, phó hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng. Anh Phúc kể vừa trở về từ hành trình lần thứ năm đi nghiên cứu, tìm hiểu các tư liệu lịch sử về anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng và nhóm đoàn viên đầu tiên. Cảm xúc rưng rưng khi con cháu của một trong số những đoàn viên đầu tiên ấy trao lại cho anh kỷ vật khiến anh hiểu rằng họ không chỉ trao cho anh mà còn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ.
Anh Phúc đem đến đại hội bài thuyết trình chủ đề biết - hiểu - tin - yêu lịch sử Việt Nam. Điểm chính là năm chữ T (Tìm hiểu - Tôn tạo - Tuyên truyền - Thực hành - Tiếp nối) mà anh tạm xem như giải pháp để mang lịch sử đến gần hơn với các bạn trẻ. Bởi có ý kiến nhận định rằng người trẻ hiện nay thờ ơ, không thích học lịch sử!
Điều này ngay sau đó được bí thư Thành ủy TP.HCM hỏi ngược lại trước đại hội, liệu rằng dòng dư luận ấy có thật thế không, thông tin đó có được kiểm chứng chưa, và có kiểm chứng thấu đáo không? Ông nói cần tiếp tục nghiên cứu nhưng theo ông hình như thông tin đó không chính xác. Ông lý giải: "Làm người ai cũng muốn tìm hiểu về mình, về lịch sử, mối quan hệ liên quan nên không cớ gì lại không muốn học lịch sử".
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành Thành Đoàn khóa XI - Ảnh: Q.ĐỊNH
Dẫu vậy, ông Nên nói chắc là chúng ta cần xem lại về nội dung, phương pháp, cách truyền đạt làm cho các bạn trẻ không thích chăng! Và bí thư Thành ủy đề nghị: "Đoàn thanh niên TP cũng phải đi sâu nghiên cứu chỗ này, chứ dư luận đó ít nhiều làm chúng ta thấy không phù hợp".
Có thể xem đây là gửi gắm của người lãnh đạo cao nhất TP.HCM, cũng có thể đó như một nhiệm vụ Đoàn cần làm. Thực tế là tổ chức Đoàn đã rất nỗ lực trong việc đưa lịch sử đến gần người trẻ, tạo cơ hội cho các bạn trẻ tiếp cận lịch sử. Bằng chứng là cuộc thi Tự hào sử Việt mỗi năm thu hút khá đông lượt dự thi, cung cấp nhiều kiến thức, tư liệu quý, giúp thí sinh khám phá thêm nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn.
Hay từ khá lâu rồi, hành trình đến với bảo tàng được xem như cách học sử sinh động thì nay sau thời gian dài thực hiện, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh có vẻ đang bị chững lại. Nên cố gắng là có, nỗ lực của các cơ sở Đoàn rất đáng ghi nhận song kết quả chưa như mong đợi.
Do đó, hãy xem gửi gắm của bí thư Thành ủy như một đặt hàng nhưng cũng là sự chỉ đạo để chúng ta quan tâm, đầu tư nhiều hơn, tìm cách làm mới. Mà gợi mở của ông Nguyễn Văn Nên rằng là cư dân TP này, bạn hãy yêu, phải tìm hiểu xem có bao nhiêu giá trị được chôn trong từng nắm đất nơi mình sinh sống cũng là một chỉ dẫn để chúng ta tìm giải pháp giúp các bạn trẻ biết - hiểu - tin - yêu lịch sử.
TTO - Ngay sau khi được tín nhiệm bầu tái đắc cử bí thư Thành Đoàn TP.HCM nhiệm kỳ 2022 - 2027, chị Phan Thị Thanh Phương đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những ưu tư về chặng đường năm năm phía trước.
Xem thêm: mth.96693710181012202-uht-ib-gno-auc-mag-iug/nv.ertiout