Một dự án bỏ hoang đất ở huyện Hoài Đức, Hà Nội - Ảnh: QUANG THẾ
Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 gửi Quốc hội.
Phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước
Báo cáo đánh giá trong công tác xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm đã lồng ghép nội dung thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào nội dung thanh tra trách nhiệm, thanh tra hành chính.
Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính ngân sách… nhằm phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi thất thoát, lãng phí.
Qua đó đã phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước, tài sản nhà nước và quản lý, sử dụng lao động; kịp thời thu hồi được nhiều tài sản, kinh phí nhà nước và xử lý nghiêm các vi phạm.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2016 - 2021, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 48.947 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có nội dung liên quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại 73.253 đơn vị.
Từ đó, đã kiến nghị thu hồi 71.790 tỉ đồng, 31.287ha đất; kiến nghị xử lý khác 78.377 tỉ đồng, 31.913ha đất.
Đồng thời kiến nghị xử lý hành chính trực tiếp đối với 12.416 tổ chức, 42.455 cá nhân; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về xử lý hành chính 1.853 người, xử lý hình sự 53 người; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 330 vụ, 431 đối tượng…
Đáng chú ý đã chỉ rõ các bộ, ngành, địa phương có vi phạm về kinh tế lớn, như vi phạm về đất có Bắc Giang (406,56ha), Hà Giang (1.012,9ha), Sơn La (745,72ha), Vĩnh Phúc (479,96ha), Đắk Nông (6.076,23ha), Gia Lai (900,87ha), Hà Tĩnh (484,9ha), Lâm Đồng (531,47ha), Quảng Nam (438,74ha), Thừa Thiên Huế (23.575,55ha), Long An (531ha).
Vi phạm về tiền lớn: Bắc Ninh (580,81 tỉ đồng), Phú Thọ (695,42 tỉ đồng), Quảng Ninh (405,37 tỉ đồng), Đắk Nông (988,56 tỉ đồng), Bạc Liêu (569,13 tỉ đồng), Tiền Giang (353,88 tỉ đồng), Bộ Quốc phòng (318,22 tỉ đồng), Bộ Tài chính (875,78 tỉ đồng).
Các hành vi sai phạm chủ yếu trong giai đoạn 2016 - 2021 được nêu trong báo cáo - Ảnh chụp màn hình
Tự phát hiện sai phạm ít, có biểu hiện né tránh để bảo vệ lợi ích cục bộ
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của đoàn giám sát, phần lớn những sai sót, tồn tại, sai phạm trong việc thực hành chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đều được phát hiện từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán từ bên ngoài, ít có phát hiện từ thanh tra, kiểm tra nội bộ của các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực.
Báo cáo nêu rõ đây chính là hạn chế cơ bản, quan trọng thể hiện hiệu lực quản lý, quản trị, giám sát nhằm ngăn ngừa, hạn chế lãng phí thất thoát chủ động, hiệu quả rất thấp.
Thậm chí có biểu hiện né tránh để bảo vệ lợi ích cục bộ, tư lợi hoặc tự bào chữa cho những hạn chế tự thân của từng cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng giám sát.
Bên cạnh chậm thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi đất đai là chậm sửa đổi, khắc phục các vướng mắc, tồn tại của các nội dung quy định tại các văn bản pháp luật hoặc văn bản quản lý theo thẩm quyền làm kéo dài tác động của các vướng mắc, điểm nghẽn dẫn đến lãng phí, thất thoát nguồn lực tài chính công, tài sản công…
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo cơ quan thanh tra, kiểm tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính công, tài nguyên khoáng sản.
Tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Cạnh đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chậm thực hiện các kiến nghị của thanh tra, Kiểm toán Nhà nước không kịp thời thu hồi vốn, tài sản nhà nước.
TTO - Ngày 15-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đơn vị này đã công khai các vi phạm đất đai tại Đồng Nai và Hà Giang. Trong đó, tại Hà Giang nhiều doanh nghiệp đã bị thu hồi, kiến nghị thu hồi đất.
Xem thêm: mth.81201820281012202-nol-neit-tad-ev-mahp-iv-oc-gnouhp-aid-hnagn-ob-cac-hnad-meid/nv.ertiout