Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện phải đảm bảo tất cả dụng cụ, phương tiện được khử khuẩn, tiệt khuẩn trước khi sử dụng cho người bệnh đúng quy định - Ảnh: XUÂN MAI
Nằm trong báo cáo sơ kết hoạt động khám chữa bệnh 9 tháng đầu năm 2022, kết quả việc kiểm tra công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại 64/82 đơn vị cơ sở y tế trên địa bàn thành phố được Sở Y tế TP.HCM công bố ngày 18-10.
Cụ thể, Sở Y tế đã kiểm tra công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại 41 bệnh viện trong tổng số 59 bệnh viện (còn 18 bệnh viện chưa kiểm tra), 20 phòng khám đa khoa và 3 phòng khám chuyên khoa.
Kết quả kiểm tra cho thấy có 7 đơn vị đạt mức 1 về kiểm soát nhiễm khuẩn, được hoạt động bình thường. Có 45 đơn vị (29 bệnh viện, 14 phòng khám đa khoa, 2 phòng khám nội) đạt mức 2, vẫn tiếp tục được hoạt động. Đáng chú ý có 12 đơn vị đạt mức 3 (9 bệnh viện, 3 phòng khám đa khoa) nên phải tạm ngưng thực hiện các kỹ thuật xâm lấn hoặc can thiệp đã được phê duyệt
Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện vẫn còn một số điểm tồn tại trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn như chưa tách riêng biệt khu xử lý dụng cụ soi và khu vực làm thủ thuật soi, chưa tuân thủ quy định một chiều tại khu vực xử lý dụng cụ đến khu vực soi.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị có tủ lưu trữ chưa chuyên dụng hoặc lưu trữ dụng cụ không đúng cách. Một số khu vực xử lý dụng cụ tại đơn vị chưa đảm bảo thông khí. Việc vận chuyển dụng cụ cũng là vấn đề tồn tại ở rất nhiều đơn vị khi thiếu trang bị thùng đựng phân biệt dụng cụ sạch/dơ, chưa có xe vận chuyển chuyên dụng.
Một số đơn vị chưa đảm bảo thực hành đúng quy trình xử lý dụng cụ soi tai mũi họng (còn nhúng các ống soi vào các lọ hóa chất, chưa tháo rời dụng cụ để xử lý, chưa ngâm ngập dụng cụ cần làm sạch).
Ở nhóm các bệnh viện, số lượng ống soi chưa đảm bảo cơ số để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, kiểm soát thời gian xử lý dụng cụ đảm bảo an toàn người bệnh. Theo khuyến cáo cơ số máy soi trên ống soi là 1:3.
Để khắc phục, Sở Y tế yêu cầu 45 đơn vị đạt mức 2 và 12 đơn vị đạt mức 3 về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn nêu trên phải gửi báo cáo khắc phục về sở để kiểm tra lại.
Trước đó, vào tháng 7, Sở Y tế TP.HCM có văn bản đề nghị bệnh viện, trung tâm y tế có trên 150 giường bệnh lập hội đồng, khoa và mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn. Với bệnh viện, trung tâm y tế dưới 150 giường bệnh tối thiểu phải có bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn.
Sở Y tế yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo tất cả dụng cụ, phương tiện được khử khuẩn, tiệt khuẩn trước khi sử dụng cho người bệnh đúng quy định.
Đồng thời phân công bộ phận giám sát thường xuyên đánh giá việc tuân thủ của nhân viên y tế trong việc thực hiện các quy trình chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn, việc tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn khi triển khai thực hiện các kỹ thuật can thiệp trên người bệnh...
TTO - Nhiều bằng chứng cho thấy bề mặt môi trường, vật dụng y tế, dụng cụ phòng mổ đã làm lan truyền vi khuẩn kháng thuốc, nhiễm khuẩn bệnh viện. Trong đó, ống nội soi mềm được xem là hiểm họa khiến nhiều người nhiễm khuẩn.
Xem thêm: mth.61040527181012202-nauhk-meihn-taos-meik-uac-uey-tad-auhc-mch-pt-o-et-y-iv-nod-ueihn/nv.ertiout