Chiều 18-10, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia họp giao ban Quý III/2022. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Chống buôn lậu xăng dầu triển khai ở các địa phương
Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho rằng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay phức tạp, nếu như trước đây chủ yếu đi qua chính ngạch, thời gian gần đây diễn ra trên tất cả các tuyến.
Lực lượng công an triển khai công tác chống buôn lậu xăng dầu ở tất cả các địa phương, đồng thời làm rõ liệu có hay không tình trạng đầu cơ găm hàng.
Đại diện Cảnh sát biển cho hay trong quý III/2022 vừa qua, cảnh sát biển đã bắt giữ 61 vụ, chủ yếu là buôn lậu xăng dầu trái phép. Số lượng bắt giữ có giảm so với cùng kỳ là do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu chứ không phải buôn lậu giảm. Cảnh sát biển đã tăng cường trên các hướng, nắm chắc tình hình, đối tượng và phát hiện các thủ đoạn ngày càng tinh vi và kín kẽ hơn.
Trước đây các đối tượng sử dụng tàu to nhưng thời gian qua sử dụng tàu nhỏ hơn, số lượng tịch thu hàng hóa cũng nhỏ hơn (số hàng bắt giữ thời gian qua lớn nhất cũng chỉ lên tới 2 tỉ đồng). Các đối tượng tham gia buôn lậu có nhiều thành phần, có cả doanh nghiệp, cá nhân, ngư dân tham gia.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nói buôn lậu xăng dầu, ngoại tệ, vàng gia tăng, C03 mất nhiều thời gian mới phá được chuyên án. Ảnh: TT |
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, hiện nay những hành vi buôn lậu rất tinh vi, nhất là việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp dễ dàng (doanh nghiệp chế xuất, lắp ráp) để buôn lậu, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, EU, lẩn tránh xuất xứ, trốn thuế.
“Tình trạng buôn lậu xăng dầu, vàng, ngoại tệ gia tăng. Vừa qua C03 đã hoàn thành chuyên án lớn, phương thức thủ đoạn thay đổi liên tục nên thời gian dài mới phá được chuyên án này”, Thứ trưởng Long cho hay.
Thủ đoạn mới hơn, quy mô lớn hơn
Về tuyến buôn lậu, trong khi tuyến đường bộ giảm, lại gia tăng ở tuyến hàng không và trên biển.
Ông Nguyễn Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho hay: tình trạng buôn lậu phức tạp ở tuyến biên giới Tây Nam với số lượng hàng hóa lớn, giá trị cao. Ông Linh cũng cảnh báo tình trạng buôn lậu gia tăng vào cuối năm, cần sự phối hợp của các lực lượng liên ngành.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương sẽ tăng cường thanh kiểm tra, giám sát đảm bảo nguồn cung xăng dầu, chống buôn lậu xăng dầu.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết: thời gian qua lực lượng hải quan đã đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại. 9 tháng qua đã phát hiện gần 13 nghìn vụ vi phạm, trị giá gần 5 nghìn tỉ đồng. Lực lượng hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tăng cường chống buôn lậu trên tuyến đường hàng không và chuyển phát nhanh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nói buôn lậu có thủ đoạn mới hơn, quy mô lớn hơn. Ảnh: TT |
“Lực lượng hải quan đã phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị chức năng, theo đến tận đường dây để vây bắt đối tượng. Thông qua các vụ việc cho thấy những thủ đoạn mới và quy mô lớn hơn trước”, ông Cẩn cho hay.
Còn Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổng cục Thuế đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung thanh kiểm tra các mặt hàng có rủi ro. Cơ quan thuế đã truy thu hàng tỉ đồng ở nhiều doanh nghiệp, thu về ngân sách hàng nghìn tỉ đồng.
Đại diện các cơ quan chức năng nhận định, thời gian tới, tình trạng buôn lậu sẽ gia tăng, nhất là dịp trước trong và sau Tết. Do đó, các lực lượng sẽ tăng cường quản lý, đặc biệt là các mặt hàng như: rượu, bia, thuốc lá, pháo nổ, mặt hàng vàng, ngoại tệ, xăng dầu…
Chống buôn lậu cuối năm phải có thế trận liên hoàn
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong quý III/2022 đạt gần 50% so với 6 tháng đầu năm đã ghi nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng.
Bộ trưởng Phớc cho rằng: cần phải đánh giá những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp cho thời gian tới và “giải pháp chính là những tồn tại”; do đó, đề nghị các lực lượng chắc năng cần tập trung xác định rõ phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, từ đó có những giải pháp phù hợp.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay sẽ tham mưu Thủ tướng ra công điện tăng cường xử lý chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: TT |
Bộ trưởng Phớc nhận định, từ nay tới cuối năm tình hình buôn lậu và gian lận thương mại sẽ diễn biến phức tạp, không ngừng gia tang. Vì thế, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia hồi giữa năm 2022 cũng như các kế hoạch khác đã được đề ra.
Ông Phớc cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Bộ trưởng Phớc cung đề nghị phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được quan tâm chú trọng, sâu rộng hơn về hình thức và nội dung. Đặc biệt, tích cực đưa tin các vụ bắt giữ, xử lý về buôn lậu, gian lận thương mại kịp thời, góp phần tích cực trong tuyên truyền pháp luật cho người dân hiểu biết.
Sau hội nghị này, vẫn theo Bộ trưởng Phớc, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ bổ sung hoàn thiện báo cáo và sẽ tham mưu Thủ tướng ban hành công điện chỉ đạo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào những tháng cuối năm.
“Các lực lượng lên kế hoạch và phối hợp tạo thế trận liên hoàn chống buôn lậu và gian lận thương mại. Đây chính là quyết tâm của các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm”, Bộ trưởng Phớc kết luận.