Sáng 18-10, tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan cùng Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã đồng chủ trì hội nghị "Bảo đảm chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam".
Còn nhiều bất cập
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông sản - lâm sản - thủy sản (Nafiqad), chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc thực phẩm tại Việt Nam đã từng bước cải thiện, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng, tăng giá trị xuất khẩu hằng năm.
Tuy nhiên, ngành sản xuất nông sản - thực phẩm Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch; tỉ lệ vi phạm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm giảm nhưng còn ở mức cao so với các quốc gia phát triển. Nguyên nhân là do nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản - thực phẩm hoạt động tự phát; cơ sở hạ tầng của ngành còn thiếu, lạc hậu trong khi hệ thống giám sát, kiểm tra, thanh tra vẫn chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Sơ chế, đóng gói rau quả tại WinEco (huyện Củ Chi, TP HCM)
Để khắc phục tình trạng trên, Cục trưởng Nafiqad nêu giải pháp huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất - kinh doanh, logistics; tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trên quan điểm hài hòa tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam với chuẩn mực quốc tế; chuẩn hóa hệ thống giám sát, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Ông Trần Văn Thích, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh, TP HCM), phản ánh HTX không được phép xây dựng nhà sơ chế - đóng gói cạnh vùng nguyên liệu trên đất nông nghiệp nên phải xây dựng tạm theo dạng "nhà tiền chế". Do vậy, HTX bị xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm chỉ vì đoàn kiểm tra phát hiện... một con ruồi và một con bồ hóng!.
"Ngành hàng của chúng tôi là sơ chế, đóng gói rau; người tiêu dùng mua về còn rửa, nấu chín. Vậy mà lại phạt chúng tôi quá nặng, lên tới 12 triệu đồng. Trong khi đó, rất nhiều thứ ăn liền được bày bán ngoài đường, ruồi bu đầy nhưng không bị phạt. Hoạt động thanh tra, kiểm tra đang tập trung vào những cơ sở sản xuất - kinh doanh có đăng ký mà bỏ quên cơ sở không có giấy phép" - ông Thích bức xúc.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, để cải thiện chất lượng, an toàn thực phẩm thì cần thay đổi "não trạng" của người sản xuất - kinh doanh. "Có doanh nghiệp có tư tưởng đi mua giấy chứng nhận hàng đạt tiêu chuẩn để nộp hồ sơ nhằm đối phó. Nếu không làm thật, không thay đổi thì sẽ bị loại khỏi thị trường" - bà Hạnh thẳng thắn.
Số hóa quản lý an toàn thực phẩm
Ông John G. Keogh, Giám đốc dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (dự án của Canada nhằm tài trợ Việt Nam xây dựng, phát triển một số chuỗi giá trị bền vững), cho hay tại Canada, để tham gia sản xuất nông sản - thực phẩm cung cấp ra thị trường, các cơ sở phải được cấp phép và có các văn bằng, chứng chỉ liên quan để ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn. Trong đó, quan trọng nhất là phải truy xuất được nguồn gốc thực phẩm và có khả năng triệu hồi sản phẩm khi có vấn đề.
"Tôi rất ngạc nhiên khi 5 năm qua, Việt Nam đã tiến bộ rất lớn trong việc truy xuất nguồn gốc ở kênh bán lẻ hiện đại. Mã QR được áp dụng rất phổ biến tại các siêu thị, giúp truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhanh chóng. Theo các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam đã đi trước nhiều nước trong việc truy xuất nguồn gốc bằng mã QR và họ phải tuân thủ nếu muốn bán hàng vào Việt Nam" - ông John G. Keogh cho hay.
Ông John G. Keogh kể mới đây đã có chuyến khảo sát chợ đầu mối Thủ Đức, TP HCM. Tại đây, các thương nhân đã đặt hàng, nhận hàng qua Zalo. Đây là tiền đề để có thể "số hóa" việc truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc ở chợ đầu mối còn gặp thách thức khi các giải pháp đưa ra đang làm tăng chi phí. "Đã đến lúc Việt Nam cần ngưng tập trung cạnh tranh về giá cả để chuyển sang cạnh tranh về giá trị, hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc" - ông John G. Keogh gợi ý.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Võ Văn Hoan nhìn nhận phải ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý an toàn thực phẩm. "Nếu không số hóa thì không thể kiểm soát nổi lượng thực phẩm rất lớn đang tiêu thụ và lưu chuyển tại TP HCM" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo TP HCM, thành phố hiện tiêu thụ 30% nông sản, 10% thịt gia súc - gia cầm, 20% thủy hải sản cả nước nên cần phải số hóa để quản lý hiệu quả hơn. Muốn quản lý tốt vấn đề an toàn thực phẩm, phải có bộ máy thống nhất. Trong khi cả nước có ít nhất 3 ngành tham gia quản lý an toàn thực phẩm là NN-PTNT, Công Thương và Y tế thì TP HCM đã thống nhất được đầu mối là Ban Quản lý An toàn thực phẩm.
Giảm đầu mối quản lý
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng những tồn tại trong quản lý nông sản - thực phẩm của Việt Nam có căn nguyên từ việc có quá nhiều đầu mối tham gia. "Cũng giống như quản lý giao thông, có quá nhiều phương tiện cá nhân cùng chen chúc đi lên, ai cũng muốn đi trước nên leo lề, lách luật; mà có lách luật thì có người làm luật" - ông Hoan ví von.
Từ đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh cần giảm đầu mối quản lý. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT dự kiến đề nghị bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp (như VietGAP), ít nhất là bắt buộc ở các kênh phân phối, thay vì chỉ khuyến khích như hiện nay.
Xem thêm: mth.45871220281012202-man-teiv-mahp-cuht-tahc-gnan-yat-gnuhc/et-hnik/nv.moc.dln