Vào năm 2021, sau khi tập đoàn năng lượng ExxonMobil thất thế trong cuộc tranh cãi với các nhà bảo vệ môi trường, Phó chủ tịch Bill Keillor đã quyết định tổ chức một buổi trao giải tại trụ sở ở Houston-Texas, mời cả những nhân viên đang làm việc từ xa tham gia qua Zoom.
Động thái vực lại tinh thần cho đội ngũ nhân viên của Keillor là có cơ sở khi Exxon đã trải qua một mùa đại dịch đầy khó khăn khi giá dầu giảm làm xói mòn lợi nhuận. Lần đầu tiên trong hàng thập niên, Exxon phải sa thải hàng nghìn lao động và khiến nỗi lo lắng lan rộng.
Hậu quả là dù tổ chức tiệc để động viên tinh thần nhân viên nhưng cuối cùng ông Keillor lại phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi khó từ đội ngũ lao động như liệu công ty có định sa thải tiếp hay không? Liệu Exxon có nâng lương cho xứng đáng với vị thế của một tập đoàn lớn hay không?...
Trụ sở của ExxonMobil tại Houston-Texas
Hãng tin Bloomberg cho biết theo những gì người trong cuộc thuật lại, tình hình lúc đó căng thẳng đến mức các giám đốc khác đã phải lên "đỡ đòn" hộ cho Phó chủ tịch Keillor. Kết thúc cuộc trao giải, các nhân viên đua nhau đăng hình chế giễu trên các nhóm chat riêng tư.
Thế nhưng chỉ 1 năm rưỡi sau đó, giá dầu tăng cao trở lại cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng Châu Âu đã khiến Exxon kiếm lời hơn bao giờ hết trong suốt lịch sử 140 năm của mình. Tuy nhiên, các nhân viên của công ty thì cũng rời bỏ tập đoàn này mà chẳng thèm ngoảnh đầu lại.
Văn hóa khắc nghiệt
"Các quản lý cấp cao không thích nghe những tin xấu đâu, vậy nên nếu muốn tồn tại lâu trong công ty thì bạn phải nghĩ cho kỹ trước khi mở lời. Văn hóa làm việc này chắc chắn chẳng phù hợp với nhiều bạn trẻ hay những nhân viên quan tâm đến môi trường", kỹ sư Dar Lon Chang, người đã rời Exxon năm 2019 sau hơn 10 năm làm việc cho biết.
Hiện ExxonMobil đang có lãi lớn nhờ giá dầu, nhưng lượng nhân viên nghỉ việc tại công ty thì cũng lên mức cao nhất kể từ năm 1999. Trong số 12.000 vị trí bị thuyên chuyển trong 2 năm vừa qua trên toàn cầu của Exxon thì chỉ có chưa đến 1 nửa là bị sa thải, còn lại là tự động thôi việc.
Theo điều tra của hãng tin Bloomberg với cựu nhân viên và cả những người đang làm việc cho Exxon, kết hợp với những tài liệu bội bộ cho thấy văn hóa tại Exxon đang thụt lùi dần. Cụ thể, nỗi sợ hãi và sự phiến diện đang kéo lùi biểu tượng của ngành dầu mỏ Mỹ, nhất là khi các giám đốc không dám mạo hiểm và chỉ cố gắng làm hài lòng cổ đông.
Nhiều nhân viên được phỏng vấn cho biết họ tự hào khi đang làm việc cho một trong những ông lớn của ngành dầu mỏ thế giới nhưng cũng cảm thấy bức xúc vì tập đoàn chậm đầu tư cho các công nghệ mới trong thập niên vừa qua, ví dụ như công nghệ khai thác dầu đá phiến hay kỹ thuật khai thác ít carbon.
Chính điều này đã khiến nhiều người không muốn dành tuổi thanh xuân của mình cho công ty nữa.
"Tôi cảm thấy công việc ngày càng chán. Tôi đã quá ngấy với việc hãng chẳng có nhiều sự cải tiến hay đổi mới gì", kỹ thuật viên số liệu Avery Smith, người được nhận mức thu nhập hơn 100.000 USD/năm tại Exxon ngay sau khi tốt nghiệp nhưng bỏ việc vào năm 2021 nói.
Anh Avery Smith
Theo điều tra của Bloomberg, hệ thống đánh giá kết quả nhân viên của Exxon khiến mọi người phải đối đầu với nhau hàng ngày. Văn hóa làm việc tại đây khiến cấp dưới không dám đặt ra câu hỏi với cấp trên trong các cuộc họp vì sợ bị tụt hạng đánh giá hoặc thậm chí là đuổi việc. Nhân viên cũng e dè khi phải lên tiếng về các vấn đề của công ty hay công khai những sai lầm mà họ cho rằng cần sửa đổi.
Tồi tệ hơn, Bloomberg cho rằng các giám đốc của Exxon thường thăng chức cho những người cùng quan điểm với mình hơn là những chuyên viên có trình độ nhưng hay góp ý khó nghe.
"Khả năng hiểu ý cấp trên đang dần trở nên quan trọng hơn trình độ và năng suất làm việc tại công ty. Thật đáng buồn là điều này ngày càng trở nên phổ biến hậu đại dịch Covid-19", một giám đốc cấp cao giấu tên rời Exxon năm 2021 sau 20 năm đóng góp đã chia sẻ.
Đáp trả, người phát ngôn Amy von Walter của Exxon cho biết những chia sẻ của các cựu nhân viên trên là sai lầm bởi không có một văn hóa công ty nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người, và một vài lời than phiền không thể phản ánh đúng toàn cảnh bức tranh.
Thế nhưng hãng CultureX chuyên đánh giá văn hóa của các công ty cho biết Exxon hiện xếp hạng dưới mức chuẩn của toàn ngành trong số 143/196 vấn đề mà họ nghiên cứu.
Theo nhà sáng lập Charlie Sull của CultureX, Exxon có số điểm thấp hơn rất nhiều so với những đối thủ cùng ngành trong các mảng đổi mới công nghệ, làm việc nhóm, đảm bảo sức khỏe tinh thần cho người lao động.
Thậm chí, ông Sull còn nhận định Exxon đang sử dụng tiền bạc và vị thế của mình trong ngành để bù đắp những thách thức trong văn hóa làm việc độc hại của mình.
Đứa con của Rockefeller
Khởi nguyên của Exxon bắt đầu từ hãng Standard Oil, sáng lập bởi tỷ phú John D.Rockefeller vào năm 1863, người được mệnh danh là ông vua giàu mỏ. Năm 1911, sự độc quyền của Standard Oil đã buộc chính phủ Mỹ can thiệp để chia tách thành 34 doanh nghiệp con nhỏ hơn và một trong số đó là tiền thân của Exxon.
Năm 1999, Exxon hợp nhất với Mobil để có được cái tên như ngày nay.
Hãng tin Bloomberg nhận định trong lịch sử kinh tế Mỹ, hiếm có tập đoàn nào như ExxonMobil tồn tại được hơn 100 năm mà vẫn giữ được vị thế hàng đầu của mình trong ngành như vậy.
John D.Rockefeller
Vào năm 2011, đúng 100 năm kể từ khi chính phủ Mỹ yêu cầu chia tách Standard Oil, Exxon lại quay trở lại để lọt vào danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thuộc S&P 500. Như vậy suốt chiều dài lịch sử của mình, đứa con của Rockefeller đã liên tục bơm dầu đều đặn cho nước Mỹ qua 2 cuộc thế chiến, vượt qua thời kỳ bùng nổ giữa thế kỷ 20 cũng như sự trỗi dậy của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Với vị thế và tiềm lực tài chính khủng bố như vậy, không có gì khó hiểu khi sự chuyên quyền, độc đoán trong văn hóa làm việc của Exxon được thể hiện rõ ràng.
Trên thực tế, mọi chuyện trở nên nghiêm trọng từ đầu thập niên 1990 khi CEO Lee Raymond lên nắm quyền. Mọi người vẫn thường gọi người đàn ông này là "Mông sắt" (Iron Ass) để nói về sự cứng rắn đến đáng ghét của ông.
"Ông ấy thông minh, cường thế, rất giỏi với những con số nhưng lại không thấu tình đạt lý về nhân sự", tác giả Steve Coll viết trong cuốn "Private Empire: ExxonMobil and American Power" khi mô tả về Raymond.
Điều này cũng chính xác với những giám đốc cấp cao khác của Exxon khi hãng hầu như chỉ tuyển người trong nội bộ. Bản thân Raymond cũng từng là kỹ sư của Exxon trước khi lên làm CEO.
Chiến lược tuyển dụng nhân sự này của Exxon thu hút được vô số những người mới thời kỳ đầu từ các ngôi trường kỹ thuật nổi tiếng. Mức lương khởi điểm của họ có thể lên đến 100.000 USD với vô số những lợi ích đi kèm. Những sinh viên mới ra trường khi làm cho Exxon có thể dễ dàng du lịch bất kỳ đâu trên thế giới khi họ thuyên chuyển công tác, từ Trung Đông cho tới Brazil.
Khi bước qua tuổi 30, những người này có thể tham gia phát triển các dự án lớn để rồi nhanh chóng bước vào hàng ngũ lãnh đạo ở tuổi 40. Đến tuổi 55, kể cả khi không trở thành các lãnh đạo cấp cao thì nhân viên Exxon cũng được hưởng mức lương và bảo hiểm cực lớn, khiến họ có thể nghỉ hưu một cách đầy an nhàn.
Nhờ sức mạnh của dầu mỏ mà theo Bloomberg, Exxon trở thành công ty hiếm có trên thị trường có được sự độc lập với chính phủ, nhà đầu tư phố Wall và người tiêu dùng. Thế nhưng cũng chính vì sự bành trướng và lối tuyển dụng này mà chi phí vận hành cũng như sự quan liêu lan rộng trong Exxon, đặc biệt là từ cuối thập niên 2010.
Năm 2006, CEO Rex Tillerson lên nắm quyền. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, Exxon vẫn đạt lợi nhuận 45 tỷ USD năm 2009 và trở thành hãng có lợi nhuận cao nhất lịch sử kinh tế Mỹ thời đó. Thế nhưng đây cũng là khởi đầu cho hàng loạt những hỗn loạn sau này.
Năm 2010, Exxon chi 31 tỷ USD cho công nghệ khai thác dầu khí đá phiến, ngay trước khi giá dầu khí giảm mạnh, qua đó khiến tập đoàn chịu nhiều thiệt hại.
Năm 2015, vụ bê bối Exxon nhận thức được trái đất sẽ nóng lên nếu tiếp tục khai thác dầu nhưng không công bố công khai càng khiến hình ảnh công ty bị hoen ố.
Cựu CEO Rex Tillerson
Năm 2017, lại một nhân viên lâu năm của Exxon nữa là CEO Darren Woods lên nắm quyền nhằm giải quyết kết quả kinh doanh không như mong đợi sau hàng loạt những biến cố, nhất là trong bối cảnh người dân ngày càng ý thức cao hơn về môi trường cũng như tác hại của khai thác dầu mỏ.
Tuy nhiên chiến lược của Woods lại là đổ thêm 200 tỷ USD mở rộng khai thác nhằm đưa Exxon quay trở lại thời kỳ hoàng kim như xưa, một quyết định khó hiểu khi những hãng đối thủ đều giảm chi tiêu và hướng sang những công nghệ khai thác thân thiện môi trường hơn.
Cuối năm 2018, cổ phiếu của Exxon vẫn không tăng trưởng tốt như kỳ vọng. Trong suốt 10 năm, mức lợi suất mà cổ phiếu Exxon đem về cho nhà đầu tư, bao gồm cả cổ tức chỉ vào khoảng 1,4%/năm. Số nợ của tập đoàn này cũng tăng gấp 3 lần lên 20 tỷ USD trong cùng kỳ.
Thế rồi đại dịch Covid-19 bùng phát và một vòng khủng hoảng mới của Exxon lại tiếp diễn.
Bất bình
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân không còn ra đường nhiều trong khi nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh vì các lệnh giãn cách, các tập đoàn năng lượng như Exxon lâm vào cảnh khó khăn. Nhân viên của tập đoàn bắt đầu đồn đoán về việc sa thải diện rộng và đúng như vậy, Exxon tuyên bố sẽ loại bỏ 15% nhân lực vào mùa thu năm 2020 trên toàn cầu.
Thêm nữa, hãng cũng cắt giảm chi tiêu ngân sách xuống còn 1/3, tương đương 10 tỷ USD, đồng thời đóng băng việc nâng lương cho nhân viên lâu năm như thường làm.
Vậy nhưng điều khiến mọi người trong công ty bất bình nhất là dù khó khăn, CEO Woods vẫn giữ nguyên cổ tức cho cổ đông, vốn cao thứ 3 trong S&P 500 và có tổng giá trị lên đến 15 tỷ USD/năm.
Câu chuyện trở nên tồi tệ hơn nữa khi chỉ vài tuần sau quyết định sa thải, Exxon đã tuyên bố thưởng cho 5 giám đốc cấp cao của họ nửa triệu đơn vị cổ phiếu ưu đãi với tổng trị giá 23 triệu USD.
"Những điều này khiến rất nhiều nhân viên bức xúc, biến thành cuộc xung đột giữa lao động với tầng lớp quản lý", một cựu nhân viên bỏ việc năm 2021 sau hơn 10 năm làm cho Exxon thừa nhận.
Đầu năm 2021, rất nhiều nhân viên kỳ cựu của Exxon tìm kiếm đường ra mới.
"Hầu như mọi đồng nghiệp mà tôi biết đều tìm kiếm đường ra mới và rất nhiều người nhận thấy cơ hội công việc mới tốt hơn rất nhiều", một chuyên viên số liệu nghỉ việc năm 2021 tại Exxon nói với Bloomberg.
Cũng theo vị cựu nhân viên giấu tên này, rất nhiều kỹ sư của Exxon đã rời bỏ công ty để khởi nghiệp hay qua những tập đoàn lớn khác như Amazon, Microsoft, McKinsey hay Boston Consulting.
Vào cuối năm 2021, tỷ lệ nhân viên rời bỏ công ty (Attrition Rate) của Exxon tại Mỹ lên đến 18%, tương đương mức bình quân cả nước nhưng cao gấp đôi so với những đối thủ như BP, Chevron hay Shell.
"Không có gì đảm bảo ExxonMobil sẽ tiếp tục tồn tại cho đến năm 2050 nếu họ không thích nghi trước xu thế bảo vệ môi trường. Exxon có những bộ óc vĩ đại và cũng hiểu rõ về biến đổi khí hậu nhưng họ gặp khá nhiều cản trở nội bộ để có thể thay đổi", giáo sư Witold Henisz của trường đại học Pennsylvania nhận định.
Thậm chí giờ đây, Exxon còn đang lâm vào tình cảnh thiếu nhân viên có kinh nghiệm khi hàng loạt lao động tâm huyết nhiều năm với hãng bỏ đi.
"Chúng tôi thậm chí không thể tìm nhân sự tốt bằng những người đã rời đi. Vậy là chúng tôi chỉ có thể làm những gì trong giới hạn năng lực...Mọi chuyện cứ như thể cả hệ thống này đang gây thất vọng cho chúng tôi vậy", một quản lý của Exxon chi nhánh Houston giấu tên nói.
Bất ngờ thay, tưởng chừng như Exxon sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng nặng thì xung đột Ukraine diễn ra đẩy giá dầu khí lên cao. Hệ quả là doanh thu quý II/2022 của hãng đạt 17,9 tỷ USD, mức cao nhất lịch sử các quý của tập đoàn. Cổ phiếu của hãng cũng tăng 60% kể từ đầu năm đến nay lên mức cao kỷ lục và giấc mơ về thời hoàng kim cũng quay lại.
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng sự tăng trưởng này đến từ yếu tố vĩ mô trong khi Exxon đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ nhân lực cho đến xu hướng bảo vệ môi trường của các nền kinh tế. Do đó liệu Exxon có giữ được đà tăng trưởng này không còn là một câu hỏi, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới trong tương lai gần.
*Nguồn: Bloomberg
Xem thêm: nhc.33952230281012202-nol-iod-yaht-court-gnud-libomnoxxe-iout-man-041-gnoul-gnan-yt-gnoc/nv.fefac