Cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính đã giúp đáp ứng các nhu cầu vốn của nhiều người dân. Tuy nhiên, thực tế lại xuất hiện tình trạng nhiều công ty tư vấn tài chính, cầm đồ, hay các ứng dụng cho vay không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nhưng vẫn đặt tên là "công ty tài chính" và cho vay lãi cao, khiến người dân hiểu lầm. Làm thế nào để thúc đẩy các kênh cho vay chính thức?, vấn đề này đã được đặt ra tại hội thảo "Tài chính Tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế".
Hiện mới chỉ có 16 công ty tài chính hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, còn lại là hàng trăm nghìn các cửa hàng cầm đồ, các ứng dụng, các cá nhân tự đặt tên là "công ty tài chính" và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm là công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Người dân nên cần tìm hiểu kỹ thông tin khi vay vốn. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"Tất cả đơn vị nào không được nhà nước cấp phép thì không được sử dụng từ như công ty tài chính, hay ngân hàng, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, nhưng thực tế có hàng nghìn công ty, app trôi nổi không được phép hoạt động cho vay nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động cho vay, thậm chí huy động vốn", Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức cho biết.
Không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không chịu ràng buộc bởi các quy định pháp luật về hoạt động tín dụng ngân hàng, đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều tổ chức núp bóng công ty tài chính để cho vay lãi suất cao. Do đó, các Bộ, ngành liên quan cần phải đẩy mạnh thanh, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng này.
"Không có công ty tài chính nào được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mà cho vay nặng lãi, còn các công ty tài chính theo luật doanh nghiệp thì cho vay dưới mọi hình thức thành lãi suất mấy trăm %, đấy là vi phạm pháp luật", Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên cần tìm hiểu kỹ thông tin khi vay vốn, có thể tra cứu xem đơn vị nào được cấp phép trên cổng thông tin của Ngân hàng Nhà nước. Nếu phát triển hiệu quả các kênh cung cấp vốn chính thức, thì sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi tín dụng đen, nhất là khi cho vay tiêu dùng có nhiều tiềm năng, với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 20% mỗi năm.
VTV.vn - Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng bình quân hơn 30% mỗi năm, luôn cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.33523811191012202-cuht-hnihc-hnek-cac-auq-gnud-ueit-yav-yad-cuht/et-hnik/nv.vtv