Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Dự thảo luật có nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai hiện hành.
Chia sẻ tại tọa đàm “Nghị quyết 18 và dự án Luật Đất đai (sửa đổi)” tổ chức sáng 19/10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, sửa Luật Đất đai phải tính đến hài hòa lợi ích, an sinh xã hội và tài chính đất đai là chuyển biến lớn trong dự án Luật này.
Tư duy mới trong quản lý đất đai
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mục đích sửa đổi Luật Đất đai là nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18 và một số Nghị quyết quan trọng khác của Đảng có liên quan đến đất đai.
Đồng thời, sửa đổi Luật Đất đai còn đề ra chủ trương mới, tư duy mới trong quản lý đất đai, đặc biệt trong thể chế hóa công tác quản lý đất đai phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sửa đổi luật có 4 nhóm nội dung then chốt. Thứ nhất là quy hoạch quản lý đất đai. Đây là công cụ để Nhà nước với tư cách là cơ quan đại diện cho người dân, thực hiện quy hoạch đất đai góp phần phân bổ hài hoà tài nguyên quốc gia cho các lĩnh vực.
Do đó, Luật Đất đai cùng các luật khác phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Các quy hoạch này phải tương tác để mang lại hiệu quả tốt hơn cho quản lý sử dụng đất cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua quy hoạch đất đai này, tiếp tục khẳng định vai trò, sự tham gia, tính dân chủ của nhân dân. Những vấn đề liên quan thu hồi đất, quản lý đất đai phải dựa vào quy hoạch sử dụng đất đai.
Thứ hai là vấn đề định giá đất đai, tài chính đất đai, theo đó, sẽ thay đổi lại toàn bộ phương pháp định giá đất đai, từ đó xây dựng được bản đồ địa chính số, củng cố dữ liệu của giá đất giao dịch trên thị trường, đưa giá đất về sát thị trường.
“Đặc biệt, khi có bảng giá đất chính xác, hoàn toàn xác định được địa tô chênh lệch do nhà đầu tư hay Nhà nước đầu tư tăng lên và hòan toàn điều tiết được. Nói chung, tài chính đất đai là chuyển biến lớn trong dự án Luật này”, ông Trần Hồng Hà khẳng định.
Thứ ba, liên quan đến quan điểm khi phát triển kinh tế có chuyển dịch đất đai từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Theo Bộ trưởng TN&MT, đây là một trong những vấn đề gây bức xúc, với 60 – 70% khiếu nại, tố cáo; liên quan trực tiếp tới quy hoạch, định giá.
“Chúng ta cần thay đổi khái niệm “giải phóng mặt bằng”, mà hình dung đó là quá trình chuyển dịch kinh tế đi đôi chuyển dịch sử dụng đất, có sự tham gia của người nông dân vào quá trình này.
Do đó, phải xem xét để các chính sách đền bù, bồi thường, tái định cư, bảo đảm sinh kế, thu nhập của người dân phải bằng, tốt hơn so với trước khi có dự án”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Cuối cùng, ông Trần Hồng Hà nêu một vấn đề quan trọng được dự án Luật xác định là phải hiện đại hóa quản lý, tinh gọn bộ máy, phân cấp triệt để, thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân.
Quá trình chuyển đổi số thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai toàn diện, tích hợp, đa mục tiêu, trong đó có dữ liệu về giá đất. Mọi dịch vụ cung cấp cho người dân phải được thông qua hệ thống này sẽ giúp người dân được quyền biết, giám sát thông tin theo quy định của pháp luật.
Đấu giá, đấu thầu giúp sàng lọc nhà đầu tư
Trước những vấn đề mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, ông Lê Minh Nam cho rằng dự thảo Luật lần này đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến đấu giá, đấu thầu mang tính khả thi hơn và trở thành công cụ phân bổ nguồn lực đất đai hiệu quả.
Ông Lê Minh Nam nhận xét các phương pháp đấu giá, định giá quyền sử dụng đất vẫn còn bất cập, giá đất được xác định thấp hơn giá thị trường, chưa xử lý triệt để tình trạng chênh lệch giá đất giáp ranh; chưa có chế tài xử lý các hành vi sai phạm trong xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất.
Để đổi mới phương pháp xác định giá đất, ông Nam chia sẻ cần thiết lập được cơ sở dữ liệu tin cậy để sử dụng làm cơ sở định giá đất, cơ sở xác định giá khởi điểm trong quá trình tổ chức đấu giá.
Việc thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, quá trình tổ chức thực hiện thời gian tới cần thể chế hóa trong quy định của pháp luật.
Yêu cầu quy định tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất cũng tăng cường công tác quản lý sử dụng đất đai, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ lợi ích chính đáng của các bên tham gia.
“Việc tổ chức vấn đề đấu giá, đấu thầu dự án giúp chúng ta sàng lọc được nhà đầu tư. Chỉ những nhà đầu tư có năng lực về mặt tài chính, có kỹ năng quản lý, mục tiêu dự án rõ ràng, phương án kế hoạch sử dụng tốt thì mới quan tâm, có khả năng trúng giá, thực hiện dự án”, ông Nam nói.
Theo đó, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đánh giá việc bổ sung các quy định đã thể hiện sự nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Tuy nhiên, cũng cần tiếp tục rà soát, thảo luận để xây dựng được quy định vừa đảm bảo toàn diện, đồng bộ nhưng cũng đủ cụ thể để giúp công tác quản lý hiệu quả, chặt chẽ, thuận lợi trong tổ chức thực thi cũng như đảm bảo thúc đẩy kinh tế, công bằng xã hội.
Về phía Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trong tương lai sẽ có thêm những ý kiến cụ thể hơn, sâu sắc hơn về vấn đề Bộ trưởng đang rất tâm tư, kỳ vọng đó là phương pháp, cách thức xác định giá đất, bảng giá đất, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật tốt nhất.