Ảnh: DIỆU LINH
Như tên gọi, cuốn sách đi sâu vào nguyên nhân và hậu quả của sự giàu có và bất bình đẳng giữa các quốc gia theo thời gian.
Một giải thích mới về sự tiến bộ của con người
Cũng đầy tham vọng như Yuval Harari với cuốn Lược sử loài người và Lược sử tương lai, hay giáo sư Jared Diamond với cuốn Súng, Vi Trùng và Thép trong việc khiến chúng ta thay đổi cách hiểu về sự phát triển của nhân loại, giáo sư người Mỹ gốc Israel Oded Galor cố gắng đưa ra một giải thích mới về sự tiến bộ của con người trong cuốn sách Hành trình nhân loại.
Đây là một tổng kết tóm tắt nghiên cứu kéo dài trong 30 năm của tác giả về lý do tại sao trong gần như toàn bộ lịch sử loài người, con người sống tồn tại theo kiểu tự cung tự cấp với mức sống trì trệ.
Nhưng một điều đáng kinh ngạc xảy ra cách đây 200 năm mà Galor gọi là giai đoạn chuyển đổi khi mức sống của gần như tất cả nhân loại đã tăng vọt cho đến nay.
Chỉ trong 300 trang sách, giáo sư Galor - cha đẻ của lý thuyết tăng trưởng thống nhất (unified growth theory) - giải thích hai câu hỏi quan trọng:
(1) Bí ẩn của sự tăng trưởng: Đâu là gốc rễ của sự thay đổi mạnh mẽ mức sống trong những thế kỷ qua, sau hàng trăm ngàn năm trì trệ?; (2) Bí ẩn của sự bất bình đẳng: Nguồn gốc của sự bất bình đẳng lớn về sự giàu có của các quốc gia là gì?
Tác giả đã giải quyết chúng theo cách học thuật với lập luận chặt chẽ nhưng đồng thời cũng có thể làm cho cuốn sách trở nên rất dễ đọc, thú vị đối với độc giả bình thường.
Cuốn sách không chứa một phương trình hay công thức toán kinh tế nào mà tập trung vào giải thích sự tương tác giữa các yếu tố văn hóa, thể chế, nhân khẩu học và công nghệ qua nhiều thế kỷ.
Phần nửa đầu của cuốn sách, Galor giải quyết câu hỏi về sự tăng trưởng của con người từ thời săn bắn hái lượm đến trình độ của nền văn minh kỹ thuật cao hiện nay.
Trái ngược với những suy nghĩ thông thường, mức sống con người không tăng dần trong quá trình lịch sử theo năm tháng mặc dù tiến bộ công nghệ tăng tốc dần dần theo thời gian.
Tuy nhiên, tiến bộ về mặt công nghệ lại có tác động không đáng kể đến mức sống trong hầu hết lịch sử cho đến khoảng hai thế kỷ gần đây.
Kiến thức thông thường cho rằng Cách mạng công nghiệp lần thứ 1 trong thế kỷ 18 - 19 đã làm tăng năng suất và thay đổi cuộc sống nhân loại, nhưng giáo sư Galor lập luận một cách thuyết phục rằng điều đó ít liên quan đến phát minh động cơ hơi nước. Mà chính là "vốn con người" quyết định.
Năm 1798, Thomas Malthus trong quyển Nguyên tắc dân số trong kinh tế học cổ điển viết rằng khi xã hội sản xuất thặng dư lương thực, thì sự gia tăng mức sống luôn là tạm thời vì dân số cũng tăng lên và tiêu dùng nó. Do đó, điều kiện sống sẽ nhanh chóng trở lại mức tự cung tự cấp.
Tuy nhiên, ngay sau khi Malthus qua đời vào năm 1834, mức sống người dân đã tăng lên ổn định. Kể từ đó, tuổi thọ tăng hơn gấp đôi, tỉ lệ sinh giảm mạnh và thu nhập bình quân đầu người tăng vọt. Điều gì giải thích cho một sự biến chuyển lớn như vậy?
Galor cho rằng điều đã phá vỡ lập luận của Malthus đối với vận mệnh nhân loại là sự ra đời của các máy móc, công nghệ mới đòi hỏi sự giáo dục đại chúng và xóa bỏ lao động trẻ em nhằm nâng cao vốn nhân lực trong quá trình sản xuất.
Điều này đã tạo ra một vòng tròn đạo đức mới hơn, đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, tập trung vào chất lượng của trẻ em hơn là số lượng, để tỉ lệ sinh giảm xuống đủ để mức sống và tuổi thọ tăng lên.
Sự chuyển đổi nhân khẩu học này cho phép tiến bộ công nghệ vượt xa tốc độ tăng dân số một cách đáng kể, tạo ra thế giới vật chất dồi dào và tạo ra tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người.
Bất bình đẳng toàn cầu và tầm quan trọng của lịch sử mỗi quốc gia
Nửa sau cuốn sách giải quyết câu hỏi về sự bất bình đẳng trong phân phối của cải hay giàu có giữa các quốc gia. Đây không phải là một câu hỏi mới trong kinh tế học phát triển, nhưng Galor tiếp cận theo góc nhìn phát triển xã hội.
Khác với giải thích của Thomas Piketty trong cuốn Tư bản trong thế kỷ 21 khi cho rằng chính sự tích lũy và tập trung tư bản dẫn đến bất bình đẳng, Galor lập luận bất bình đẳng toàn cầu là kết quả của các yếu tố thể chế, văn hóa, địa lý, xã hội, và khoảng cách di cư (đa dạng con người).
Theo Galor, sự phát triển kinh tế không đồng đều được giải thích bởi sự tác động qua lại giữa đổi mới công nghệ và sự phát triển của xã hội theo những cách thức có ủng hộ sự đổi mới hay không. Mà những yếu tố này bắt nguồn từ trong quá khứ.
Thậm chí, Galor khá tham vọng khi cho rằng phần lớn sự bất bình đẳng về sự giàu có của các quốc gia có thể bắt nguồn từ các yếu tố lịch sử và tiền lịch sử đã có từ hàng trăm năm trước, hàng ngàn năm, và thậm chí hàng chục ngàn năm trước.
Những đặc tính văn hóa, địa lý, thể chế chính trị được hình thành từ trong quá khứ sẽ góp phần tạo nên sự khác nhau về tư duy hướng về tương lai hay thúc đẩy tăng trưởng giữa các xã hội khác nhau.
Điều này dẫn đến các hàm ý chính sách về vai trò quan trọng của sự dung nạp văn hóa, bình đẳng giới, sự khoan dung và đa dạng, cũng như tầm quan trọng của lịch sử mỗi quốc gia trong việc thiết kế các chính sách có thể giảm thiểu bất bình đẳng giữa các quốc gia.
Mặc dù đây là một cuốn sách kinh tế về lịch sử nhân loại nhưng Galor cho rằng lịch sử không phải là định mệnh, nhưng hiểu biết về lịch sử cho phép chúng ta tự thiết kế tương lai của chính mình.
Nói một cách khác, cuốn sách này giúp chúng ta hiểu về hành trình của nhân loại trong hàng ngàn năm qua để nhìn về tương lai khác hơn.
TTO - Tác phẩm nổi tiếng 'Sapiens lược sử loài người' của Yuval Noah Harari vừa ra mắt phiên bản truyện tranh, bản Việt dịch của Trân Trí.