Trong chuyến thăm mới đây tại Việt Nam, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, với điểm nhấn quan trọng là sức hút với dòng vốn FDI.
9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đạt trên 15 tỷ USD - là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, điển hình là các công ty khối OECD cũng đang có xu hướng tìm đến Việt Nam để đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Không chỉ con số FDI tăng 16,3% so với cùng kỳ 2021 là mức tăng cao nhất cùng kỳ 5 năm qua, mà tỷ lệ vốn FDI thực hiện trên vốn đăng ký ghi nhận mức kỷ lục đạt hơn 82%, có nghĩa là trong cùng 1 thời điểm, cứ trên 10 đồng đăng ký, thì số vốn giải ngân đã là 8 đồng. Nếu tỷ lệ này tiếp tục được duy trì bền vững, thì đây sẽ là minh chứng rõ nhất cho sức hút cũng như sự hiệu quả của dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Việt Nam – Điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài
Năm 2018, Tập đoàn SunRice đến từ Australia mua lại một nhà máy chếbiến gạo tại Đồng Tháp. Đây là khoản đầu tư tài chính trực tiếp đầu tiên vào Việt Nam và cũng là một bước tiến quan trọng trong việc thiết lập chuỗi cung ứng hoàn thiện và bền vững tại Việt Nam. Nhà máy với công suất chế biến lên đến 260.000 tấn lúa khô/năm. Kinh doanh hiệu quả nên doanh nghiệp vừa quyết định đầu tư sâu hơn vào sản xuất tại Việt Nam.
Ông Rob Gordon, Giám đốc điều hành Tập đoàn SunRice (Australia), cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cao và mở rộng nhà máy chế biến và mua sắm trang thiết bị để tăng khả năng làm trắng và đánh bóng hạt gạo. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường thu mua lúa gạo từ các cánh đồng tại Việt Nam, chế biến, nâng cao chất lượng và xuất khẩu đi khắp thế giới. Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh khá biến động trên toàn cầu, do vậy, chúng tôi vẫn tự tin đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới".
Một trong những lý do khiến các nhà đầu tư gia tăng giải ngân vốn FDI thời gian qua là nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam an toàn và ổn định trong biến động chung của toàn cầu.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm), cho biết: "Việt Nam không nên nhìn vào con số thu hút đầu tư mới mà nên nhìn vào con số giải ngân đang ở mức cao và có lẽ năm nay sẽ đạt mức kỉ lục. Tôi tin rằng những doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang lạc quan hơn rất nhiều so với trước khi có dịch COVID-19. Việt Nam đã rất linh hoạt và chủ động trong việc vừa nỗ lực đẩy lùi COVID-19, vừa hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp nên sự cam kết của các nhà đầu tư thể hiện không chỉ bằng lời nói mà đã bằng những đồng vốn thực tế đưa vào Việt Nam nhiều hơn".
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, nói: "Khảo sát của chúng tôi với 1700 doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong danh sách cần mở rộng hoạt động, dẫn đầu là Hoa Kỳ. Nửa đầu năm 2022, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản giảm hơn 49%. Tuy nhiên, trong số các điểm đến đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là quốc gia duy nhất có mức tăng trưởng vốn ấn tượng, đạt 45%".
Theo các chuyên gia, cùng với sự phát triển kinh tế, thì nhu cầu đầu tư có sự dịch chuyển giữa các ngành nghề. Trước kia, Việt Nam có nhiều thế mạnh về nguồn lao động dồi dào, nên các ngành như da giày, dệt may thu hút vốn FDI lớn. Hiện nay, xu hướng đầu tư đang dịch chuyển sang các lĩnh vực khác như sản xuất hàm lượng công nghệ cao, tăng trưởng xanh, năng lượng xanh nên Việt Nam cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ để bắt kịp với sự thay đổi đó.
Người đứng đầu Eurocham nhận định: "Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong hai hoặc ba năm tới, chứng tỏ vị thế của mình là một trong số các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất". Vậy từ con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, sức hút này thực sự tới từ đâu?
Trước tiên hãy nhìn vào chỉ số môi trường kinh doanh BCI theo thống kê của chính Eurocham, đạt 60,2 điểm, tức là vẫn duy trì mức tăng 10,2 điểm so với thời điểm trước đại dịch, ngay cả trong bối cảnh toàn cầu bất ổn như hiện nay. Đây là yếu tố được các doanh nghiệp EU đặc biệt ghi nhận.
Có lẽ cũng vì thế, khảo sát của Eurocham cho thấy có tới 42% lãnh đạo doanh nghiệp dự báo công ty của họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam ngay vào cuối năm nay. Cũng từ những nhận định tích cực như vậy, các báo tại Mỹ lại có thêm dịp để đào sâu phân tích rõ hơn về lý do tại sao Việt Nam lại trở thành điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Báo quốc tế đánh giá về kinh tế Việt Nam
Việt Nam là một điểm sáng, là một ngoại lệ… là những từ mà báo chí và các tổ chức quốc tế dành cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trang tin của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có bài Việt Nam đảo ngược xu hướng tăng trưởng yếu của châu Á. Biểu đồ dự báo tăng trưởng năm 2022 cho thấy Việt Nam là nền kinh tế duy nhất đã và sẽ có tăng trưởng dương trong cả năm. Lạm phát tương đối thấp cũng là một ngoại lệ trong quy luật chung của cả khu vực.
Còn trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới thì tăng trưởng GDP của Việt Nam đã bứt phá từ mức gần 2,6% vào năm 2021 lên mức dự kiến là 7,5% trong 2022. Trong khi đó, lạm phát trung bình cả năm có thể được kiểm soát ở mức 3,8%.
Hãng thông tấn Reuters bình luận: Việt Nam, một trung tâm sản xuất trong khu vực, đã chứng kiến nền kinh tế hồi phục sau đại dịch, với tổng sản phẩm quốc nội trong quý 3 tăng 13,67% so với một năm trước.
Để đạt được mức tăng trưởng ấn tượng vừa qua, theo các báo và các tổ chức quốc tế, đó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là chính sách nhanh nhạy sau đại dịch.
IMF cho rằng ngay nửa đầu năm nay đã thấy sự chuyển dịch lớn về kinh tếkhi thực hiện nới lỏng quy định về dịch, chiến lược thích ứng an toàn và tỷ lệtiêm vaccine vượt trội. Các chính sách lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của chính phủ đã mang lại sản lượng sản cao, bán lẻ và du lịch phục hồi.
Trang Bloomberg cũng đồng tình khi cho rằng gói kích thích 15 tỷ USD của chính phủ và chính sách tiền tệ nới lỏng đã là nền tảng cho sự hồi phục. Và chính chiến lược này đã giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, trở thành điểm đến hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, khi tình hình địa chính trị phức tạp và nhiều nước còn đóng cửa vì COVID-19.
Tờ The Diplomat có bài giải thích lý do kinh tế Việt Nam có tương lai sáng và ngày càng sáng hơn. Theo bài báo thì đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế đối với kinh tế Việt Nam là điều có thể nhìn thấy trước với những người theo dõi Việt Nam từ lâu.
Trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam trở thành điểm sáng với cơ sở hạtầng phát triển, môi trường đầu tư thân thiện, và thành công trong kiểm soát COVID-19.
Việt Nam đạt được mức tăng trưởng mạnh nhất ở khu vực châu Á trong quý 3 với sự phục hồi đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực bán lẻ. Cùng với các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đây cũng là cơ sở để các tổ chức quốc tế tin tưởng vào sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong những năm tới.
Bà Era-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): Chính phủ Việt Nam đã làm được việc đáng ngưỡng mộ trong năm nay dù chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19. Đó là ngay từ nửa đầu năm 2022, đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế và ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến nửa sau của năm, Chính phủ chuyển trọng tâm, tập trung hơn vào việc giảm áp lực lạm phát. Chính sách điều hành tỉ giá hối đoái đã được thực hiện hiệu quả, quản trị được sự giảm giá của VNĐ theo cách giảm lạm phát nhập khẩu. Đây là yếu tố rất quan trọng.
Ông Broook Taylor, Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ VinaCapital: Các yếu tố nền tảng dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn không thay đổi. Việt Nam vẫn là nền kinh tế mở với tiềm lực xuất khẩu mạnh mẽ, sức hấp dẫn rất lớn với dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu… Thêm vào đó, sức cầu nội địa cũng đang tăng lên. Theo tôi, Việt Nam đang chuyển mình trên con đường phát triển giống những nền kinh tế hàng đầu châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc…
Ông Hoe Ee Khor, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO): Để giữ được đà tăng trưởng tốt như hiện tại, tôi nghĩ chiến lược phát triển của Việt Nam trong những năm tới nên là vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều đó thì các bạn cần nâng cao trình độ lao động, đầu tư nhiều hơn vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D, tạo thêm động lực cho các nhà cung cấp để họ nâng cấp chính mình.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chính thức đưa ra lấy ý kiến Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài, gồm 36 chỉ tiêu, với 25 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về xã hội, và 4 chỉ tiêu về môi trường. Rõ ràng việc chọn lọc và đưa ra những chính sách nhằm thúc đẩy FDI không chỉ về lượng, mà cả về chất cho dòng vốn này cũng là bài toánchiến lược vô cùng cấp thiết. Có thế mới khuyến khích được nhiều hơn nữa những dự án có quy mô lớn, thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, giá trị gia tăng cao, và đóng góp tích cực vào sựphát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.80082403291012202-iaogn-coun-ut-uad-nov-gnod-auc-ned-meid-man-teiv/et-hnik/nv.vtv