vĐồng tin tức tài chính 365

Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám 'nói ngược'

2022-10-20 10:02

Loạt bài Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng đăng trên Thanh Niên về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm đưa ra các giải pháp, kiến nghị khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dĩ hoà vi quý" trong sinh hoạt Đảng, đánh giá cán bộ đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc.

Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám 'nói ngược' - ảnh 1

Nhà báo Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Ủy viên Ban biên tập, Phó tổng thư ký toà soạn Báo Thanh Niên trao đổi với các khách mời

đậu tiến đạt

Tọa đàm: “Khuyến khích những tiếng nói thẳng” được Báo Thanh Niên tổ chức trong mạch quan tâm đó, với khách mời là 3 chuyên gia uy tín:

* Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư

* PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư

* TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Xem toàn bộ buổi tọa đàm tại đây:

Tọa đàm Khuyến khích những tiếng nói thẳng

Nhà báo Lê Hiệp: Trong các giải pháp chủ yếu được nêu ra tại Kết luận 21 của Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình, phê bình là giải pháp hàng đầu. Vậy tự phê bình, phê bình là gì và vai trò của công tác này trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng ra sao, thưa PGS-TS Vũ Văn Phúc?

- PGS.TS Vũ Văn Phúc: Tự phê bình, phê bình mỗi người lại có quan điểm khác nhau. Tôi cho rằng tự phê bình là tự soi xét, kiểm điểm đánh giá lại mình xem còn điều gì chưa đúng, có sai sót hay không để sửa chữa khắc phục, xứng đáng là người cán bộ Đảng viên. Phê bình là góp ý, đánh giá thẳng thắn, chân thành với đồng chí mình để thấy được hạn chế, khuyết điểm kịp thời sửa chữa, khắc phục. Đây là công tác rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám 'nói ngược' - ảnh 2

PGS.TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư

đậu tiến đạt

Giải pháp đầu tiên trong Kết luận 21 nêu lên là tăng cường công tác chính trị của Đảng, công tác phê bình và tự phê bình, để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, đồng thời để xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng viên trong sạch vững mạnh. Phải thực hiện nghiêm nguyên tắc phê bình và tự phê bình từ T.Ư đến cơ sở, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, dĩ hoà vi quý...

Bác Hồ đã dạy tự phê bình như rửa mặt hàng ngày, mình nể nang mình không dám tự phê bình để khuyết điểm chứa chất lại khác gì mình tự bỏ thuốc cho mình. Còn về phê bình thì Bác từng lấy ví dụ nếu tôi có vết nhọ trên trán mà các đồng chí thấy lại lấy cớ “nể Cụ không nói” làm cho tôi mang nhọ mặt; trên trán thì không quan trọng nhưng vết nhọ trong óc, tinh thần mà không nói cho người ta sửa là hại người. Không phê bình là để cho cái xấu của người ta tiếp tục phát triển...

Phê bình và tự phê bình là công cụ kiểm soát quyền lực

Nhà báo Lê Hiệp: Vậy ta hiểu tự phê bình là tự soi xét để thấy khuyết điểm của mình, phê bình là góp ý cho người khác, không nể nang né tránh. Từ quan điểm này, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, không chỉ trong Đảng mà sự phát triển chung của tổ chức, những tiếng nói thẳng sẽ có vai trò như thế nào?

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tiếng nói thẳng hay phê bình và tự phê bình là những công cụ để vận hành thể chế. Thực chất mình copy nhiều cái của phương Tây, ví dụ như phản biện các đề tài nghiên cứu khoa học để xem xét các góc độ. Nhưng với nền văn hoá khác, copy nhưng phản biện không phải xây dựng mà để hạ bệ, cái đó ở văn hoá phương Tây có thể vận hành nhưng ở văn hoá phương Đông thì không chắc. Mục đích là không phải để anh làm tốt hơn mà để hạ bệ anh. Thiết chế có mô hình đối lập luôn có lực lượng tìm cách hạ bệ như vậy, đặt trong văn hoá phương Đông không hợp, không khéo sẽ bất ổn.

Từ xa xưa văn hoá Việt Nam hay Trung Quốc có thiết chế để có tiếng nói phản biện, nhưng có sự bảo vệ bằng mặt pháp lý nhất định. Ví dụ gián quan là người được quyền nói ngược và có địa vịa pháp lý, không bị vua chém đầu. Nhưng họ không phải lực lượng đối lập để hạ bệ vua. Từ xa xưa cha ông ta đã có cơ chế để tìm được tiếng nói ngược, tiếng nói phản biện, trung thực và có cơ chế pháp lý để bảo vệ.

Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám 'nói ngược' - ảnh 3

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

đậu tiến đạt

Hiện nay, thiết chế đang vận hành có lúc này lúc khác, nhưng sẽ vận hành trong mô hình văn hoá của mình. Phê bình và tự phê bình gắn kết với nhau. Tự phê bình được thì mới chấp nhận phê bình của người khác, còn nếu anh tự coi là đấng ở trên cao rồi thì rất khó. Đây là công cụ rất quan trọng để có được tiếng nói phản biện và trung thực khi chúng ta đang không có thiết chế khác. Trong khoa học phải có tiếng nói phản biện, trong quản trị cũng vậy, phải có tiếng nói phản biện ở mức nào đó. Phải làm thật và làm cho được. Tất nhiên phải nghĩ được như cha ông ta, phải có công cụ để bảo vệ những người phê bình tốt hơn.

Thứ hai, phê bình và tự phê bình là mô hình thiết chế để kiểm soát quyền lực. Bây giờ chúng ta tiếp nhận một số yếu tố phương Tây, các cơ quan nhà nước nắm giữ quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp phải kiểm soát và chế ước lẫn nhau. Vừa rồi xây dựng nhà nước pháp quyền đang thúc đẩy hoàn thiện mô hình này, ví dụ Quốc hội kiểm soát Chính phủ tốt rồi nhưng Chính phủ kiểm soát Quốc hội chưa tốt... Nhưng tôi không quá hào hứng những xu thế như vậy, vì Việt Nam là nền văn hoá khác.

Phê bình và tự phê bình hiệu quả hơn là copy mô hình phương Tây. Mô hình một Đảng lãnh đạo, quyền lực thực tế nằm ở Đảng, các thiết chế khác nằm trong quyền lãnh đạo của Đảng.

Quyết định theo đa số với nguyên tắc tập trung dân chủ, đấy là giám sát quyền lực rất tốt. Không thể có một người ra lệnh cho Ban chấp hành T.Ư hay Bộ Chính trị được, đó là lý do tại Việt Nam không có độc quyền quá đà như một số nước, do chúng ta có thiết chế để kiểm soát quyền lực đó. Tôi nói ví dụ quyền đồng thuận trong bầu cử.

Hay lớn hơn nữa là ai cũng phải tự kiểm điểm, chức cao mấy thì hàng năm vẫn phải tự kiểm điểm, các thành viên khác góp ý vào. Mạnh hơn nữa của giám sát quyền lực là bỏ phiếu tín nhiệm trong Ban Chấp hành T.Ư. Đó là các công cụ giám sát quyền lực chúng ta đang có và đang vận hành, có thể lúc này lúc khác nhưng về cơ bản rất tốt. Không thể có độc tài nào trong Đảng ta muốn ai làm gì là ra lệnh. Đấy là thứ rất hệ trọng không chỉ nâng cao chất lượng quản trị mà còn để giám sát quyền lực.

Ít ý kiến dám "nói ngược" với cấp trên

Nhà báo Lê Hiệp: Chúng ta đã có 2 góc nhìn từ lý luận và thể chế. Tôi muốn hỏi góc nhìn từ thực tế, thưa ông Nguyễn Đức Hà. Vừa qua, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai khi đề cập công tác tự phê bình, phê bình đã nhắc tới câu chuyện đấu tranh, những tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc trong các tập thể tại Saigon Co.op và Bình Thuận để “bảo vệ sự trong sạch trong lãnh đạo của Đảng”.

Qua 2 câu chuyện này, ông nghĩ như thế nào về vai trò của công tác tự phê bình, phê bình, tiếng nói đấu tranh?

- Ông Nguyễn Đức Hà: Tôi rất đồng tình với ý kiến anh Phúc và anh Dũng. Chia sẻ một chút xung quanh vấn đề tự phê bình và phê bình, đây là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đã được quy định trong điều lệ Đảng. Đảng ta xác định tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Đây là đặc điểm rất lớn của Đảng ta, là Đảng duy nhất cầm quyền. Đảng xác định phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn; không có Đảng đối lập vạch ra sai sót, nên Đảng xác định tự phê bình và phê bình là nguyên tắc trong tổ chức hoạt động của Đảng, trên tinh thần thương yêu đồng chí, giúp đỡ lẫn nhau.

Tại hội nghị bồi dưỡng cho PV báo chí hồi tháng 7, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai có nói về 2 trường hợp “nói ngược” mà chúng ta đang cần nhân rộng, phát huy. Nhưng thực tế các ý kiến ngược với cấp trên còn khá ít, dù vậy cũng là điều cho cán bộ Đảng viên chúng ta học tập. Trong khi cấp trên nói thế này, đa số tập thể đồng ý thế này nhưng mình dám lẻ loi nói ngược lại. Đây là những Đảng viên có dũng khí, có bản lĩnh, quán triệt nguyên tắc phê bình và tự phê bình. Cả Saigon Co.op và tỉnh Bình Thuận, chân lý chưa chắc thuộc về số đông mà thuộc về số ít, rất cần nhân rộng biểu dương các mô hình này.

Trong quy định 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền, có một ý là phải có cơ chế để bảo vệ những người như vậy.

Cụ thể, họp Ban thường vụ xem xét quyết định một trường hợp cụ thể, đa số đều nhất trí, nhưng có 1 thành viên thấy được vấn đề, không đồng ý với số đông đó, người ta có ý kiến thẳng với cấp trên, ghi rõ vào biên bản là không đồng ý. Mặc dù sau đó vẫn là đơn lẻ, thiểu số, quyết định công tác cán bộ theo đa số. Nhưng sau đó khi cấp trên kiểm tra xem xét trường hợp bổ nhiệm không xứng đáng, huỷ bỏ quyết định, ví dụ cả Ban Thường vụ bị kỷ luật cảnh cáo, nhưng riêng người không đồng ý được miễn kỷ luật. Thực tế Đảng ta quan tâm, bảo vệ những cán bộ như vậy.

Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám 'nói ngược' - ảnh 4

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư

đậu tiến đạt

Nhà báo Lê Hiệp: Khi gọi những câu chuyện như Saigon Co.op và Bình Thuận là tấm gương cần nhân rộng, có nghĩa là những câu chuyện như vậy đang hiếm thấy trong thực tế. Trong nhiều nghị quyết, kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị thời gian qua đều đánh giá công tác tự phê bình, phê bình còn nhiều hạn chế, theo ông đâu là nguyên nhân chính?

- Ông Nguyễn Đức Hà: Không phải chỉ trong các chỉ thị, nghị quyết của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban bí thư mà trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc cũng chỉ ra tình trạng đấu tranh phê bình, tự phê bình còn yếu, ngại va chạm, đấu tranh, dĩ hòa vi quý còn khá phổ biến trong các cấp uỷ, tổ chức Đảng.

Phê bình và tự phê bình cần phải khắc phục cả 2 khuynh hướng: phê bình thì đấu đá lẫn nhau, bới lông tìm vết, nặng nề chì chiết, hạ bệ nhau; tự phê bình thì chỉ nói những ưu điểm, thành tích của mình. Phê bình với người đứng đầu cứ mềm mại, vuốt ve, ca ngợi, thành buổi ca ngợi thành tích.

Vì sao có chuyện đó? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng truy tìm đến tận “tổ chấy”, gốc gác của nó, thì nếu anh toàn nói ưu điểm, không nói khuyết điểm của mình, nó chính là bệnh thành tích, mà đẻ ra bệnh thành tích chính là chủ nghĩa cá nhân.

Tự phê bình và phê bình còn trên tinh thần yêu thương đồng chí, có phải cái gì cũng đưa ra trước chi bộ, hội nghị đâu, có nhiều cách chia sẻ chân thành. Quan trọng nhất phải xuất phát từ cái chung, phê bình khuyết điểm chứ không phải phê bình con người đồng chí mình.

Nhiều cuộc họp phê bình biến thành "khen" thủ trưởng

Nhà báo Lê Hiệp: Tôi muốn hỏi PGS-TS Vũ Văn Phúc, như câu chuyện tại Bình Thuận không phải từ góp ý cá nhân. Như ông Dương Văn An khi đó là Phó Bí thư Tỉnh uỷ góp ý vào công việc chung và bằng văn bản, nhưng Ban Thường vụ không tiếp thu ý kiến này. Vì sao tự phê bình và phê bình lại là tiếng nói hiếm.

- PGS.TS Vũ Văn Phúc: Thực ra, nhiều cán bộ Đảng viên cũng đã mạnh dạn phê bình và tự phê bình, nhưng chưa được nêu tên như Saigon Co.op hay Bình Thuận. Thông thường, ví dụ Ban Thường vụ có 3 đồng chí, trong các cuộc họp thường vụ cũng có nhiều tiếng nói thẳng thắn, nhưng nếu ông bí thư tỉnh ủy hay cấp ủy dùng nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, tiếng nói ngược lại không được đánh giá đúng, không được tôn trọng.

Ví dụ khi tôi từng làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, trong Thường vụ Tỉnh uỷ có 3 đồng chí, tôi có ý kiến khác nhưng 2 đồng chí kia cùng ý kiến, thì ý kiến của mình trôi đi ngay, dù mình phản đối. Như vừa rồi xử lý kỷ luật ông Huỳnh Tấn Việt, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, do sự việc bán 62 lô đất trước Đại hội XIII, khi đó các ý kiến "nói ngược" đã không được tôn trọng.

Thực tế nhiều ý kiến mạnh dạn có chính kiến riêng, nhưng không được bảo lưu, do bị dùng cơ chế đa số áp đảo trong tập thể. Vì sao Saigon Co.op và Bình Thuận các tiếng nói thiểu số được biểu dương, vì có sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, xác định ý kiến của đồng chí Hải Saigon Co.op, đồng chí An (Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận) là đúng. Còn rất nhiều trường hợp ở các địa phương khác không có sự kiểm tra của Đảng ủy cấp trên, của Ủy ban kiểm tra TƯ, nên sự việc cứ bị trượt dài khi ý kiến thiểu số bị áp lực tập thể áp đảo.

n

Phê bình và tự phê bình có 2 chiều hướng ngược nhau: nịnh bợ cấp trên, cuộc họp phê bình lại biến thành cuộc khen thủ trưởng; hoặc sợ cơ quan đơn vị mình lại vạch áo cho người xem lưng, bới lông tìm vết vì bệnh thành tích. Gốc gác là vấn đề chủ nghĩa cá nhân.

Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám 'nói ngược' - ảnh 5

Ông Vũ Văn Phúc cho rằng, nhiều cán bộ Đảng viên có tâm lý e ngại "đấu tránh thì tránh đâu"

đậu tiến đạt

Khuynh hướng thứ 2 phổ biến trong cán bộ Đảng viên là “đấu tranh thì tránh đâu”, vì sợ bị trù dập, vạ lây. Để giữ an toàn thì không lên tiếng đấu tranh phê bình nữa, biết thủ trưởng, cấp uỷ sai lầm nhưng không nói để giữ an toàn cho mình.

Đảng ta phải có cơ chế, chế tài nào đó để Đảng viên, tổ chức Đảng phê bình và tự phê bình. Bác Hồ nói phê bình cốt là giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, thái độ phải thành khẩn nghiêm trang và đúng mực, trên tinh thần thương yêu đồng chí.

Nhà báo Lê Hiệp: Thưa ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên nhân vì sao hiện nay chúng ta thiếu những tiếng nói thẳng thắn, góp ý xây dựng vì lợi ích chung theo tinh thần tự phê bình, phê bình?

-TS Nguyễn Sĩ Dũng: Nguyên nhân khá rõ: Thứ nhất động lực khuyến khích nói thẳng không lớn. Ta thấy tại sao các phe đối lập các nước phản biện rất nhiều, vì phần thưởng là thắng trong cuộc bầu cử và cầm quyền. Mặt trái là có khi người ta đúng rồi vẫn phản biện, nhưng rõ ràng động lực là rất lớn. Mình có khuyến khích nào lớn như vậy không?

Tôi biết có những lãnh đạo được cất nhắc là vì dám nói ngược lại lãnh đạo. Chúng ta từng có lãnh đạo như vậy, “cậu này còn trẻ mà dám nói ngược mình, có bản lĩnh” nên đưa lên. Nhưng tôi đồng ý với anh Phúc là không nhiều. Một thời chúng ta chọn cán bộ rất ổn vì như vậy. Nếu chọn kiểu “Hoà đại nhân” thì hỏng hết việc chung.

Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám 'nói ngược' - ảnh 6

Các chuyên gia trao đổi thẳng thắn tại tọa đàm

đậu tiến đạt

Muốn khuyến khích người nói ngược, thì đánh giá theo thành tích thực tế của người đứng đầu phải rất rõ. Bây giờ quy trình cán bộ đang làm phiếu thì phải vừa lòng nhau, nên sẽ rất khó khuyến khích phê bình. Trung Quốc tại sao đất nước phát triển nhanh như vậy, vì họ theo thành tích khách quan để đề bạt, ví dụ một huyện có 20 xã, ông đứng đầu xã nào có chỉ số phát triển cao nhất sẽ đưa lên huyện. Ông ở huyện tương tự được đưa lên tỉnh, lên T.Ư. Mô hình đó đã đưa Trung Quốc phát triển khiến phương Tây nể sợ, vì mô hình chọn đúng người tài, tốt hơn nhiều bầu cử kiểu phương Tây. Rủi ro bầu cử dân chủ là có người nói hay nhưng làm không giỏi, hoặc mị dân thì thắng.

Chúng ta đang đi theo cách rất khó đo đếm, đo bằng lá phiếu là cảm nhận chủ quan. Dù cho qua 5 bước nhưng vẫn là qua 5 lần bỏ phiếu. Thực trạng đó chúng ta phải tìm cách để xử lý.

Phải tách ra, lấy phiếu tín nhiệm là với quan chức chính trị, còn quan chức công vụ thì phải là hoàn thành công việc chứ không phải lấy tín nhiệm.

Nguyên nhân thứ 2 khiến “tiếng nói ngược” còn hạn chế vì là rủi ro lắm, có cách gì để hạn chế bớt rủi ro khi phê bình cấp trên không? Như ngày xưa có gián quan, sinh ra để nói ngược và không bị chế tài gì. Ta không cần học đâu xa mà chính từ cha ông ta. Thiết kế lại những cơ chế tránh rủi ro cho người phê bình.

Thứ ba, hiện mình đang phê bình cá nhân, nhưng quan trọng là phê bình chính sách. Bất kỳ chính sách nào cũng có tác dụng phụ, ví dụ chính sách như trẻ em dưới 5 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí, ai dám phản đối vì quá đúng. Nhưng sau 1 năm ta thấy 90% ngân sách được chia cho con nhà giàu, còn lại chỉ 5 - 10% chi cho con nhà nghèo, vì “con nhà giàu đứt tay bằng con nhà nghèo xẩy ruột”, nhà nghèo ít đưa đến bệnh viện. Chi ngân sách như vậy có công bằng không. Phản biện để chính sách trở nên minh bạch, cân đối được các lợi ích trong chính sách để quyết.

KHUYẾN KHÍCH NHỮNG TIẾNG NÓI THẲNG

Nhà báo Lê Hiệp: Xin hỏi ông Nguyễn Đức Hà, để có được những tiếng nói thẳng cho công việc chung vấn đề quan trọng là tạo ra không khí dân chủ trong nội bộ. Nhưng thực tế việc sinh hoạt Đảng vẫn còn hình thức, xin hỏi ông làm thế nào để tạo ra môi trường dân chủ?

- Ông Nguyễn Đức Hà: Bây giờ nói có giải pháp nào để nâng cao chất lượng phê bình và tự phê bình để đáp ứng yêu cầu, thì không có giải pháp nào mà khắc phục căn cơ, phải đồng bộ rất nhiều giải pháp. Đầu tiên từ vấn đề nhận thức, phải nhận thức được nếu không thường xuyên phê bình và tự phê bình là mất Đảng, vì đây là một trong vấn đề tồn tại và phát triển của Đảng.

Tổ chức Đảng cũng như cơ thể sống, hàng ngày sản sinh ra những tế bào mới, nhân tố mới, nhưng cũng có những tế bào sẽ chết đi, bị đào thải. Đảng cũng vậy thôi, càng làm sẽ càng có nhiều khuyết điểm, đó là điều bình thường. Vấn đề là phải phê bình, tự phê bình thường xuyên, liên tục. Đây là Nghị quyết từ Bộ Chính trị trở xuống, hàng năm có kiểm điểm báo cáo trước T.Ư, sau đó từ T.Ư đến cấp ủy các địa phương, tổ chức, từng đảng viên.

Nhưng không phải đảng viên nào cũng nhận thức được, nên mới ầu ơ, vuốt ve nhau mà không nhận thức được mối nguy hệ trọng liên quan sự sống còn, phát triển của Đảng.

Từ Hội nghị T.Ư 4 khoá XI, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tập thể, cá nhân là kỳ kiểm điểm dài nhất với mấy chục ngày, nghiêm túc gương mẫu từ người đứng đầu. Đồng chí Tổng bí thư, đồng chí Trương Tấn Sang, Phạm Quang Nghị đều nhận 1 hình thức kỷ luật, rất nghiêm túc.

Nếu người đứng đầu nghiêm túc từ duy trì nề nếp sinh hoạt, tự phê bình bản thân nghiêm khắc nhưng phê bình với anh em rất chân thành thì khác ngay. Còn nếu người lãnh đạo cấp trên nghe tiếng nói trái, ghi gạch đầu dòng vào sổ thì ai dám nói.

Tôi từng có khảo sát, điều tra, ở khu vực xã, phường, đảng viên nói mạnh hơn, thẳng hơn vì không liên quan về kinh tế. Nhưng ở cơ quan, đơn vị còn liên quan cơm áo gạo tiền, chưa nói người Á đông vốn duy tình.

Nhà báo Lê Hiệp: Theo ông Phúc, có bước nào đi ngay để khuyến khích những tiếng nói thẳng?

- PGS.TS Vũ Văn Phúc: Đúng như anh Hà nêu, có nhiều nguyên nhân nhưng để có sự khuyến khích, bảo vệ những Đảng viên dám phê bình và tự phê bình, đấu tranh cái sai bảo vệ cái đúng có rất nhiều việc phải làm.

Thứ nhất, Đảng phải có quy định, cơ chế để phát huy dân chủ trong Đảng tốt nhất, làm gương cho dân chủ trong xã hội. Có cơ chế để buộc người đứng đầu, nhất là bí thư cấp ủy phải có lòng chân thành với cấp dưới, tạo không khí cởi mở dân chủ trong cơ quan đơn vị tổ chức Đảng, khuyến khích họ dám nói lên chính kiến.

Phải thể chế hoá chủ trương khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm hiện nay. Làm thế nào để người dám nói ngược, các ý kiến của họ phải được cấp ủy cấp trên, tập thể bảo vệ. Hiện nay nhiều khi ý kiến nói “trái” lại lạc lõng trong tập thể, tổ chức Đảng. Đa số cán bộ đảng viên theo ý kiến của thủ tưởng, của ông bí thư mà không dám đứng về người nói đúng, nói ngược.

Thực tế một số đảng viên nhận thức được, nhưng khi bỏ phiếu, phát biểu lại không dám, mà bỏ phiếu cho người đứng đầu, theo đa số. Vì nó còn liên quan đến cơm áo gạo tiền, việc làm, thăng quan tiến chức. Nếu anh nịnh bợ, tung hô ông thủ trưởng, anh sẽ nằm trong phe cánh, được nâng đỡ đề bạt bổ nhiệm. Người dám nói trái nhiều khi bị ghi vào “sổ đen”, có phấn đấu bao nhiêu thì việc bổ nhiệm không được quan tâm, thậm chí bị kìm hãm.

Chúng tôi đề xuất một số giải pháp: phải có cơ chế để các đảng viên có quyền phản ánh vượt cấp lên cấp trên khi thấy cấp ủy, bí thư có biểu hiện chuyên quyền độc đoán, hình thành phe cánh, lợi ích nhóm. Thứ 2 là việc kiểm soát quyền lực với người đứng đầu, bí thư cấp ủy mới dừng ở chủ trương của Đảng mà chưa được thể chế hoá bằng pháp luật cụ thể, nghiêm minh.

Thứ 3, khi ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp trên nhận được phản ánh, kể cả đơn thư nặc danh, nhưng có nhân tố đúng hợp lý, phải kiểm tra giám sát ngay.

Thứ 4, Đảng ta khuyến khích cán bộ dám nói, dám làm, thì phải có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích họ, như cơ chế với gián quan mà anh Dũng nói.

Thứ 5, phải mạnh dạn khi thấy bí thư, đứng đầu cấp ủy có hạn chế, thì nên cho thôi trước thời hạn, dù chưa hết nhiệm kỳ. Hội nghị T.Ư 6 vừa rồi cho 3 đồng chí bị kỷ luật cảnh cáo thôi tham gia T.Ư, đây là điểm mới. Nhưng điểm mới này có được tiếp tục không, có xuống cấp tỉnh, cấp huyện không, vì nhiều đồng chí bị kỷ luật cảnh cáo nhưng vẫn chưa bị cho thôi.

Cuối cùng, phải có cơ chế khắc phục quy trình đúng nhưng chọn sai cán bộ: quy trình 5 bước nhưng vẫn qua bỏ phiếu. Thực tế là nếu quan hệ không tốt, thậm chí không có tiền, không biết thì bỏ phiếu là trượt đấy. Phải mạnh dạn nghiên cứu cơ chế khác, vì những người mạnh dạn đấu tranh lại bị phiếu thấp nhất, bị loại, cuối cùng lại chọn người phiếu cao, có khi gần 100%, nhưng không có năng lực, phẩm chất có vấn đề, chủ yếu là mị dân để “kiếm phiếu”.

Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám 'nói ngược' - ảnh 7

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, phải có cơ chế khuyến khích, bảo vệ tiếng nói thẳng

đậu tiến đạt

Nhà báo Lê Hiệp: Thưa TS Nguyễn Sĩ Dũng, từ góc độ của ông, có cơ chế nào để khuyến khích tiếng nói thẳng?

- TS Nguyễn Sĩ Dũng: vấn đề thứ nhất là nhận thức, không phải tất cả Đảng viên và người cầm quyền đều có nhận thức là phê bình và tự phê bình là sống còn của Đảng. Làm thật thì đừng làm hình thức, như “em phê bình thủ trưởng làm như vậy là không được, sức khoẻ của thủ trưởng là tài sản của cơ quan”. Vừa thớ lợ, mất thì giờ. Phải làm thật.

Thứ hai là phải có cơ chế, áp lực đo đếm thành tích, cân nhắc đề bạt theo thành tích thực tế. Phải có áp lực bắt buộc anh phải nghe tiếng nói phản biện, áp lực đó chính là thành tích thực tế của anh, của cơ quan anh.

Thứ 3, là tạo khuyến khích cho việc nói thẳng, phản biện, không trù dập thì người phản biện mới được bảo vệ.

Xem thêm: lmth.3622151tsop-cougn-ion-mad-ob-nac-ev-oab-ehc-oc-oc-nac/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:Thời sự

“Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám 'nói ngược'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools