vĐồng tin tức tài chính 365

Xử lý các vụ tham nhũng lớn, nhân dân tin tưởng nhưng còn nhiều nỗi lo

2022-10-20 13:53

Báo cáo của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho thấy: cử tri đồng tình, đánh giá cao Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng như Quốc hội, Chính phủ trong nhiều chủ trương, định hướng và quyết sách. Cử tri và Nhân dân cũng đánh giá cao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện vai trò của mình.

Vẫn còn lo lắng về đời sống thực tế còn khó khăn

Cử tri và Nhân dân cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng trong điều kiện vừa kiềm chế dịch bệnh, vừa phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn tạo nhiều điểm sáng tích cực.

“Song, cử tri và Nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về thực tế đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức trước tình hình, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp nhất là từ khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine; áp lực lạm phát cao; thị trường xuất khẩu thu hẹp; chính sách tiền tệ và chống dịch của các nước có nhiều thay đổi khác nhau gây nhiều khó khăn, bất lợi; giá cả nguyên vật liệu đầu vào chưa ổn định; giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm”, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày trước Quốc hội.

Ông Chiến tiếp tục: Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến nay vẫn chậm ở nhiều nơi.

Biến động về giá xăng dầu, vật tư, giá vật liệu xây dựng thời gian qua tăng cao dẫn đến hầu hết các nhà thầu thi công sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu. Do vậy các nhà thầu tổ chức thi công theo kiểu “cầm chừng” nhằm chờ giá giảm nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công.

Xử lý các vụ tham nhũng lớn, nhân dân tin tưởng nhưng còn nhiều nỗi lo ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Quốc hội ngày khai mạc kỳ họp thứ 4, 20-10. Ảnh: HOÀNG HẢI

Lo lắng về cháy nổ, học phí, sách giáo khoa, thiếu thuốc…

Về các vấn đề xã hội, báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cho rằng: đời sống một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và những người yếu thế. An ninh trật tự vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro trong đó có môi trường mạng; các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tai nạn giao thông, cháy nổ (nhất là ở các cơ sở kinh doanh karaoke) vẫn có xu hướng tăng và hậu quả rất nặng nề. Tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc cũng được đề cập.

Lĩnh vực giáo dục, dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng cử tri và Nhân dân vẫn thấy vấn đề sách giáo khoa còn lúng túng. “Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong các trường phổ thông trong toàn quốc tạo nên “cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách”, sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách gây khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận với kiến thức”, báo cáo nêu và điểm thêm nỗi lo lắng của nhân dân về tăng học phí, phụ phí, đóng góp trong giáo dục.

Nhân dân còn lo lắng về thông tin tăng học phí của các cấp học, các khoản phụ phí, các khoản đóng góp xã hội hóa đầu năm của hội phụ huynh trong các nhà trường, nhất là những người lao động, người làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Chiến cho hay: cử tri và nhân dân cho rằng cần quan tâm đến vấn đề việc làm, đến coi văn hóa là động lực phát triển, đến chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Vấn đề tiền lương, tăng lương cơ sở, phụ cấp cho y tế, lương hưu… cũng được yêu cầu xem xét. Đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, giải quyết dứt điểm tình trạng thay sách giáo khoa gây tốn kém, lãng phí, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chấm dứt tình trạng chạy trường, chạy lớp, chạy học bạ, “bệnh thành tích” làm giảm chất lượng giáo dục, việc lạm thu các khoản “tự nguyện” vẫn còn xảy ra vào đầu mỗi năm học.

Xử lý các vụ tham nhũng lớn, nhân dân tin tưởng nhưng còn nhiều nỗi lo ảnh 2

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã khai mạc sáng nay. Ảnh: TT

Cần bịt kẽ hở cơ chế, chính sách, pháp luật để chống tham nhũng

Báo cáo cũng cho hay: Cử tri và Nhân dân tin tưởng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.

Những vụ việc lớn đã thể hiện quyết tâm này như: vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án “đưa và nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch COVID-19; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu trái pháp luật” ở một số Tập đoàn như tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ việc trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác…

Tuy vậy, cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có mặt còn hạn chế, nhất là giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức.

Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét.

Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn khó khăn; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa cao.

“Theo Báo cáo về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/7/2022, cơ quan chức năng đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,61%; song tỷ lệ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% (với 396 vụ) so với cùng kỳ năm trước”, ông Chiến trình bày.

Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cùng với việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật; đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cử tri đề nghị Nhà nước tiếp tục và sớm hoàn thành việc điều tra để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong các dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và thông tin công khai kết quả xét xử cho người dân biết, theo dõi, giám sát.

Cử tri và Nhân dân cũng mong muốn Đảng và Nhà nước có giải pháp phòng, chống, ngăn chặn từ sớm, từ xa để kiểm soát tình trạng gia tăng tỷ lệ tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu...

5 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam

+ Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương

+ Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xã hội hóa, cơ chế tự chủ tài chính, cơ chế đấu thầu trong lĩnh vực y tế, giáo dục để sớm giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

+ Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông các Nghị quyết của Quốc hội và Trung ương.

+ Khẩn trương thể chế hóa Kết luận số 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

+ Các bộ, ngành trung ương, các cấp chính quyền bảo đảm điều kiện, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt quyền và trách nhiệm giám sát, phản biện của mình.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Xem thêm: lmth.601407tsop-ol-ion-ueihn-noc-gnuhn-gnout-nit-nad-nahn-nol-gnuhn-maht-uv-cac-yl-ux/nv.olp

“Xử lý các vụ tham nhũng lớn, nhân dân tin tưởng nhưng còn nhiều nỗi lo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools