vĐồng tin tức tài chính 365

Chính sách đất đai còn bất cập, tạo kẽ hở cho cá nhân, tổ chức trục lợi

2022-10-21 06:53

Quy hoạch “treo”, dự án “treo” gây lãng phí lớn

Giám sát việc quản lý sử dụng đất đai, đoàn giám sát của Quốc hội nhận định, nhiều địa phương đã xử lý thu hồi được nhiều dự án “treo”, chậm tiến độ và đưa vào sử dụng gần 100.000 ha đất dự án chậm triển khai.

Điển hình, Ninh Bình thu hồi 725 dự án treo sau 3 năm không triển khai, diện tích 1.795 ha. Đồng Nai thu hồi 376 dự án, diện tích 3.875 ha...

Nhiều địa phương cũng thu hồi quỹ đất đã giao, cho các doanh nghiệp thuê nhưng bị giải thể, phá sản... để hạn chế thất thoát, lãng phí đất đai, với tổng diện tích thu hồi gần 34.136 ha.

Dự án chậm triển khai, đất đai bị hoang hoá. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai được đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra, như việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; khai thác, sử dụng đất chưa cao, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực lớn đất đai. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ; chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng thực tế phát triển.

"Hầu hết các địa phương không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn phổ biến, quy hoạch treo, dự án treo còn lớn, gây lãng phí lớn" - đoàn giám sát phản ánh.

Đáng chú ý, nhiều công trình, dự án trong năm kế hoạch không triển khai; chỉ tiêu đất chưa sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016- 2020) tăng cao tại nhiều địa phương. Đây là hệ quả của tình trạng "dự án treo", sau khi đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thực hiện được, phải huỷ bỏ phát sinh nhiều và tại tất cả các địa phương. Số này gồm các dự án đầu tư công không đảm bảo kinh phí thực hiện, dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhà đầu tư khi đăng ký nhu cầu sử dụng đất dự án không phù hợp với khả năng, nguồn lực...

Theo số liệu thống kê, có gần 1.740 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không triển khai phải huỷ bỏ, với diện tích hơn 12.000 ha.

Sai phạm trong giao đất, cho thuê đất cũng được Đoàn giám sát phát hiện tại một số địa phương. Thống kê 5 năm qua cho thấy, có 6.225 dự án được Nhà nước giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, tổng diện tích 30.849 ha.

Nhiều dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất như dự án khu dân cư, đô thị... chậm đưa đất vào sử dụng hoặc dự án đã khai thác nhưng hiệu quả thấp, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí đất đai. Thậm chí, nhiều dự án tình trạng hoang hóa kéo dài hàng chục năm.

Chẳng hạn, giai đoạn 2016 – 2020, Bình Dương có 3.086 ha đất chuyển mục đích trái phép khá lớn. Tương tự, Đồng Nai là 126 ha, TPHCM 7 ha...

Bên cạnh đó, giao đất có thu tiền, cho thuê đất qua đấu giá quyền sử dụng thực hiện còn hạn chế. Hầu hết các dự án đấu thầu nhưng chỉ có một nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia, trong khi nhiều nhà đầu tư lại hạn chế về nguồn lực. Việc này dẫn đến vi phạm trong thực hiện dự án, gây lãng phí và thất thoát.

Nhiều DN chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính

Vẫn qua giám sát, đoàn giám sát phát hiện nhiều sai phạm, bất cập trong quản lý, sử dụng đất tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

Dự án treo, quy hoạch treo gây lãng phí nguồn lực đất đai (ảnh minh hoạ)

Dẫn báo cáo của Kiểm toán nhà nước, đoàn giám sát Quốc hội cho biết, còn nhiều bất cập, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại các tập đoàn, tổng công ty. Theo đó, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được giao rất lớn, nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa được ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Các doanh nghiệp cũng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách; tính tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bất động sản chưa đúng quy định. Cùng với đó, vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng dự án hình thành trong tương lai khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

“Hầu hết đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty đều không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá” – báo cáo phản ánh.

Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 còn nhiều tồn tại. Trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai.

Sau cổ phần hóa còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch…

"Chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước" - đoàn giám sát nhận định.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới quản lý, sử dụng đất lãng phí được đoàn giám sát chỉ ra, nhưng ở khía cạnh chủ quan là ý thức chấp hành pháp luật về đất đai hạn chế; thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý đất đai.

Một số địa phương giao dự án cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính dẫn đến dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, lãng phí. Có địa phương chưa thực hiện theo dõi, thống kê và báo cáo thực trạng sử dụng đất đai theo quy định, dẫn đến tình trạng không quản lý và xử lý kịp thời sai phạm.

Trách nhiệm dẫn tới những tồn tại, sai phạm trong quản lý, theo đoàn giám sát, trước tiên thuộc về các cấp chính quyền địa phương khi đã buông lỏng quản lý. Nhiều cá nhân có thẩm quyền có liên đới lợi ích, tiêu cực tham nhũng khi giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyên mục đích sử dụng đất.

Đoàn giám sát cũng chỉ ra Bộ Tài nguyên - Môi trường còn chậm tham mưu trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật. Sở Tài Nguyên và Môi trường các địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn thuộc thẩm quyền; chậm tham mưu trong việc xác định giá đất.

Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương có trách nhiệm trong việc chưa thường xuyên đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng tiền sử dụng đất, các doanh nghiệp, chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai.

Còn các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, theo đoàn giám sát, chịu trách nhiệm về chậm hướng dẫn tháo gỡ các thủ tục đầu tư, xây dựng, các khó khăn, vướng mắc liên quan trong việc cấp phép xây dựng, xử lý các dự án chậm tiến độ...

Hải Triều

Xem thêm: lmth.475831_iol-curt-cuhc-ot-nahn-ac-ohc-oh-ek-oat-pac-tab-iad-tad-hcas-hnihc/hnihc-nit/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Chính sách đất đai còn bất cập, tạo kẽ hở cho cá nhân, tổ chức trục lợi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools