Camera giám sát giao thông trên cầu Sài Gòn (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Trong đó, điểm b, khoản 1, điều 11 của dự thảo nêu trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận cảnh sát giao thông (CSGT) mặc thường phục để giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM), việc đề xuất một bộ phận cán bộ thuộc lực lượng CSGT mặc thường phục để tham gia việc phát hiện người vi phạm giao thông là không cần thiết. Bởi giải pháp cơ bản, căn cơ để duy trì trật tự, an toàn giao thông là phòng ngừa chứ không phải xử lý vi phạm.
CSGT mặc thường phục như kiểu "mật phục" để bắt người vi phạm không khác gì cảnh sát hình sự truy lùng tội phạm trong khi bản chất, chức năng nghề nghiệp của CSGT và cảnh sát hình sự là hoàn toàn khác nhau.
Rất khó để phân biệt đâu là CSGT thật, đâu là CSGT "giả" khi họ đang làm nhiệm vụ, rất dễ dẫn đến những hiểu lầm, xung đột trên thực tế và nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng có thể xảy ra.
Theo nhiều ý kiến khác, trong thời đại 4.0, việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các công việc quản trị quốc gia, duy trì an ninh trật tự là khá phổ biến tại các nước khác trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhiều chuyên gia cho rằng công nghệ hiện nay đã thay chỗ con người ở nhiều lĩnh vực, giao thông cũng vậy, nên để công nghệ phát hiện, thu thập các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, thay vì đưa CSGT thực hiện nhiệm vụ kiểu "mật phục" như vậy.
Thực tế thời gian qua, những camera phạt nguội cũng đã có tác dụng ở nhiều nơi, nếu đầu tư nhiều hơn, phủ sóng trên khắp tuyến đường, tăng mức phạt cao lên chắc chắn vi phạm giao thông sẽ giảm. Ngoài ra, việc giám sát vi phạm qua hệ thống camera còn giúp lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ việc khác về an ninh trật tự, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông để kịp thời giải quyết phù hợp. Điều này từng bước nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ trong lực lượng CSGT.
Đây là một xu hướng mà các nước đang áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả trong việc giám sát, xử lý các vấn đề giao thông, từng bước hạn chế lực lượng CSGT ra đường. Theo một chuyên gia giao thông, khi camera đã phát huy hiệu quả trong phòng ngừa vi phạm hiện nay, việc quy định CSGT mặc thường phục để giám sát hành vi vi phạm là không cần thiết nữa.
800 camera phát huy tác dụng
Ngoài việc giám sát từ lực lượng CSGT, TP.HCM đã vận hành hệ thống điều hành giao thông thông minh cuối năm 2019. Hệ thống này thuộc sự quản lý của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP, giám sát giao thông ở hầu hết các tuyến đường lớn tại TP.HCM qua hơn 800 camera. Những camera này được lắp đặt ở các giao lộ, tuyến đường trọng điểm và khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái...
Thông qua hệ thống camera, nhân viên vận hành kịp thời ghi nhận tình hình giao thông, các sự cố trên đường như tai nạn, ùn tắc, va chạm... để kịp thời thông tin cho lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các đơn vị quản lý hạ tầng để phối hợp xử lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nhờ vậy hạn chế tình trạng ùn tắc ở nhiều tuyến đường.
TTO - Bộ Công an đề xuất cảnh sát giao thông sau khi dừng phương tiện phải chào người dân theo điều lệnh, trừ các trường hợp có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã hoặc có hành vi thiếu văn hóa, cản trở…