Ngày 20/10, TAND Hà Nội xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là anh Linh, 41 tuổi, trú quận Hoàn Kiếm. Bị đơn là Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, vắng mặt tại phiên tòa.
Đơn khởi kiện nêu, khoảng 14h30' ngày 6/10/2020, anh Linh đi xe máy trên đường Văn Cao, quận Ba Đình và bị tổ công tác Y16/141, CSGT Hà Nội dừng xe và yêu cầu kiểm tra hành chính. Người kiểm tra anh Linh mặc thường phục, tay đeo băng đỏ, mở cốp xe khám xét tài sản và đồ vật trên người. Anh Linh bị yêu cầu tắt điện thoại, không quay phim, chụp ảnh quá trình kiểm tra giấy tờ xe.
Theo anh Linh, việc kiểm tra không có người làm chứng, không lập biên bản và giao biên bản, quyết định khám tài sản cho người bị kiểm tra theo Luật xử lý vi phạm hành chính quy định.
Ngày 29/11/2020, anh Linh gửi đơn khiếu nại đến Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội. Sau khi nhận được giấy mời, ngày 4/12/2020, anh Linh đến Phòng CSGT, cung cấp các video liên quan sự việc.
Phòng CSGT sau đó có Quyết định giải quyết khiếu nại gửi anh Linh, khẳng định nội dung khiếu nại là sai. Lý do, người mặc thường phục kiểm tra anh Linh là cán bộ cảnh sát ma túy, đảm bảo quy định trang phục lực lượng 141. Thứ hai, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác Y16/141 phát hiện anh Linh không đội mũ bảo hiểm nên dừng xe, kiểm tra hành chính theo quy định.
"Anh Linh đã đồng ý và tự nguyện đưa các đồ vật, tài sản để cán bộ tổ công tác kiểm tra hành chính, toàn bộ quá trình kiểm tra được anh Linh chứng kiến và sử dụng điện thoại để ghi hình giám sát. Việc kiểm tra hành chính của cán bộ tổ công tác Y16/141 không làm hư hỏng, mất mát đồ vật, tài sản gì của anh Linh", quyết định của Phòng CSGT nêu.
Song anh Linh cho rằng tổ công tác vi phạm thẩm quyền khám xét phương tiện tài sản, khám xét khi không có quyết định và vi phạm quy định về trang phục.
Anh Linh yêu cầu Phòng CSGT Hà Nội hủy Quyết định giải quyết khiếu nại trên, làm rõ 3 hành vi trên và phải công khai xin lỗi.
Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX nhận định, tổ công tác Y16/141 được thành lập theo 2 kế hoạch 141 của Công an Hà Nội. Thứ nhất, về việc tập trung xử lý các trường hợp điều khiển mô tô, xe máy, lạng lách, đánh võng, chở người sai quy định, mang theo vũ khí tham gia giao thông. Thứ hai, bổ sung 15 tổ công tác 141 tại công an các quận huyện.
Cán bộ cảnh sát ma túy nêu trên, mặc thường phục song có đeo băng đỏ ghi chữ CAHN 141 (Công an Hà Nội) là sự hóa trang, đảm bảo đúng quy định trang phục theo kế hoạch của Công an Hà Nội. Kế hoạch cho phép mỗi tổ công tác có 10 người gồm: 4 CSGT, 3 cảnh sát phản ứng nhanh mặc sắc phục, 2 cảnh sát hình sự, một cảnh sát ma túy mặc thường phục hóa trang, đeo băng đỏ CAHN 141.
Do vậy, việc cảnh sát ma túy mặc thường phục kiểm tra hành chính với anh Linh là hoàn toàn đúng quy định, bản án nêu.
Về tính hợp pháp của quá trình khám xét, tòa phân tích, 2 kế hoạch nêu trên của Công an Hà Nội có ghi rõ, đối với các trường hợp vi phạm có căn cứ, nghi vấn liên quan tội phạm tệ nạn xã hội, tiến hành kiểm tra hành chính với người, phương tiện để phát hiện, theo quy định.
Việc cán bộ tổ công tác Y16/141 kiểm tra tài sản, đồ vật, phương tiện của anh Linh là tiến hành biện pháp kiểm tra hành chính, không tiến hành thủ tục khám xét phương tiện, tòa nhận định.
"Trên thực tế, kiểm tra hành chính là hoạt động chuyên ngành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm quản lý và xử lý các đối tượng vi phạm hành chính", bản án nêu.
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính, cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra hành chính. Do đó thành viên của tổ công tác Y16/141 hoàn toàn có thẩm quyền kiểm tra hành chính với anh Linh khi anh Linh có hành vi điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm. Theo tòa, hoạt động này của tổ công tác nhằm mục đích ngăn ngừa tội phạm trên địa bàn được phân công phụ trách.
Mặt khác, trong quá trình kiểm tra, cán bộ mặc thường phục kiểm tra giấy tờ, yêu cầu anh Linh mở cốp xe, lấy đồ đạc tài sản kiểm tra. Do không phát hiện vi phạm, cán bộ này đã bàn giao lại cho anh Linh. Anh Linh có quay phim lại quá trình này, đồng thời nhận lại tài sản không thắc mắc gì.
Trước quan điểm của anh Linh cho rằng "việc dừng xe, khám đồ vật là tùy tiện xâm phạm quyền công dân, quyền con người, quyền bất khả xâm phạm đến tài sản, danh dự, nhân phẩm", tòa khẳng định là "không có căn cứ pháp luật".
Bản án xác định Quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng phòng CSGT Hà Nội là đúng thủ tục khiếu nại, yêu cầu của anh Linh về việc hủy văn bản này không có căn cứ để chấp nhận.
Từ các phân tích trên, tòa không chấp nhận yêu cầu thứ ba của anh Linh về việc Phòng CSGT Hà Nội phải công khai xin lỗi anh trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.1475254-ex-mahk-cuhp-gnouht-cam-tas-hnac-ib-iv-neik-iohk-ex-iat/ten.sserpxenv