Hải Thư (theo 9News, Murderpedia, Mamamia)
Thời điểm vợ chồng Basil và Freda trúng xổ số độc đắc, họ nghĩ rằng đó là một trong những điều tuyệt vời nhất xảy ra trong đời, nhưng không ngờ, tiền tài đi cùng tai họa.
Vợ chồng ông Basil sống trong căn hộ thuê ở Bondi, New South Wales, cùng con trai tám tuổi và con gái ba tuổi. Họ đã tham gia xổ số Nhà hát Opera, một sáng kiến của thành phố New South Wales để giúp quyên góp tiền cho việc xây dựng nhà hát. Ngày 1/6/1960, một tấm vé ghi số 3932 đã được công bố giành giải độc đắc trị giá 100.000 bảng Anh (tương đương 5 triệu USD ngày nay)
Hiện danh tính của những người trúng số được giữ bí mật để bảo vệ gia đình họ, song thời kỳ năm 1960 thì không. Hình ảnh gia đình ông Basil được xuất hiện trên trang nhất của mọi tờ báo lớn, họ tên và địa chỉ của họ đã được công bố. Thậm chí, thông tin còn được công bố rộng rãi rằng gia đình này sẽ nhận được tiền trúng giải vào ngày 7/7, tức hơn một tháng sau khi vé độc đắc được công bố.
Một người đàn ông đã đọc những câu chuyện về sự may mắn của gia đình này và quyết định sẽ giành một phần của "miếng bánh từ trên trời rơi xuống".
Ngày 14/6, hắn tìm đến nhà, vờ hỏi thăm đây có phải nhà của ông Bognor không. Khi bà Freda lắc đầu, hắn tự xưng thám tử tư, làm bộ bối rối, hỏi vu vơ thêm vài câu để cố tỏ ra rằng đang thực sự tìm ông Bognor.
Hắn sau đó cảm ơn bà Freda và xin phép đi vào nhà để xem đây có đúng là căn nhà mình đang tìm: "Tôi chỉ muốn chắc chắn rằng mình đi nhầm nhà hay không". Bà Freda vui vẻ đồng ý và người đàn ông lạ mặt này vào trong ngắm một lượt rồi ngả mũ chào, bước nhanh ra cổng.
Vào thời điểm đó, nó dường như chỉ là cuộc nhầm nhà bình thường với bà Freda, nhưng với gã này là bước đầu tiên trong kế hoạch bắt cóc tống tiền.
Vào 7/7, ngày lĩnh tiền xổ số, bà Freda đã giúp con trai Graeme đóng cặp sách và thắt cà vạt đi học, hôn tạm biệt cậu bé và nhìn cậu bé đi bộ khỏi nhà. Một người bạn của gia đình ở cách đó vài trăm mét sẽ đón Graeme ngay đầu phố để đưa đến trường cùng hai con mình.
Khi người bạn này đến điểm đón quen thuộc, Graeme không có ở đó. Nhận tin báo, bà Freda đến trường nhưng không thấy con. Linh tính có điều gì đó không ổn, bà gọi cảnh sát báo con trai mất tích. Một lúc sau, bà nhận được một cuộc điện thoại từ một người đàn ông: "Tôi có con trai của bà".
Người đàn ông muốn một phần tư số tiền thắng xổ số của họ, 25.000 bảng Anh, trước 5 giờ chiều hôm đó. "Nếu không nhận được, tôi sẽ thả nó cho cá mập ăn". Ngay lập tức cảnh sát biết rằng âm mưu bắt cóc liên quan vụ trúng số của gia đình.
Không có hướng dẫn nào về cách trả tiền chuộc. 21h47, người đàn ông gọi lại, nói muốn tiền mặt trong hai túi giấy màu nâu rồi cúp máy.
Ông Basil xuất hiện trên truyền hình vào đêm hôm đó cùng với Giám đốc Cảnh sát thành phố, khóc cầu xin kẻ bắt cóc trả con trai.
Lúc này bà Freda mới hồi tưởng về giọng nói của kẻ bắt cóc và nhớ ra người đàn ông lạ mặt tự xưng thám tử, đến trước cửa nhà bà vài tuần trước đó. Từ thông tin của bà, người đàn ông đã trở thành nghi phạm chính.
Vụ bắt cóc khiến cả nước xôn xao. Đây là vụ bắt cóc đòi tiền chuộc đầu tiên của Australia.
Một ngày sau, chiếc cặp đi học rỗng không của bé Graeme được tìm thấy, bị vứt bên cạnh một con đường gần rừng. Cảnh sát hy vọng họ sẽ tìm thấy dấu vân tay hoặc bằng chứng khác của kẻ bắt cóc trên chiếc cặp sách, hy vọng duy nhất của họ. Trong vài ngày, các đồ đạc trong cặp sách của Graeme được tìm thấy nằm rải rác dọc theo con đường.
Cảnh sát tiếp tục tìm kiếm với hy vọng tìm thấy Graeme còn sống. Ngày 16/8, năm tuần sau khi Graeme bị bắt cóc, thi thể bé được tìm thấy trên một khu đất trống ở Grandview Grove, Seaforth, dưới lớp cây cối mọc um tùm bao phủ khu đất. Graeme 8 tuổi đã bị quấn trong chăn, bịt miệng và bị trói chặt chân tay. Bộ đồng phục và chiếc khăn mẹ quàng cho cậu trước khi đến trường vẫn nguyên vẹn. Cơ thể của cậu được quấn trong một chiếc chăn.
Tại hiện trường, cảnh sát kiếm tìm thu thập kỹ càng và thu được một số sợi lông của chó thuộc giống Pekinese, được tìm thấy trên chăn, áo khoác và quần dài của Graeme, một ít mảnh vôi vữa và hai loại lá cây lạ không có ở khu vực này.
Ngoài chi tiết về người đàn ông với giọng nói nặng và chiếc Ford màu xanh óng ánh được nhìn thấy gần địa điểm bắt cóc, cảnh sát bắt đầu bao vây khu vực bắt đầu từ Seaforth và mở rộng điều tra.
Những chiếc lá cây lạ là bằng chứng rõ ràng để cảnh sát bắt đầu tìm kiếm và và đến ngày 3/10, họ đã tìm thấy ngôi nhà mà họ cần
Ngôi nhà của một người đàn ông tên Bradley ở Clontarf nổi bật với hai hàng cây loại này trồng dọc hai bên gara. Kiểm tra kỹ hơn ngôi nhà cho thấy nó cũng có gạch sẫm màu với vữa trát cùng loại với vôi vữa dính trên quần áo nạn nhân. Cảnh sát Bondi biết rằng đã tìm đúng nhà.
Cảnh sát cũng tìm thấy một con chó giống Pekinese thuộc sở hữu của gia đình này. Trong chiếc xe Forrd màu xanh óng ánh, cảnh sát phát hiện một chiếc bàn chải lông chó, đầy lông, giống loại trên chăn và cơ thể của Graeme.
Một bức ảnh trong nhà Stephen cũng cho thấy, tấm choàng sofa của nhà anh ta chính là tấm chăn quấn quanh thi thể cậu bé.
Vào thời điểm cảnh sát tìm thấy ngôi nhà, nó đã bị bỏ hoang. Stephen Bradley đã bán và đang dọn đi vào ngày bắt cóc Graeme. Khi cảnh sát đến tìm, Stephe đã rời khỏi đất nước.
Stephen, 34 tuổi, bị bắt giam ngày 9/10 cùng năm tại Colombo (Sri Lanka) và bị dẫn độ đến Sydney 9 ngày sau.
Hắn sinh năm 1926 tại Budapest, Hungary và chuyển đến Australia năm 1950. Vợ đầu chết trong tai nạn xe hơi, để lại hai con gái. Stephen tái hôn, có thêm 2 con, làm nghề bán bảo hiểm nhưng không mấy khá giả. Gia đình đông con khiến anh ta chìm trong nợ nần.
Stephen khai đã theo dõi gia đình cậu bé suốt nhiều tuần, nắm được thói quen cảu cậu bé mỗi sáng, tự đi bộ ra ngã tư trước nhà, đợi người bạn của gia đình đến đưa đi học.
Sáng đó, hắn đợi gần địa điểm này, mở sẵn cốp ôtô, đợi cậu bé đi ngang qua.
Theo lời khai của Stephen, khi về nhà, hắn phát hiện bé Graeme đã chết trong cốp xe, tuy nhiên chứng cứ cho thấy bé chết vì bị đánh chứ không phải vì ngạt.
Tháng 3/1961, StephenBradley phạt tù chung thân vì tội Giết người. Thụ án được 7 năm, hắn lên cơn đau tim khi đang chơi tennis, rồi qua đời.
Thủ tục xổ số ở Australia đã được thay đổi sau vụ bắt cóc này. Tất cả người trúng xổ số được quyền ẩn danh khi nhận tiền thưởng.
Giống như tất cả tiểu bang khác, luật của New South Wales khi đó không có quy định về tội bắt cóc, đơn giản vì nó chưa bao giờ xảy ra. Vụ án này là chất xúc tác cho việc đưa ra những điều luật đầu tiên để đối phó với nạn bắt cóc ở Australia.
Xem thêm: lmth.9335254-cad-cod-os-gnurt-ev-mat-uas-hcik-ib/ten.sserpxenv