vĐồng tin tức tài chính 365

Siêu trộm ngân hàng dưới vỏ bọc nhiếp ảnh gia

2022-10-21 18:44

Sáng thứ hai, 19/7/1976, chi nhánh Riviera của ngân hàng Société Générale ở thành phố Nice rối loạn vì cửa kho tiền không thể mở ra.

Đến 10h, cánh cửa thép khổng lồ vẫn bị kẹt. Họ quyết định phá từ bên cạnh cửa. 15h, một lỗ nhỏ được mở ra hé lộ bí mật kinh hoàng bên trong. Chỉ 15 phút sau, cảnh sát kéo đến bao vây ngân hàng.

Họ thấy các cửa két an toàn mở toang, những thanh thép bị cắt thành nhiều mảnh, sàn nhà trải đầy séc, trái phiếu, cổ phiếu, sổ ngân hàng, di chúc, chứng thư. Bên trên là các dụng cụ lấm lem bùn đất: xà beng, đục, máy khoan, kích thủy lực, đèn hàn, rìu, búa khoan, 27 bình khí acetylene, tổng cộng nặng đến hai tấn.

Bọn trộm đã biến mất cùng với khoảng 10 triệu USD, phần lớn là tiền mặt, cùng với vàng thỏi và đồ trang sức được cất giữ trong 317 két an toàn. Đây là vụ trộm ngân hàng lớn nhất lịch sử thời điểm đó.

Cửa kho tiền bị hàn đóng lại từ bên trong. Sau nhiều nỗ lực, cánh cửa mở rộng giúp cảnh sát thấy rõ toàn cảnh hiện trường.

Trong kho tiền, 30 kg đồ trang sức rải rác khắp nơi cùng một bao tải chứa hàng chục chiếc vòng cổ ngọc trai. Nhóm trộm dường như quyết định bỏ lại những món đồ giá trị này vào giấy phút cuối cùng. Chúng không lấy những thứ có thể bị truy dấu.

Họ thấy một cái bếp di động, bao bì thực phẩm rỗng, những chiếc nồi, đĩa bẩn và những chai rượu rỗng, cho thấy nhóm trộm đã nấu ăn ngay trong này, làm việc ở đây suốt cuối tuần qua.

Một thông điệp nguệch ngoạc được viết bên cạnh biểu tượng hòa bình trên tường: "Không vũ khí, không bạo lực, không hận thù".

Cảnh sát phát hiện một đường hầm được đục xuyên tường bê tông cốt thép dày 46 cm. Cửa hầm rộng hơn 60 cm và cao khoảng 50 cm, vừa đủ để một người chui qua. Đường hầm dài gần 9 m, cứ cách vài mét lại được chống bằng cột kim loại hoặc gỗ, xi măng. Bên trong có một ống thông gió đường kính 15 cm, dây cáp điện dài 800 m nối với bóng đèn huỳnh quang ở bãi đậu xe ngầm dưới quảng trường Place Messena.

Đường hầm nối liền với đường trục cống ở giữa Rue Deloye, phía sau ngân hàng. Tuy nhiên, nhóm trộm cần phải chuyển công cụ bằng bè cao su qua cửa cống thoát nước cạnh sông Peillon cách ngân hàng khoảng 365 m nếu không muốn bị chú ý.

Bên trong kho tiền sau khi bị trộm càn quét. Ảnh: Societegenerale

Bên trong kho tiền sau khi bị trộm càn quét. Ảnh: Societegenerale

Khi tin tức về vụ trộm lộ ra, hàng trăm khách hàng hoảng loạn đổ xô đến ngân hàng, lo lắng tài sản có an toàn hay không.

Cảnh sát mất nhiều ngày để kiểm tra tài sản trong kho tiền, phủi bụi trên mọi bề mặt để tìm dấu vân tay. Chỉ có một dấu vân tay duy nhất được tìm thấy ở mặt dưới một két sắt, nhưng không khớp với ai.

Nghi phạm đầu tiên là Daniel Michelucci, 34 tuổi, một "khách quen" của cảnh sát. Anh ta bị phát hiện lái xe cùng một người đàn ông trên phố vài ngày trước vụ trộm và bị dừng xe kiểm tra. Cảnh sát phát hiện trong thùng xe của Daniel có vài cái đục dài khoảng 45 cm bằng thép tôi luyện, đầu nhọn và sơn màu đỏ. Chúng được dùng để đánh búa xuyên qua bê tông cốt thép.

Sau khi vụ trộm xảy ra, cảnh sát phát hiện những cái đục màu đỏ trên sàn kho và lập tức nghĩ đến Daniel Michelucci.

Một manh mối khác là vào 9/7, cảnh sát nhận được cuộc gọi báo cáo về một ngôi biệt thự được cho là để trống bỗng có những người đàn ông lạ mặt xuất hiện bên trong. Biệt thự nằm ở rìa Đường 202 trong làng Castagniers, cách Nice 24 km. Khi đến kiểm tra, cảnh sát thấy 5 người đàn ông. Họ nói mượn biệt thự từ chủ sở hữu và cung cấp đầy đủ chứng minh thư.

Sau vụ trộm, cảnh sát quay lại biệt thự. Họ phát hiện một chiếc đèn pin dính bùn, giống hệt những chiếc được tìm thấy trong kho tiền. Sau khi xét nghiệm, loại bùn trên chiếc đèn cũng giống hệt bùn trong cống ở Nice.

Cảnh sát suy đoán biệt thự là đại bản doanh của nhóm trộm, nhưng số thành viên có lẽ lên tới 20.

Trong thời gian điều tra, chi nhánh ở Paris của Société Générale lại bị trộm qua hệ thống cống. Dù cách thức phạm tội giống nhau, cảnh sát cho rằng vụ này không phải do nhóm trộm ở Nice thực hiện vì có vẻ vụng về và cẩu thả hơn.

Sau đó, hai người đàn ông, Adrien Zeppi, 54 tuổi và Francis Pellegrin, 38 tuổi, bị bắt quả tang đang cố gắng bán những thỏi vàng có số trùng khớp với những thỏi vàng được lấy tại Nice trong một ngân hàng ở Riviera. Cả Zeppi và Pellegrin không có mặt trong ngôi biệt thự Castagniers khi cảnh sát kiểm tra.

Rạng sáng 26/10/1976, ngày thứ 100 của cuộc điều tra, cảnh sát bắt giữ 27 người tại Nice, Marseilles, Paris và một số thành phố khác. Sau thẩm vấn, 7 người, bao gồm Zeppi và Pellegrin, bị buộc tội đồng lõa trong vụ cướp ngân hàng.

Vài người trong số đó mang theo những tờ tiền có số sê ri chưa được lưu hành, nhưng tang vật thu được không đáng kể. Nhà chức trách cho rằng kẻ đầu sỏ vẫn chưa bị tóm.

Sau khi thoát khỏi vòng vây ở Riviera, Daniel Michelucci lái xe thẳng tới Brussels với bạn gái Michele Seaglio. Cảnh sát biết anh ta đã mở một két an toàn ở Brussels dưới bí danh. Daniel bị cảnh sát Brussels tóm được khi đến ngân hàng và Michele bị bắt trên xe. Trong ví của Michele có 10 tờ tiền mới từ vụ trộm Nice, trong két của Daniel là những tờ tiền tương tự với tổng trị giá 420.000 franc (khoảng 85.000 USD) cộng với 6 thỏi vàng bị đánh cắp.

Cảnh sát lôi một bình khí acetylene, dùng để cung cấp nhiên liệu cho các mỏ hàn, ra khỏi cống vài ngày sau vụ trộm. Ảnh: AFP

Cảnh sát lôi một bình khí acetylene, dùng để cung cấp nhiên liệu cho các mỏ hàn, ra khỏi cống vài ngày sau vụ trộm. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, qua tin tình báo, cảnh sát xác định Albert Spaggiari, một nhiếp ảnh gia 44 tuổi, mới là kẻ chủ mưu. Họ quyết định bắt giữ Albert dù chưa có bằng chứng.

Ngày 28/10, ngày thứ 102 của cuộc điều tra, Albert bị bắt. Cảnh sát lục soát căn hộ hiện tại và nhà cũ của vợ chồng Albert nhưng không thấy phần còn lại của 10 triệu USD.

Ban đầu Albert phủ nhận liên quan đến vụ trộm. Sau 36 giờ thẩm vấn liên tục, Albert khai nhận là chủ mưu. Anh ta cho biết nảy ý định trộm kho tiền bằng cách đào hầm từ hai năm trước, sau khi nghe nói có đường cống gần ngân hàng.

Albert thuê một két an toàn trong kho tiền và đặt một chiếc đồng hồ báo thức bên trong. Anh ta cài đồng hồ đổ chuông vào ban đêm để kiểm tra xem có thiết bị dò tìm âm thanh nào không. Trên thực tế, kho tiền không có hệ thống báo động an ninh bởi nó được coi là bất khả xâm phạm với cửa cực kỳ dày, các bức tường được cho là không có cách nào để tiếp cận.

Sau đó, Albert đến Tòa thị chính và kiếm được các kế hoạch xây dựng cống thoát nước. Trong 6 đêm, anh ta đi bộ quanh thành phố để dò tìm các đường cống.

Albert liên lạc với những tay xã hội đen chuyên nghiệp từ Marseille, tuy nhiên, sau khi xem xét kế hoạch của Albert và địa điểm, họ quyết định không tham gia vụ trộm. Albert được cho là tuyển mộ đồng bọn từ những người bạn cũ trong nhóm Tổ chức Vũ trang Bí mật.

Nhóm trộm 20 người đào hầm suốt đêm trong hai tháng. Mỗi bình minh, họ chặn lối vào đường hầm để tránh bị công nhân thoát nước phát hiện.

Đêm thứ sáu, 16/7/1976, trong kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài của Ngày Quốc khánh Pháp, nhóm Albert đột nhập kho tiền, hàn cửa kho lại từ bên trong. Họ ăn ngủ tại chỗ khi bận rộn phá các két an toàn và sử dụng những chiếc liễn bạc cổ làm chỗ đi vệ sinh.

Cho đến nay, chỉ có khoảng 5% tang vật được thu hồi. Albert nói đã đem tiền tài trợ cho một tổ chức chính trị bí mật tên là Catena, nhưng tổ chức này dường như chỉ tồn tại trong tưởng tượng của anh ta.

Qua các phiên điều trần, Albert nghĩ ra kế hoạch chạy trốn. Ngày 10/3/1977, tại văn phòng thẩm phán, anh ta đưa ra một tài liệu được mã hóa và khẳng định là bằng chứng. Khi thẩm phán bị phân tâm bởi tài liệu, Albert phàn nàn trong phòng nóng, đứng dậy mở cửa sổ rồi nhảy ra ngoài, hạ cánh an toàn xuống một chiếc ôtô đang đậu bên dưới gần 3 m và tẩu thoát trên môtô chờ sẵn.

Báo chí mô tả cách Albert Spaggiari trốn thoát khỏi văn phòng thẩm phán. Ảnh: Thetimes

Báo chí mô tả cách Albert Spaggiari trốn thoát khỏi văn phòng thẩm phán. Ảnh: Thetimes

Albert bị kết án tù chung thân trên phiên tòa xét xử vắng mặt. Ba người trong nhóm trộm bị kết án từ 5 đến 7 năm tù.

Albert được cho là đã phẫu thuật thẩm mỹ để tránh bị nhận dạng và lẩn trốn chủ yếu ở Argentina. Hắn qua đời ở tuổi 57 vì bệnh ung thư phổi vào 8/6/1989, tại một ngôi nhà nông thôn ở Belluno, Italy.

Năm 2010, Jacques Cassandri, 67 tuổi, xuất bản cuốn sách The Truth about the Nice Heist, trong đó ông ta nhận là chủ mưu vụ trộm năm 1976 và nói Albert chỉ đóng vai trò nhỏ.

Jacques không bị truy tố cho tội ác năm xưa vì quá thời hạn theo luật của Pháp. Tuy nhiên, ông ta bị bắt vì tình nghi rửa tiền, sử dụng số tiền thu được từ vụ trộm để tài trợ cho các dự án kinh doanh ở Marseilles và Corsica.

Vụ trộm ngân hàng ở Nice trở thành đề tài cho nhiều tác phẩm nghệ thuật như cuốn sách Cinq Milliards au bout de l'égout (1977), được dịch sang tiếng Anh với tên The Heist of the Century năm 1978. Đạo diễn người Anh Francis Megahy sản xuất phim điện ảnh The Great Riviera Bank Robbery, còn được biết đến với tên Dirty MoneySewers of Gold, ra mắt năm 1979.

Tuệ Anh (Theo Nytimes, Guardian)

Xem thêm: lmth.1695254-aig-hna-peihn-cob-ov-ioud-yk-eht-mort-uv-uum-uhc-ek/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Siêu trộm ngân hàng dưới vỏ bọc nhiếp ảnh gia”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools