Cuối quý III - giai đoạn xuất hiện tình trạng nhiều trạm xăng treo biển hết hàng và than khó nhập, cả nước chỉ có 19 trên tổng số 33 doanh nghiệp đầu mối được nhập khẩu xăng dầu.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương mới đây kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhất là 4 doanh nghiệp: Xuyên Việt Oil, Nam Sông Hậu, Dầu khí Đồng Tháp và Hải Hà được thông quan xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho thị trường trong nước.
Phàn hồi Bộ Công Thương ngày 21/10, Bộ Tài chính cho biết, Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đang có nợ thuế quá hạn với số tiền cưỡng chế 684 tỷ đồng. Do đó, Cục Thuế TP HCM đã đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng thủ tục với công ty này.
"Như vậy, việc dừng làm thủ tục đối với công ty này để đảm bảo tránh nguy cơ thất thu thuế của nhà nước theo đúng quy định pháp luật về quản lý thuế", Bộ Tài chính cho biết.
Xuyên Việt Oil cũng là một trong 7 doanh nghiệp đầu mối bị Bộ Công Thương tạm tước giấy phép kinh doanh xăng dầu từ cuối tháng 7 trong 1,5 tháng và đã được cơ quan quản lý trả lại giấy phép kinh doanh từ giữa tháng 9.
Với Công ty Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp này hiện vẫn chưa đáp ứng điều kiện lắp đặt thiết bị nên không đủ điều kiện để nhập khẩu.
Theo quy định tại Nghị định số 67/2020 sửa đổi, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập khẩu đến 10/8 phải trang bị và kết nối thiết bị đo mức bồn bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất/nhập/tồn kho với cơ quan hải quan. Để chuẩn bị cho việc lắp đặt và kết nối thiết bị đo mức bồn bể tự động, các thương nhân có hai năm để thực hiện.
Riêng Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp và Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà, Bộ Tài chính cho biết hai công ty này không phát sinh vướng mắc. Nhưng với kiến nghị của Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà về việc được sử dụng chứng thư chất lượng do nhà cung cấp cấp đi theo tàu nhập khẩu để xem xét thông quan là không phù hợp với quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Xăng dầu là mặt hàng nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan và cơ quan kiểm tra là Cục quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Như vậy, các vướng mắc nêu trên của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là do chưa thực hiện đúng, đủ các quy định, Bộ Tài chính cho biết. Bộ này đề nghị Bộ Công Thương ý kiến với các công ty khẩn trương thực hiện các quy định...
Thời gian qua, tình trạng thiếu xăng dầu đã xảy ra tại một số cửa hàng ở TP HCM và các tỉnh miền Tây. Theo Sở Công Thương TP HCM, những cây xăng này bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép hoặc không nhập được hàng. Điển hình như Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa bị dừng hoạt động nhập khẩu từ cơ quan chức năng nên lượng xăng dầu cung ứng cho thị trường giảm.
"Tại Xuyên Việt Oil, trước đây mỗi tháng nhập khẩu 100.000-200.000 m3 xăng nhưng nay họ tạm ngưng nhập. Hiện, Sở cũng vẫn điều động các đầu mối cưng ứng thêm cho các đại lý khác", lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM nói.
Nguyên nhân khác theo chia sẻ của Bộ Công Thương ngày 19/10, vẫn xuất phát từ các lý do như nguồn cung thế giới khan hiếm, các chi phí kinh doanh xăng dầu (nhất là chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam) tăng mạnh từ cuối năm 2021 đến nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng do không đủ hạn mức tín dụng và ngoại tệ nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định...
Trước tình trạng căng thẳng nguồn cung, Đại diện Petrolimex hôm nay cho biết tập đoàn này đã lên kế hoạch và mua đủ nguồn hàng bảo đảm khoảng 80% nhu cầu của tháng 11. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng các nhà cung cấp để mua cho nhu cầu còn lại trong năm 2022.
Tại buổi khảo sát Tổng kho xăng Nhà Bè sáng nay, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho rằng để việc quản lý và điều hành hoạt động nhập khẩu, phân phối, lưu thông xăng dầu được thông suốt cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của nhiều Bộ, ngành và các chính quyền địa phương, trong đó việc quản lý hệ thống trên 17.000 cửa hàng bán lẻ trong cả nước có vai trò đặc biệt quan trọng.
Hiện Bộ Tài chính cũng cho biết đã đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí đưa hàng từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, các khoản chi phí kinh doanh...
Bên cạnh đó, Bộ này cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp cung cấp thêm các thông tin số liệu cụ thể và có đánh giá làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí trên sau khi đã được điều chỉnh, gửi lại Bộ Tài chính trước 25/10.
Quỳnh Trang - Thi Hà