Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Dương, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), 9 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra 25 vụ sự cố lưới điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA).
Nhiều người dân chủ quan, bỏ qua nhưng quy định về hành lang an toàn lưới điện cao áp nên đã để xảy ra các sự cố điện. Ảnh: LA |
Bên cạnh đó, còn có 11 vụ tai nạn điện trong dân làm 6 người chết và 6 người bị thương. Trong đó, có đến 9 vụ tai nạn điện là do vi phạm HLATLĐCA.
Mới đây, ngày 7-10 tại khu vực phường Tân Định (thị xã Bến Cát), một công nhân điều khiển xe cần cẩu đưa cống thoát nước từ trên thùng xe xuống đất đã để cần cẩu chạm vào đường dây 110kV 179 Tân Định -172.
Rất may sự cố không gây thiệt hại về người nhưng gây mất điện trên diện rộng, đơn vị điện lực phải huy động lực lượng khắc phục sự cố khẩn cấp.
Ông Phan Thanh Phong, Trưởng phòng An toàn - Công ty Điện lực Bình Dương cho biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương có rất nhiều vụ việc vi phạm HLATLĐCA dẫn đến tai nạn điện, sự cố lưới điện làm mất điện trên diện rộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ngành điện phải mất nhiều thời gian, công sức để khắc phục.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành lưới điện mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
Theo ông Phong, ngành điện đã tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, điện lực còn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định đến với người dân nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm.
Ông Phong cho biết thêm, để xảy ra sự cố điện có thể nguy hiểm đến tính mạng, theo Nghị định 17/2022, người vi phạm có thể truy cứu tránh nhiệm hình sự hoặc nhẹ hơn sẽ bị xử phạt hành chính từ 60 đến 70 triệu đồng.