Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo và đến năm 2045 phát triển nhanh, bền vững với thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.
Nhìn rõ hạn chế, yếu kém
Theo Nghị quyết, Mường Lát có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống là Mông, Thái, Dao, Mường, Kinh, Khơ Mú.
Hiện Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước bởi kinh tế phát triển chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là tự cung, tự cấp, hiệu quả kinh tế rừng thấp, còn tình trạng người dân đốt rừng, phá rừng làm nương rẫy.
Quy mô sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, dịch vụ thương mại chậm, thu ngân sách trên địa bàn rất thấp. Hạ tầng còn thiếu và yếu kém, các công trình đầu tư dàn trải, dở dang, kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực.
Chất lượng giáo dục thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, trong khi giảm nghèo chưa bền vững và đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. An ninh trật tự trên địa bàn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định, tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp.
Mường Lát vẫn chưa thoát nghèo vì là huyện miền núi cao, địa hình phức tạp, chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nhiều nơi đất đai bạc màu.
Trận lũ lịch sử năm 2018-2019, khiến Mường Lát thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng. Ảnh: BÌNH NGUYỄN |
Đặc biệt đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự ti, cam chịu. Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế về kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm.
Các cấp ủy đảng, chính quyền chưa chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt để tìm ra hướng phát triển sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở địa phương giữa lúc nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH còn hạn chế và tập quán, trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu.
8 năm nữa Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo
Nghị quyết 11 của Ban thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo và tầm nhìn đến năm 2045 thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 10,2% trở lên, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.500 tỷ đồng trở lên, thu ngân sách bình quân hàng năm đạt 5% trở lên, lập mới 25 doanh nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 7% trở lên.
Đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt từ 25 triệu đồng, có 2 xã và có thêm 20 bản đạt chuẩn nông thôn mới, lao động qua đào tạo đạt 50% trở lên và trường chuẩn quốc gia đạt 40% trở lên.
Mục tiêu đưa Mường Lát phát triển toàn diện, đến năm 2045 thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát bằng bình quân các huyện miền núi Thanh Hóa. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 11,5% trở lên, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.900 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm đạt 5% trở lên và tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hàng năm đạt 80%.
Đến 2030 thu nhập bình quân đầu người từ 35 triệu đồng trở lên, đường giao thông cứng hóa đạt 100%, tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% và có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (1 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 2 bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu).
Lao động qua đào tạo đạt 75% trở lên, trường chuẩn quốc gia đạt 70% trở lên, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 25%, dân số tham gia bảo hiểm y tế trên tổng số dân đạt 95% trở lên và tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn đạt 80%. Mục tiêu đến năm 2045, các chỉ tiêu KT-XH, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Phải bỏ được tư tưởng trông chờ ỷ lại
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, Mường Lát đã hồi sinh sau hai trận lũ lịch sử chưa từng có khiến nhiều bản làng bị xóa sổ, thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Bình, trong 9 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 8,3, bằng 118,5% và chỉ tiêu tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 500/450 tỷ đồng, bằng 111,11%.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 132,9% so với kế hoạch của huyện và 142,6% so với dự toán tỉnh giao.
9 tháng đầu năm 2022, Mường Lát có bước phát triển mạnh mẽ ở lĩnh vực trồng trọt. Ảnh: ĐẶNG TRUNG |
Ngoài ra, Mường Lát cũng đã có bước tiến ở lĩnh vực trồng trọt giá trị sản xuất ước đạt 136,6 tỷ đồng tăng 3%, chăn nuôi 26 tỷ đồng tăng tăng 12,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng ước đạt 276,2 tỷ đồng tăng 7,3%; thương mại dịch vụ 327,7 tỷ đồng, tăng 11,6% và thành lập mới 5 doanh nghiệp đạt 100% kế hoạch của tỉnh giao.
Trao đổi với PLO sau khi kỳ họp lần thứ 17 Ban chấp hành Đảng bộ huyện Mường Lát vừa kết thúc, ông Hà Văn Ca Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát cho biết Mặc dù Mường Lát đã có bước hồi sinh mạnh mẽ sau lũ lịch sử nhưng lãnh đạo các phòng, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể vẫn còn ít xuống cơ sở.
Bí thư Huyện ủy Mường Lát (Thanh Hóa) ông Hà Văn Ca. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Trong khi đó vẫn còn cán bộ bị kỷ luật đến mức phải xử lý và một số cán bộ vi phạm các chế độ chính sách của nhà nước.
"Mường Lát thoát nghèo được thì trước tiên một bộ phận cán bộ, người dân phải bỏ được tư tưởng trông chờ ỷ lại”, ông Ca khẳng định.