Việc gia tăng công suất điện gió và năng lượng mặt trời đã tiết kiệm cho Liên minh châu Âu (EU) hàng tỷ USD, khoản tiền đáng lẽ phải chi cho nhập khẩu khí đốt.
Theo một nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu E3G và Ember, năng lượng sạch đáp ứng 24% nhu cầu năng lượng của EU từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2022, mức cao nhất từ trước đến nay trong giai đoạn 6 tháng.
Chỉ riêng công suất gió và năng lượng mặt trời gia tăng trong giai đoạn đó đã tương đương với 8 tỷ mét khối khí đốt nhập khẩu trị giá 11 tỷ euro (10,75 tỷ USD).
Artur Patuleia, đồng tác giả của nghiên cứu và là cộng sự cấp cao tại E3G cho biết: “Việc hỗ trợ các mục tiêu năng lượng tái tạo mang lại lợi thế kinh tế vĩ mô và kinh tế xã hội. Năng lượng tái tạo làm giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch giá cao và sẽ được mọi người sử dụng lâu dài”.
Tại EU, sản xuất năng lượng tạo ra hơn 3/4 lượng khí nhà kính làm ấm hành tinh. Do đó, việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lưới điện của EU là một phần thiết yếu trong nỗ lực loại bỏ lượng khí thải carbon vào giữa thế kỷ này.
EU hiện đang đặt mục tiêu tạo ra 40% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Theo chiến lược REPowerEU, Ủy ban và Nghị viện EU đang thúc đẩy nâng con số đó lên 45%. Sự phê chuẩn cuối cùng bây giờ phụ thuộc vào từng thành viên của khối đồng ý với mục tiêu cao hơn.
Patuleia nói: “Phát thải ròng bằng 0 là một công cụ phù hợp với tham vọng an ninh giá cả và năng lượng của Châu Âu”.
Theo báo cáo, tổng công suất gió và năng lượng mặt trời được lắp đặt tại 27 quốc gia trong khối tương đương với 70 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2022. Con số đó tương đương với 99 tỷ euro (96 tỷ USD) chi phí khí đốt.
Tổng cộng có 19 quốc gia đạt được lượng năng lượng gió và năng lượng mặt trời kỷ lục, trong đó có Ba Lan, với mức tăng 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tây Ban Nha đã tạo ra nhiều hơn 7,4 terawatt-giờ so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng sản lượng điện lớn nhất trong số các nước EU.
Năng lượng tái tạo cũng giúp bù đắp việc cắt giảm 21% sản lượng thủy điện và giảm 19% công suất điện hạt nhân. Cả hai đều do mực nước ở các sông và hồ chứa thấp khi hạn hán càn quét hầu hết Bắc bán cầu vào mùa hè này. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại World Weather Attribution cho thấy biến đổi khí hậu đã làm cho những đợt hạn hán này có nguy cơ xảy ra cao hơn khoảng 20 lần.
Theo Bloomberg