vĐồng tin tức tài chính 365

Vì sao nới room tín dụng nhưng tăng trưởng không quá 14%?

2022-10-23 16:32

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong năm nay, NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, không nới thêm để ổn định lãi suất, thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, để điều hành chính sách tiền tệ nói chung, NHNN phải giải bài toán với nhiều yếu tố khác nhau, mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Room tín dụng bổ sung cho một số ngân hàng thương mại được phân bổ rải đều ở mức 0,7% - 4%, tùy theo xếp hạng của từng ngân hàng dựa trên tiêu chí về an toàn vốn, thanh khoản, chất lượng điều hành cũng như đạt kết quả về hoạt động kinh doanh, việc thực hiện chỉ đạo của NHNN về giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém...

Vì sao nới room tín dụng nhưng tăng trưởng không quá 14%?

Tuy đã nới room tín dụng nhưng NHNN vẫn kiên định duy trì tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%. Xét theo lĩnh vực cho vay cho thấy nhu cầu vay mua bất động sản đang dẫn dắt dòng chảy tín dụng, trong khi đó, cho vay đến các nhà phát triển bất động sản bị hạn chế bởi chính sách. Nhu cầu vốn cho hoạt động thương mại trở lại mạnh mẽ, các lĩnh vực còn lại có ghi nhận sự phục hồi về nhu cầu tín dụng nhưng chậm hơn. Dựa vào bức tranh tín dụng chung và triển vọng phục hồi của nền kinh tế, nhiều tổ chức kinh tế đánh giá nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn sẽ ở mức cao.

Việc siết room tín dụng trong phần lớn thời gian của quý III và quý cuối năm phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và mở rộng của các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng: “NHNN điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng thương mại phù hợp, kịp thời, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng rà soát, xem xét, đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, có phương án kinh doanh”.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng: Trong hơn 10 năm qua, việc ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng rất cao, ở mức trên 30%. Nhưng trong 10 năm trở lại đây, NHNN đã cố gắng điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 12 - 14%. Nếu nới lỏng hơn thì áp lực lên tỷ giá sẽ lớn, tạo nguy cơ chảy máu vốn. Tăng tín dụng lên 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt.

“Đây là một quyết định rất thận trọng, tăng cho một số ngân hàng cụ thể nhưng vẫn kiên định với mục tiêu 14% so với mục tiêu ban đầu. NHNN nhận thấy không có ổn định vĩ mô, không có ổn định của hệ thống tài chính, đặc biệt là hệ thống ngân hàng thì không thể phát triển bền vững được. Nếu chúng ta quá thận trọng trong tăng trưởng tín dụng thì doanh nghiệp sẽ gặp khó trong tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm” - chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Văn Công nhận định.

TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, NHNN cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng. NHNN không nên quá lo ngại về lạm phát mà siết thị trường tín dụng, trong khi có thể tận dụng được cơ hội phục hồi.  Nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay được nhận định sẽ tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.

Hơn nữa, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay hoàn toàn trong khả năng kiểm soát, trong khi dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn. Đây là các yếu tố khiến NHNN có thể yên tâm hơn khi xem xét nới room tín dụng.

“Năm nay tín dụng tăng trưởng tương đối nhanh, so với năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, năm nay nhu cầu về vốn tương đối lớn khi kinh tế phục hồi, giá cả tăng, cơ hội mới cũng xuất hiện nhiều hơn liên quan đến đầu tư, tiêu dùng. Chúng ta cần hiểu bối cảnh kinh tế của năm nay khác với các thời kỳ khác, nhu cầu vốn của doanh nghiệp cần là chính đáng”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh một trong những yêu cầu cao nhất lúc này là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. NHNN đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% từ đầu năm, đến giữa tháng 9, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10.47%.  Với hạn mức còn lại, NHNN phân bổ cho những tổ chức tín dụng hoạt động tốt, lành mạnh, có các hệ số an toàn cao. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện thuộc nhóm cao nhất thế giới khi chiếm đến 124%.

Nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng Việt Nam lên 2,5 lần GDP sẽ dẫn đến bất ổn kinh tế. Vì vậy, mức tăng trưởng tín dụng phải được tính toán thận trọng, ở mức phù hợp, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô./.

Xem thêm: lmth.58351000042210202-41-auq-gnohk-gnourt-gnat-gnuhn-gnud-nit-moor-ion-oas-iv/nv.semitaer

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Vì sao nới room tín dụng nhưng tăng trưởng không quá 14%?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools