Thầy trò Trường THCS Văn Lang dâng hương, dâng hoa tại bia tưởng niệm sự kiện nhân dân khu Xóm Chùa giành chính quyền năm Mậu Thân 1968, bia tưởng niệm nằm đối diện Trường Văn Lang
Sáng 24-10, hơn 40 học sinh lớp 7/4 Trường THCS Văn Lang (quận 1, TP.HCM) đã không ngồi học trong lớp như mọi ngày.
Các em được ba giáo viên gồm cô Đoàn Thị Nguyệt (môn ngữ văn), cô Nguyễn Ngô Anh Huyền (môn lịch sử và địa lý) và cô Nguyễn Thị Phương Thanh (môn giáo dục công dân) dẫn đi thăm "địa chỉ đỏ", là các căn cứ hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn ở phường Tân Định.
Vì các "địa chỉ đỏ" nằm ngay trên địa bàn nhà trường trú đóng nên thầy trò Trường THCS Văn Lang đã chọn cách di chuyển tiết kiệm nhất là đi bộ.
Sau khi dâng hương, dâng hoa tại bia tưởng niệm sự kiện nhân dân khu Xóm Chùa giành chính quyền năm Mậu Thân 1968, học sinh di chuyển qua quán cà phê - cơm tấm Đỗ Phủ (đường Đặng Dung, quận 1).
Được tận mắt chứng kiến chỗ cất giấu tài liệu mật trong căn bếp nhỏ xíu, được nghe thuyết minh về căn hầm nổi trong quán cà phê, nhiều em học sinh đã thốt lên "Hay quá", "Sáng tạo quá!", "Các cô chú ngày xưa quá thông minh"...
Học sinh Minh Anh không giấu được sự ngạc nhiên: "Nhà em ở gần đây nè. Ngày nào em cũng đi ngang quán cà phê này mà không biết đây là một di tích lịch sử, bên trong chứa rất nhiều điều bí mật và thú vị".
Đặc biệt, khi bước vào Bảo tàng tình báo Biệt động Sài Gòn (đường Trần Quang Khải, quận 1), gần như cả lớp 7/4 đều "ồ" lên khi thấy căn cứ của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn là một căn phòng chật hẹp với bề ngang chỉ hơn 2m.
Nhưng rồi các bạn nhỏ lại "ồ" lên nhiều lần nữa khi được trải nghiệm đi thang máy cổ (theo thuyết minh viên ở bảo tàng thì thang máy này được lắp đặt từ những năm 1960) để lên lầu.
Không gian bí mật trên lầu mới thực sự làm cho các học sinh choáng ngợp bởi diện tích rộng gấp nhiều lần căn phòng ở tầng trệt với đầy đủ phòng làm việc, hội họp, phòng chứa vũ khí, nơi cất giấu tài liệu...
Học sinh tranh thủ chụp hình, ghi chép về các loại dụng cụ được sử dụng trong thời kháng chiến chống Mỹ tại Bảo tàng tình báo Biệt động Sài Gòn
Sau khi tham quan, tìm hiểu nơi trưng bày những hiện vật của lực lượng Biệt động Sài Gòn, tìm hiểu lịch sử của lực lượng này qua thuyết minh viên và công nghệ thực tế ảo, các học sinh có 15 phút để thảo luận nhóm (lớp 7/4 được chia làm ba nhóm với những nhiệm vụ cụ thể do giáo viên bộ môn giao từ trước khi đi thực tế) rồi thuyết trình ngay tại bảo tàng.
Trong bài thuyết trình của mình, học sinh Ngọc Anh cho biết: "Chúng em đã có một buổi sáng trải nghiệm thật ý nghĩa, những địa chỉ đỏ ở gần nơi sinh sống và học tập của mình đã đưa chúng em đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác".
Học sinh Cát Tường còn ngẫu hứng làm một bài thơ bày tỏ sự cảm phục đối với thế hệ cha anh đi trước, em nói: "Đi thăm các 'địa chỉ đỏ', em thực sự ngưỡng mộ sự dũng cảm, sáng tạo của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Em rất tự hào khi được tận mắt nhìn thấy đường hầm trong tủ áo quần thông ra ba con đường khác nhau, cách truyền thông tin qua hai cây tăm... Trong thời kỳ chiến tranh đầy gian khó, các thế hệ cha anh phải có một động lực rất lớn lao, phải có một ý chí quyết tâm rất lớn mới có thể nghĩ ra và làm được như vậy. Em hiểu đó là ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc".
Những ánh mắt đầy ngạc nhiên của học sinh khi nghe thuyết minh về hoạt động của chiến sĩ biệt động Sài Gòn
Học sinh xem phim tư liệu tại Bảo tàng tình báo Biệt động Sài Gòn (đường Trần Quang Khải, quận 1)
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thầy Trần Ngọc Lâm, hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang, thông tin: "Hoạt động của lớp 7/4 sáng 24-10 là một trong những hoạt động nằm trong chương trình thay đổi không gian lớp học theo hướng trải nghiệm của Trường Văn Lang năm học 2022-2023. Nhận thấy địa bàn phường Tân Định có khá nhiều "địa chỉ đỏ" có thể giảng dạy tích hợp liên môn nên nhà trường triển khai cho tất cả các khối từ lớp 6 đến lớp 9 đến học tập".
Theo thầy Lâm, tùy từng chương trình của từng khối lớp, các giáo viên bộ môn sẽ kết hợp giảng dạy liên môn sao cho phù hợp với chương trình mà học sinh đang học. Mỗi lần đi thực tế là một lớp chứ không đi nguyên một khối vì đông quá, khó đảm bảo hiệu quả giáo dục.
Trước khi cho học sinh đi thực tế, giáo viên bộ môn sẽ hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu kiến thức trên mạng; chia nhóm, phân công nhiệm vụ cho các em; tạo Padlet cho học sinh thực hiện lưu trữ hồ sơ...
Được biết, buổi trải nghiệm đi thăm "địa chỉ đỏ" của học sinh lớp 7/4 sẽ được lấy điểm kiểm tra thường xuyên qua hai cột điểm, giáo viên ngữ văn, lịch sử và địa lý, giáo dục công dân sẽ chấm điểm thông qua thái độ học tập, thảo luận, bài thuyết trình, bài cảm nhận...
Sau khi đi thực tế, các học sinh có 15 phút thảo luận rồi thuyết trình ngay tại Bảo tàng tình báo Biệt động Sài Gòn
Các học sinh ngạc nhiên về "căn hầm nổi" phía dưới tủ quần áo trong quán cà phê Đỗ Phủ
Học sinh và giáo viên lớp 7/4 thích thú chụp hình kỷ niệm phía trước quán cà phê Đỗ Phủ. Nhiều em bộc bạch "Chỗ này em đi ngang hoài mà không biết đó là một di tích lịch sử"
TTO - "Một ngày trải nghiệm thật vui, không chỉ biết thêm những kiến thức mà em còn được trải nghiệm tự gói các thang thuốc truyền thống", Cheng Ting (11 tuổi, người Trung Quốc) nói.
Xem thêm: mth.54482354142012202-nog-ias-gnod-teib-uc-nac-o-us-hcil-coh-uht-hciht-hnis-coh/nv.ertiout