Lượng tiền giao dịch chứng khoán trong thời gian gần đây liên tục sụt giảm mạnh, cách xa những phiên 1 - 2 tỉ USD vào năm trước - Ảnh: BÔNG MAI
VN-Index từng vượt mốc 1.000 điểm vào năm 2007, sau đó giảm sâu, mãi đến năm 2020 mới trở lại mốc này, song đến phiên 24-10 đã bị xuyên thủng.
Chứng khoán rớt thành quả 15 năm
Các tin đồn liên quan đến lãi suất ngân hàng, hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... liên tục bị lan truyền trong các nhóm chat về chứng khoán khiến tâm lý bất an của nhà đầu tư càng dâng cao hơn.
Đến gần cuối phiên, áp lực bán càng diễn ra mạnh hơn, bên bán chiếm áp đảo so với bên mua, có lúc giảm hơn 40 điểm. Hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn bị nhà đầu tư bán ra, kéo thị trường chứng khoán càng sụt giảm mạnh hơn.
Sắc xanh tăng trưởng chỉ xuất hiện ở một số ít cổ phiếu thuộc nhóm ngành "phòng thủ" như SAB (Sabeco), PGV (Tổng công ty Phát điện 3), DGC (Hóa chất Đức Giang), HAG (Hoàng Anh Gia Lai)...
Xét theo lĩnh vực kinh doanh, chỉ số tất cả các ngành đều bị giảm điểm, trong đó giảm nhẹ nhất là ngành dịch vụ tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu. Các nhóm giảm mạnh từ 3 - 6% gồm bất động sản, năng lượng, tài chính, công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin...
Khép lại phiên giao dịch, chỉ số VN-Index chính thức giảm 33,67 điểm, lùi về 986,15 điểm. Sắc đỏ giảm điểm cũng bủa vây cả sàn HNX và sàn UpCOM, khi mất lần lượt 7,91 điểm (xuống 209,5 điểm) và 2,12 điểm (xuống còn 76,45 điểm).
Chứng khoán còn nhiều rủi ro
Theo nhiều chuyên gia, việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm còn đến từ diễn biến vào sáng 24-10 khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng mạnh giá bán USD tại sở giao dịch từ 24.380 đồng lên mức 24.870 VND/USD.
Trong bối cảnh tỉ giá căng thẳng, về nguyên lý, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam để mang tiền về các nước phát triển như Mỹ nhằm hưởng lợi từ việc đồng USD tăng.
Riêng trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE), nhà đầu tư nước ngoài đã quay đầu bán ròng 128 tỉ đồng trong tuần qua sau khi mua ròng hơn 2.640 tỉ đồng trong tuần giao dịch trước đó. Ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán VNDirect - nhận định việc tỉ giá căng thẳng là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại quay đầu bán ròng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước.
TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM) - cho rằng thị trường chứng khoán đang bị áp lực rất lớn bởi nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là các tin đồn tiêu cực liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản và bản thân sức khỏe của những doanh nghiệp trong ngành này cũng đang yếu.
Cuối năm 2022 là thời điểm hàng loạt công ty bất động sản lớn nhỏ đang chuẩn bị đáo hạn trái phiếu, mỗi doanh nghiệp đều phải chi ra từ vài ngàn đến vài chục ngàn tỉ đồng. Bối cảnh hiện tại khó có thể phát hành trái phiếu mới để đáo hạn trái phiếu cũ, vay ngân hàng cũng bị siết chặt. Chưa kể thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp bất động sản đã cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí vận hành, đồng thời bán hạ giá các dự án song lại bán không được nhiều.
Tiếp đến, ông Huân nhận định thị trường chứng khoán hiện nay không còn nhiều lực đẩy nữa. Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh, lãi suất ngân hàng chỉ ở mức 2 - 3%/năm, nay lãi gửi tiết kiệm quanh mốc 9 - 10%/năm, nên nhiều người dân tập trung gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư mới gia nhập thị trường lại sụt giảm. Khối ngoại lại bán ròng, khiến thanh khoản thị trường chứng khoán càng teo lại.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có một ít điểm sáng nhất định, như tăng trưởng GDP đạt mức khoảng 8% vào năm 2022, lạm phát kiểm soát dưới mức 4%. Bộ phận phân tích của VNDirect kỳ vọng áp lực lên tỉ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể, VND có thể sẽ hồi phục tăng giá 1 - 2% so với USD.
Ngành nông nghiệp chịu áp lực
Chuyên phân phối các hạt giống nhập khẩu như khổ qua tây cao sản, bí xanh, cải xanh, cải xanh Dongdong Hàn Quốc..., chị Nguyễn Thị Lam (một nhà phân phối ở TP Thủ Đức, TP.HCM) cho hay từ đầu tháng 10, giá hạt giống nhập khẩu đã tăng lên 5.000 đồng/bịch.
Nhưng đầu tháng 11, các đơn vị nhập hàng nói USD tăng giá nên họ tăng giá bán ra, chúng tôi cũng phải tăng lên mới có lời. Mức giá tăng lên khoảng 8.000 - 10.000 đồng/bịch tùy theo loại hạt giống.
Theo kế toán trưởng của một công ty (trên đường Bạch Đằng, quận Tân Bình, TP.HCM) chuyên kinh doanh các loại nguyên phụ liệu thuốc thú y, thuốc thủy sản và thức ăn chăn nuôi, khi USD tăng, công ty nhập hàng với mức chi phí cao hơn trước vì phải quy đổi từ VND sang USD để thanh toán.
"Công ty hay nhập nguyên liệu hay các phụ gia thức ăn chăn nuôi, gia cầm, gia súc, thủy sản từ Trung Quốc. Bình thường lô hàng nhập tính ra 30 tỉ đồng, giờ phải lên 31 - 31,5 tỉ đồng", vị này nói.
Đại diện một công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp ở tỉnh miền Trung, đang nhập phân bón DAP, phân bón SA và "dính" vài lô hàng chưa thanh toán từ Nhật, tính toán: "Một lô hàng chúng tôi nhập khoảng 8.000 tấn. Với tỉ giá hiện tại, mỗi lô chúng tôi phải trả thêm hơn 1 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá. Sắp tới, những phân bón nhập khẩu bắt buộc doanh nghiệp cộng thêm giá".
Cơ hội cho sản xuất nội địa
Thực phẩm nhập khẩu cũng là mặt hàng có giá "nhảy nhót" theo giá tăng của tỉ giá. Một cửa hàng ở đường Nguyễn Hữu Cầu (quận 1, TP.HCM) chuyên bán thịt đông lạnh nhập khẩu từ các nước Đức, Ba Lan, Canada... cho hay khi giá USD tăng thì giá cũng tăng lên.
Chị Lan, nhân viên cửa hàng, cho hay với thực phẩm thịt bò, heo có hạn sử dụng trước tháng 11 sẽ giữ nguyên giá cũ, nhưng hàng mới đóng gói từ tháng 11 sẽ điều chỉnh tăng 12.000 - 15.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc tăng giá USD khiến hàng nhập khẩu đắt hơn cũng là cơ hội cho sản xuất trong nước. Nếu hàng Việt giữ chi phí hợp lý, chất lượng thì sẽ có nhiều cơ hội tăng sức cạnh tranh và khả năng bán hàng trong lúc hàng ngoại nhập trở nên đắt đỏ hơn.
Giá USD ngân hàng tăng kịch trần lên 24.885 đồng/USD
Sáng 24-10, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng mạnh giá bán USD tại sở giao dịch từ 24.380 đồng lên mức 24.870 VND/USD (tương đương tăng 490 đồng, mức điều chỉnh mạnh nhất trong nhiều năm qua).
Trên thị trường chính thức, tỉ giá USD được bốn ngân hàng có cổ phần nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank niêm yết chung mức giá bán ra là 24.885 đồng/USD. Như vậy, mức bán ra USD đã kịch trần cho phép.
Còn mức giá mua vào được các ngân hàng niêm yết xoay quanh 24.600 - 24.635 đồng/USD, tùy theo ngân hàng và hình thức thanh toán là chuyển khoản hay tiền mặt.
Như vậy so với hồi đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã nâng giá bán USD tới sáu lần. Tính trong một tháng qua, đây là lần thứ tư liên tiếp giá USD tăng. Tính từ đầu năm đến nay, VND đã "mất giá" khoảng 7,4% so với USD (tương đương 1.720 VND).
Trong khi đó, sau khi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra các điểm thu đổi ngoại tệ, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 24-10, nhiều tiệm vàng và đại lý thu đổi ngoại tệ tại TP.HCM lập tức đối phó.
Một đại lý thu đổi ngoại tệ trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) trước đó vẫn báo giá mua bán qua điện thoại thì ngày 24-10 chỉ báo giá mua vào, không báo giá bán ra. Lý do là theo quy định các đại lý thu đổi ngoại tệ này chỉ được thu mua USD và bán lại cho ngân hàng chứ không được bán lại cho người dân. Do sợ bị xử lý nên họ chỉ báo giá và giao dịch với khách quen.
Tuy nhiên, giá mua vào của các điểm thu đổi lên đến 25.050 đồng/USD.
A.HỒNG
TTO - Vốn hóa sàn chứng khoán TP.HCM bị 'bốc hơi' hơn 134.200 tỉ đồng (5,4 tỉ USD) chỉ trong phiên giao dịch hôm nay 24-10. Chỉ số VN-Index chính thức thủng mốc 1.000 điểm - để vươn lên mốc này VN-Index đã phải nỗ lực 13 năm ròng (2007-2020).
Xem thêm: mth.47280947052012202-nart-hcik-aig-it-aul-oahc-naohk-gnuhc/nv.ertiout