Sáng 25/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc sửa đổi Luật nhằm khắc phục những vướng mắc của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Cụ thể, dự thảo Luật sẽ khắc phục việc hạn chế một số lĩnh vực áp dụng giao dịch điện tử trong Luật có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong những lĩnh vực này.
Ngoài ra là, khắc phục việc thiếu quy định về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại, trong khi đây là một nhu cầu rất lớn trong xã hội cần có hành lang pháp lý cụ thể. Bên cạnh đó khắc phục việc thiếu các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; thiếu quy định về việc tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước…
Dự thảo Luật cũng sẽ khắc phục việc thiếu các quy định về trách nhiệm của các chủ quản nền tảng số, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
"Mục đích của việc sửa luật cũng nhằm ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Cũng theo ông Hùng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã loại trừ, không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã bỏ loại trừ của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội.
"Việc mở rộng này dựa trên cơ sở hiện nay công nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn, tin cậy, đáp ứng được yêu cầu đặt ra và bổ sung quy định pháp lý về dịch vụ tin cậy trong Luật", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin.
Cùng với việc loại trừ, tại Điều 1 về Phạm vi áp dụng cũng bổ sung 1 khoản quy định rõ "Luật này không quy định về nội dung của các giao dịch. Luật khác quy định giao dịch không thực hiện bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của Luật đó".
Như vậy, việc mở rộng cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử, nhưng không hàm ý bắt buộc. Các lĩnh vực chưa phù hợp áp dụng giao dịch bằng phương tiện điện tử theo quy định của luật chuyên ngành liên quan thì áp dụng theo quy định tại luật đó.
Bí mật cá nhân, gia đình có nguy cơ lộ, lọt
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban này tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Theo ông Huy, pháp luật của một số quốc gia đã mở rộng phạm vi điều chỉnh giao dịch điện tử đối với nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh vì cho rằng sẽ tạo thêm áp lực đối với nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện nay, vẫn có nhiều nước chưa áp dụng việc thực hiện giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực (đặc biệt như đất đai, thừa kế).
Việc cấp trực tiếp một số giấy tờ như đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn… thông qua mạng có thể không thể hiện được ý chí của các bên liên quan khi tham gia giao dịch. Một số giấy tờ sử dụng trong giao dịch điện tử mang thông tin liên quan "đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình" có nguy cơ lộ, lọt, bị chiếm đoạt, vi phạm Hiến pháp.
Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử từ người dân và doanh nghiệp gửi. Không từ chối hoặc yêu cầu bổ sung bản giấy hoặc nghiên cứu bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử (Điều 8).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Liên quan đến dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử, báo cáo thẩm tra cho biết cùng với việc sử dụng chữ ký điện tử đang tồn tại một số biện pháp xác thực khác như tin nhắn điện tử (SMS), xác nhận mật khẩu dùng một lần (OTP), Token OTP, sinh trắc học (eKYC)...
"Do đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định tạo cơ sở pháp lý cho các xác thực này với vai trò như chữ ký điện tử", báo cáo thẩm tra nêu.
Về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, báo cáo thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc về công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử để làm khung pháp lý cho các hoạt động này và đây cũng là căn cứ để sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng và các văn bản pháp luật có liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!