Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Ảnh: PHẠM THẮNG
Sáng 25-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi). So với dự luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo lần này đã được chỉnh lý 111/118 điều, trong đó 102 điều chỉnh lý về nội dung, 9 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản.
Tuyên thệ của thanh tra viên không cần thiết
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến đại biểu cần có quy định cụ thể ngạch, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm thanh tra viên, thống nhất quy trình bổ nhiệm, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đối với đề nghị bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ của thanh tra viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội chỉ có bốn chức danh phải tuyên thệ sau khi được bầu là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Do đó đề nghị không quy định về thủ tục tuyên thệ của thanh tra viên.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói rằng quy định tuyên thệ với thanh tra viên là không cần thiết, "không mang tính chất tuyên thệ, có khi lại phản tác dụng".
Nêu ý kiến về thanh tra sở, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) tán thành với quy định trong dự thảo luật phân cấp cho UBND tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở. Tuy nhiên bà đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc về các trường hợp thành lập thanh tra sở.
"Nên chăng cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, điều kiện được thành lập tổ chức thanh tra sở để tạo sự thống nhất chung trong toàn quốc. Bởi với quy định như trong dự thảo sẽ dẫn đến sự tùy nghi cùng một chức năng, nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý nhà nước nhưng mỗi địa phương lại có một mô hình khác nhau", bà Tâm nêu.
Báo cáo giải trình, tiếp thu cũng nêu việc để đáp ứng yêu cầu quản lý một số cơ quan thuộc Chính phủ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước) và cơ quan khác của nhà nước (Ban Cơ yếu Chính phủ) đã được luật giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Do đó, dự thảo luật chỉ quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành ở cơ quan thuộc Chính phủ khi đáp ứng đủ hai điều kiện được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Ảnh: PHẠM THẮNG
Chậm ban hành kết luận thanh tra - chế tài ra sao?
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đặt vấn đề về việc chậm ban hành kết luận thanh tra. Ông nói có những cuộc thanh tra thực hiện từ năm 2015 - 2016 nhưng đến nay chưa có kết luận. Vậy nguyên nhân ở đâu và chế tài ra sao cần phải làm rõ.
Từ thực tế này, ông đề nghị trong luật cần có quy định cụ thể bởi thực tế đang xảy ra mà chưa khắc phục được.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho hay dự thảo luật còn bỏ trống, chưa quy định rõ việc chậm ban hành kết luận thanh tra. Bà nói thực tế còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm.
"Không rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, đến bao giờ mới ban hành kết luận thanh tra", bà Thúy nói và đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo luật.
Dự thảo mới nhất trình Quốc hội ở kỳ họp này đã bổ sung quy định dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp.
Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo.
TTO - Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị dự thảo Luật thanh tra sửa đổi cần quy định rõ các biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu cơ quan thanh tra đối với hoạt động đoàn thanh tra.