Toạ đàm có sự tham dự của PGS. TS Nguyễn Thanh Phương – Phó Giám đốc HVNH; bà Kim Lan Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN; ông Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng; TS. Phạm Bảo Khánh – Thành viên chuyên trách HĐQT Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam; bà Anna Szalwicki - Phó điều phối viên Dự án hợp tác các Ngân hàng Tiết kiệm Đức khu vực Đông Nam Á; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc HVNH, các nhà khoa học, các thầy, cô giáo và đông đảo các bạn sinh viên.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, PGS. TS Nguyễn Thanh Phương – Phó Giám đốc HVNH cho biết, đối với mỗi cá nhân, đặc biệt là người trẻ muốn làm chủ cuộc sống của mình cần phải hiểu biết và thực hiện tốt quản lý tài chính của cá nhân và gia đình mình. Qua đó, sẽ giúp mỗi cá nhân, gia đình đạt được tự do tài chính, chủ động tài chính, nâng cao mức sống và tạo tiền đề vững chắc cho tương lai.
Mô hình quản lý thu nhập phổ biến hiện nay chia thu nhập thành 6 phần. Mỗi phần trích một tỉ lệ nhất định, gồm: chi tiêu thường xuyên, từ thiện, đào tạo nâng cao giá trị bản thân, vui chơi giải trí - hưởng thụ, tiết kiệm cho tiêu dùng dài hạn, tự do tài chính - đầu tư, bảo hiểm.
PGS. TS Nguyễn Thanh Phương – Phó Giám đốc HVNH
PGS. TS Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng xu hướng chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi mặt hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tài chính trên thế giới. Các công nghệ hiện đại, đột phá như điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật, sinh trắc học, công nghệ thực tế ảo… ngày càng được ứng dụng rộng rãi, góp phần đa dạng và hiện đại hoá dịch vụ tài chính, tăng năng suất và chất lượng hoạt động của hệ thống tài chính. Từ góc độ người tiêu dùng, tài chính số được coi là “trợ lý tài chính thông mịnh”, giúp mọi người học nhanh hơn kĩ năng quản lý tài chính cá nhân cũng như có nhiều công cụ hỗ trợ hơn cho việc phân tích, xác định mục tiêu tài chính, lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch tài chính một cách thuận lợi và hiệu quả.
Những người trẻ hiện nay là thế hệ được tiếp cận công nghệ hiện đại từ rất sớm, có tư duy phóng khoáng và có nhận thức sớm về tài chính. Đối với thế hệ trẻ, việc trang bị cho bản thân kĩ năng quản lý tài chính cá nhân để có được nguồn tài chính ổn định, lâu dài, tránh được những rủi ro do tác động bên ngoài là rất cần thiết.
Bà Anna Szalwicki - Phó điều phối viên Dự án hợp tác các Ngân hàng Tiết kiệm Đức khu vực Đông Nam Á
Theo bà Anna Szalwicki - Phó điều phối viên Dự án hợp tác các Ngân hàng Tiết kiệm Đức khu vực Đông Nam Á, các cuộc khủng hoảng trong thời gian gần đây đã kéo theo hệ luỵ kinh tế, khiến việc quản lý tài chính trở nên quan trọng và cũng khó khăn hơn. Hình thành thói quen tốt hôm nay sẽ rất quan trọng để giúp chúng ta đưa ra các quyết định an toàn và có nền tảng tài chính ổn định trong tương lai. Bên cạnh đó, dịch vụ số dần trở thành một phần tích hợp của cuộc sống hàng ngày. Mọi thứ đang được số hoá ngày càng nhiều và các bạn trẻ có thể tận dụng lợi thế của công nghệ số cho việc quản lý tài chính cá nhân.
Toạ đàm nhằm tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, và đặc biệt là các bạn sinh viên của HVNH trao đổi, thảo luận về vấn đề quản lý tài chính cá nhân của người trẻ trong thời kỳ chuyển đổi số. Qua đó, các bạn sinh viên - những người trẻ thuộc thế hệ Z – có thể tích luỹ thêm nhiều kiến thức bổ ích và nâng cao các ký năng quan trọng về quản lý tài chính cá nhân.
Chia sẻ về vai trò của NHNN trong nâng cao hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân cho người trẻ, bà Kim Lan Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) cho biết, NHNN được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ điều phối chung Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Theo Chiến lược, phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt được một số chỉ tiêu như: Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; Ít nhất 25 – 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại TCTD; Số lượng giao dịch TTKDTM đạt tốc độ tăng 20 – 25% hàng năm… Để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, truyền thông giáo dục tài (GDTC) chính đóng vai trò quan trọng.
Ngoài ra, truyền thông GDTC còn góp phần thúc đẩy việc thực hiện các Đề án của Chính phủ (Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội…). Bên cạnh đó, NHNN còn thực hiện nhiệm vụ phổ biến kiến thức pháp luật theo quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật số 14/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quóc hội, Chương trình phổ biến giao dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021 (Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Bà Kim Lan Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông
Thời gian qua, NHNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động truyền thông GDTC với các hình thức sáng tạo, phong phú, đa đạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng mục tiêu như trẻ em, học sinh, sinh viên, phụ nữ, người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và thúc đẩy TTKDTM. Các chương trình truyền thông GDTC có hình thức thể hiện mới mẻ, nội dung ý nghĩa và có sức lan toả có thể kể tới như gameshow “Tiền khéo tiền khôn”, chương trình hoạt hình “Tay hòm chìa khoá”, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”, “Đồng tiền thông thái”… Thông qua các chương trình truyền thông này, nhận thức và thói quen của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi rõ nét, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy TTKDTM và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Về định hướng trong thời gian tới, bà Kim Lan Anh chia sẻ, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; Bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng, các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; Truyền tải các thông tin về kết quả điều hành CSTT, tín dụng, tỉ giá, cơ cấu lại hệ thóng các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, TTKDTM…
NHNN hướng tới truyền thông GDTC trên đa dạng các phương tiện truyền thông; Tiếp tục đổi với các hình thức truyền thông theo hướng nắm bắt các xu hướng truyền thông trên thế giới, các xu hướng truyền thông hiện đại mà công chúng quan tâm, sử dụng nhiều; Không chỉ thông qua các chương trình truyền hình mà còn lan toả rộng rãi trên mạng xã hội, tương tác với công chúng để gia tăng hiệu quả chương trình; Đẩy mạnh truyền thông GDTC trong hệ thống giáo dục phổ thông, Đại học trên toàn quốc…
TS. Phạm Bảo Khánh – Thành viên chuyên trách HĐQT Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam
Tại toạ đàm, TS. Phạm Bảo Khánh – Thành viên chuyên trách HĐQT Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề “Gen Z - Những khác biệt về tài chính cá nhân”, trong đó đề cập tới các bí quyết quản lý tài chính dành cho nhóm đối tượng này gồm xây dựng kế hoạch tài chính, tập tành đầu tư, sử dụng ứng dụng quản lý chi tiêu, tránh mua sắm tuỳ hứng.
Ông Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng
Về phía Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN, ông Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng chia sẻ về giáo dục tài chính và tài chính toàn diện tại Việt Nam, nêu ra một số giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại trong triển khai GDTC từ phía cơ quan quản lý và học sinh, sinh viên.
Cũng trong khuôn khổ toạ đàm đã diễn ra các trò chơi (minigame) về quản lý tài chính cá nhân và chính sách bảo hiểm tiền gửi, thu hút được sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên.
LK - Ảnh: MT
Xem thêm: 210335VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www