Hôm 24/10, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương để gỡ khó cho thị trường xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu cho biết, đối với chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước (khoản chênh lệch giá trong nước so với giá thế giới), đáng lẽ phải được áp dụng từ 11/7, nhưng đến 11/10 mới được áp dụng, chậm đến 3 tháng, dẫn đến trong quý III, các doanh nghiệp lấy hàng trong nước thiếu tới 600 đồng/lít xăng.
Trong khi đó, chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian vừa qua chi phí này lại biến động tăng rất cao, việc điều chỉnh nhưng không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ trong Quý III tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2000 tỷ đồng. Đây chính là lý do các doanh nghiệp ngần ngại vì lỗ rất lớn
"Đặc biệt, trong quý III, chi phí tạo nguồn ở nước ngoài về, theo tính toán, doanh nghiệp chịu lỗ tới 650 đồng/lít xăng", ông Bảo thông tin.
Theo ông Bảo, để các doanh nghiệp đảm bảo khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất, ông Bảo cho rằng, phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức: "Lấy Quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước".
PGS.TS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Liên quan đến vấn đề này, sáng 25/10, bên hàng lang Quốc hội, trao đổi với phóng viên VTV News, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, Quỹ bình ổn xăng dầu phải được sử dụng đúng mục đích là bình ổn giá xăng dầu trong nước, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
"Không thể dùng Quỹ bình ổn giá để hỗ trợ vấn đề xuất nhập khẩu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Việc xuất nhập khẩu xăng dầu thuộc về kinh doanh của doanh nghiệp", ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, bản chất kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu là ký các hợp đồng mua trước, bán trước. Những công ty kinh doanh xăng dầu có năng lực đánh giá, dự báo tốt thì giá xăng dầu thế giới tăng cũng không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, phương thức kinh doanh này cũng có rủi ro nhất định, khi doanh nghiệp mua phải giá cao, nhưng trong kỳ giá xăng dầu lại giảm khiến doanh nghiệp thua lỗ. Nhưng đây là vấn đề thuộc nghiệp vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp và giải pháp gỡ khó của cơ quan nhà nước bằng các biện pháp khác, không thể sử dụng tiền của dân để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho biết, Quỹ bình ổn xăng dầu không thể dùng bừa bãi được, phải cân đối hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Khải, hiện nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến rất phức tạp, không ai dự đoán được giá xăng dầu biến động thế nào, cho nên rất cân nhắc khi sử dụng Quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.
Bộ Tài chính: Quỹ BOG chỉ phục vụ quyền lợi người tiêu dùng
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Quỹ BOG không cho ai mà phục vụ quyền lợi người tiêu dùng
Trước đó tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, quỹ bình ổn giá là công cụ giảm chấn trong trường hợp giá xăng dầu tăng/giảm mạnh trên thị trường thế giới. Qua đó đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
"Quỹ này không cho ai mà phục vụ quyền lợi người tiêu dùng. Quỹ có tác dụng điều hoà, giảm sốc khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Quỹ bình ổn xăng dầu, khi cần thì trích, khi cần thì chi chứ không mất đi đâu cả. Quan trọng là trích lúc nào, chi vào lúc nào".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.85564832152012202-uad-gnax-peihgn-hnaod-ohc-pad-ub-ed-gob-yuq-gnud-eht-gnohk/et-hnik/nv.vtv