Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Trọng Vinh - phó tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) - cho biết hoàn toàn có thể bỏ barie, bỏ trạm thu phí, chỉ gắn thiết bị đọc ETC trên giá treo để kiểm soát xe vào đường có thu phí khi đủ hành lang pháp lý.
Tài khoản giao thông dùng để giao dịch ETC có thể chuyển thành ví điện tử, mang tới cho khách hàng có được nhiều tiện ích hơn.
Chiến dịch 50 ngày đêm VETC
* Triển khai dự án ETC từ năm 2015, có lúc VETC đã nản, muốn dừng, nhưng đến nay các dự án BOT đều thực hiện ETC, đặc biệt là các tuyến cao tốc chỉ phục vụ xe dùng ETC. Ông đánh giá sự vận hành của ETC đến thời điểm này thế nào?
- Sau 7 năm triển khai ETC, hiện VETC đang chiếm thị phần top đầu khi cung cấp dịch vụ ETC cho 112 trạm thu phí chủ yếu trên các cao tốc và quốc lộ 1.
Đến nay 80% lưu lượng xe qua trạm thu phí sử dụng ETC với từ 1,3 triệu đến 1,5 triệu giao dịch ETC mỗi ngày. Cách đây 1 năm, lưu lượng xe sử dụng ETC qua các trạm thu phí trên quốc lộ 1 chỉ chiếm 45%.
Trên cả nước hiện có 3,8 triệu xe trên tổng số 4,8 triệu xe đã dán thẻ sử dụng ETC, đạt trên 80%, trong đó hơn 2,3 triệu xe sử dụng dịch vụ ETC của VETC cung cấp.
Đặc biệt trong quý 2-2022, VETC tự hào đã triển khai ETC trên 4 tuyến cao tốc với 38 trạm thu phí chỉ trong 50 ngày. Đây là một kỷ lục về ETC tại Việt Nam, vì trước đây để hoàn thành ETC cho 1 trạm thu phí mất đến 60 ngày.
Với các tuyến cao tốc, sau 2 tháng triển khai ETC hoàn toàn đều giảm ùn tắc, xe qua trạm nhanh, thuận tiện hơn. Thời gian xe sử dụng ETC đủ tiêu chuẩn qua trạm thu phí thực tế rút ngắn 6-7 lần so với thu phí 1 dừng.
Điển hình là tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình ngày 2-9-2022 có tới 90.000 lượt xe qua trạm thu phí nhưng không xảy ra ùn tắc, mặc dù trước đó với trung bình lưu lượng 65.000 lượt xe/ngày đã gây ùn tắc dài, đôi lúc còn phải xả trạm.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là điểm nóng về ùn tắc cũng đã thông thoáng hơn rất nhiều sau khi triển khai ETC.
Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi ETC giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian lưu thông, chi phí cho chủ xe, giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thuận tiện, minh bạch và tiết kiệm chi phí cho công tác quản lý, giám sát thu phí…
* Qua một thời gian vận hành, hiện ETC còn những tồn tại, vướng mắc gì cần khắc phục để vận hành thuận tiện hơn?
- Trong giai đoạn đầu khai thác, vẫn còn những vấn đề phát sinh từ ETC khiến việc qua trạm thu phí của một số xe sử dụng ETC chưa hoàn toàn thuận tiện.
Hiện nay, tại các trạm thu phí còn xảy ra một số lỗi khiến xe đã dán thẻ nhưng không giao dịch được do thẻ dán không đúng tiêu chuẩn, thẻ hỏng, xe không đủ tiền trong tài khoản, xử lý giao dịch chậm nên xe bị trừ tiền 2 lần trong cùng một thời điểm ngắn…
Tuy nhiên, những lỗi này không mang tính hệ thống và xảy ra rất ít so với tổng số 1,3 - 1,5 triệu giao dịch ETC mỗi ngày.
Để phát huy tối đa hiệu quả và những tiện ích to lớn mà hệ thống ETC mang lại vẫn cần tuyên truyền, tổ chức dán thẻ thuận tiện cho khách hàng, xử lý nhanh những lỗi kỹ thuật - vận hành - dịch vụ.
Đồng thời cần chuyển đổi tài khoản giao thông thành tài khoản trung gian có bổ sung chức năng thanh toán (như ví điện tử) nhằm gia tăng tiện ích cho các chủ xe.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và các đơn vị liên quan cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ để dịch vụ ETC thuận tiện hơn, không còn barie, không còn trạm thu phí nữa.
VETC đang nỗ lực với quyết tâm cao nhất và tích cực phối hợp cùng các bên liên quan để hoàn thiện tốt nhất tiến trình đã xác định.
* Hiện nhiều người thắc mắc tại sao thu phí không dừng mà vẫn còn barie. Vậy đến lúc nào thì bỏ barie lẫn trạm thu phí như ông vừa nói?
- Theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải thu phí ETC có 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2016-2023): Có barie tại trạm thu phí, tài khoản giao thông của chủ xe phải có số dư đủ trả phí qua trạm thì barie mới mở để xe qua trạm.
Giai đoạn 2 (2024-2025): Vẫn còn barie nhưng khách hàng có thể trả tiền phí sau khi đi qua trạm. Nếu ổn sẽ chuyển sang giai đoạn 3.
Giai đoạn 3 (từ 2026 trở đi): Bỏ barie, đây là giai đoạn chuyển tiếp sang giai đoạn 4. Nếu cho chủ xe trả phí sau mà không vướng mắc gì thì trong 6 tháng đến 1 năm sẽ chuyển sang giai đoạn 4.
Giai đoạn 4: Bỏ barie và bỏ trạm thu phí, chỉ có các thiết bị ETC treo trên giá để xe qua tự do như ở Đài Loan và Singapore. Đây là giai đoạn được mong chờ nhất của cả Chính phủ và người tham gia giao thông.
* Theo ông, cần có những quy định pháp lý thế nào để thực hiện được việc bỏ barie thu phí trả sau?
- Trong 4 giai đoạn trên, việc chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 là khó khăn nhất, cần có hành lang pháp lý chuẩn. Do vậy, quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về ETC cần được nâng lên thành nghị định để có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Tốt hơn nữa là đưa các nội dung liên quan về ETC trong các luật liên quan để luật hóa ETC.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại tài trợ tín dụng cho dự án BOT giao thông vay vốn cần chấp thuận cho nhà đầu tư BOT giao thông cho thu hồi nợ trả sau (hiện các dự án BOT trả nợ ngân hàng hằng ngày từ tiền thu phí).
Đồng thời cần quy định rõ ràng các nội dung: ngân hàng thu hồi nợ sau thì tính lãi ra sao; cơ chế thu hồi nợ như thế nào, VETC hay cơ quan đăng kiểm thu hồi nợ xe chưa trả phí, tính lãi với số tiền nợ của chủ xe theo cơ chế gì…?
Ngoài ra cần tính đến trường hợp chủ xe đến hạn không trả phí thì áp dụng chế tài gì, tiền thu phí chậm trả ngân hàng vì chủ xe nợ lâu chưa trả thì có tính là nợ xấu hay không?
Bởi vì, trong thực tế có những trường hợp không đòi được phí khi xe bị đánh cắp, bị tai nạn hỏng xe không thể sử dụng.
Với ngân hàng thương mại thì thiếu 35.000 đồng tiền thu phí BOT cũng là phần thiếu nợ.
Nếu nhiều xe trả sau sẽ làm hụt dòng tiền hằng ngày của ngân hàng khi hiện nay ngân hàng thu nợ nhà đầu tư BOT từ doanh thu thu phí hằng ngày.
Với dự án BOT doanh thu thấp hơn phương án tài chính, nếu trả sau càng chậm càng ảnh hưởng dòng tiền thu hồi của ngân hàng.
* Như vậy, cần có sự kiểm soát, quy trách nhiệm cho chủ xe về tiền phí trả sau, xử lý nghiêm xe dùng biển giả, dán biển làm thay đổi chữ số?
- Đúng là cần có sự tham gia của Bộ Công an về xác định xe chính chủ nhằm buộc chủ xe trả phí theo hình thức trả sau. Nhiều nước đang áp dụng quy định ai đang đứng tên trong đăng ký xe thì chịu trách nhiệm về trả phí cũng như vi phạm giao thông được ghi lại bằng hình ảnh.
Với chế tài này, người bán xe chưa sang tên cũng sẽ phải nộp phí rồi tự thỏa thuận với chủ xe mới về thủ tục sang tên, tiền nợ phí; người cho mượn xe, cho thuê xe cũng có trách nhiệm nộp phí trả sau thay vì tranh luận tôi mua lại xe, tôi mượn xe, tôi thuê xe nên không biết…
Với xe có biển số trùng nhau cũng cần xử lý triệt để. Bởi vì khi thu phí bằng ETC, trường hợp có sự cố, nhân viên tại trạm thu phí sẽ nhập biển số vào hệ thống để trừ phí. Khi đó, sẽ xảy ra tình huống "xe tôi ở nhà mà vẫn bị trừ tiền".
* Nhiều nước cho thu phí trả sau khi có 95% xe trên cả nước dán thẻ sử dụng ETC. Tại sao lại là con số 95%, liệu Việt Nam có đạt được tỉ lệ này?
- Tại Việt Nam, một trong những điều kiện tiên quyết để chuyển sang giai đoạn 2 (thu phí trả sau) là phải tăng tỉ lệ xe dán thẻ sử dụng ETC trên 95%.
Các thị trường ETC lớn trên thế giới như Đài Loan hay Mỹ, có những xe ở vùng không có đường thu phí và không có nhu cầu đi vào đường thu phí thì không dán ETC. Lượng xe này chiếm khoảng 5% tổng số xe.
Còn xe thường đi trên cao tốc, quốc lộ phải đều dán thẻ. Vì vậy, 95% lượng xe dán thẻ ETC được coi là tỉ lệ quy chuẩn của nhiều nước đã áp dụng ETC thành công, và phù hợp với hiện trạng lưu thông thực tế.
Hiện nay Việt Nam có 80% xe đã dán thẻ sử dụng ETC, dự kiến đến giữa năm 2023 có thể đạt được 95% lượng xe dán thẻ.
Quy trình ban hành khung pháp lý cũng cần 6 tháng đến 1 năm - phù hợp với thời gian để hai nhà cung cấp dịch vụ ETC là VETC và VDTC dán thẻ đạt 95% xe thuộc diện chịu phí.
* Hiện đã có chế tài phạt người lái xe không dán thẻ, không đủ tiền trong tài khoản đi vào làn ETC. Nhiều người cho rằng cần có quy định pháp lý phân định trách nhiệm, chế tài với các đơn vị tham gia ETC từ nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT tới cơ quan nhà nước quản lý dự án BOT. Quan điểm của ông thế nào?
- Các lỗi phổ biến được ghi nhận ở thời điểm hiện tại có thể tạm xác định là: lỗi do thẻ dán trên xe, lỗi hệ thống và lỗi vận hành. Lỗi thẻ đương nhiên là của nhà cung cấp dịch vụ ETC (VETC và VDTC).
Đối với hệ thống sẽ là các lỗi như thiết bị tại trạm thu phí (Front End), hệ thống phần mềm xử lý, hệ thống lưu trữ dữ liệu phục vụ hoạt động thu phí (Back End) của nhà cung cấp dịch vụ ETC.
Trước hết, cần xác định đúng nguyên nhân gây lỗi. Nếu lỗi do Back End thì trách nhiệm thuộc nhà cung cấp dịch vụ ETC.
Nếu là lỗi Front End, cũng cần làm dò lỗi do nhà cung cấp dịch vụ đầu tư và vận hành hay nhà đầu tư BOT - từ đó quy trách nhiệm đúng đối tượng.
Hiện nay Cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng mô hình đánh giá KPI của Front-End, Back-End để ra thông tư phân định lỗi và quy trách nhiệm cụ thể cho từng bên.
Việc này nhằm tránh trường hợp khách hàng gặp lỗi không biết kêu ai hoặc đổ nhầm lỗi. Mục tiêu chung là đưa chất lượng phục vụ ETC lên hàng đầu và đặt quyền lợi khách hàng là số 1.
* Có phải các tình huống xe qua trạm bị trừ tiền 2 lần đang khó phân định trách nhiệm khi chưa có quy định cụ thể?
- Đúng vậy. Ví dụ có xe tới trạm, thiết bị tại trạm (do dự án BOT đầu tư) đọc chậm làm barie chưa mở.
Nhân viên thu phí của trạm BOT (không phải nhân viên của VETC) nhập biển số vào hệ thống để trừ tiền, mở barie cho xe qua, giải phóng xe tránh ùn tắc xe tại trạm.
Nhưng xe vừa qua thì hệ thống thông báo đã trừ tiền phí khiến xe này bị trừ tiền 2 lần cùng lúc.
Lúc đó khách hàng kêu VETC chứ không kêu BOT vì họ chỉ biết "tôi dùng dịch vụ của VETC, ông trừ tiền của tôi 2 lần thì tôi kêu ông". Lúc đó VETC làm việc với BOT hoàn tiền cho khách hàng.
Những trường hợp này sau 2 tiếng khách hàng được hoàn tiền ngay vì hệ thống quét thấy giao dịch trùng nhau khi cùng một ngày, một trạm, không thể có một xe đi qua một làn thu phí 2 lần trên cùng một chiều đường trong vòng một vài phút được.
* Có một số thông tin cho rằng VECT dán Etag thu phí 120.000 đồng là đắt, thuộc những nước có thẻ ETC giá cao trên thế giới ?
- Chúng ta cần làm rõ khái niệm thế nào là đắt - rẻ.
Thẻ dán trên xe để thu phí ETC theo công nghệ RFID. Thẻ dán vào hàng hóa trong siêu thị cũng là thẻ RFID nhưng đầu đọc chỉ đọc được trong khoảng cách 20cm - do thẻ phản hồi tần số yếu, yêu cầu chất lượng thẻ đơn giản, không cần các tính năng chống nước, chống nhiệt, chống va đập.
Còn thẻ RFID dán trên xe để dùng ETC có khả năng chịu được va đập mạnh, thời tiết nắng mưa, nóng lạnh. Đối với loại thẻ này, khả năng phản hồi sóng từ thiết bị tại trạm thu phí đến thẻ dán trên xe là 25 mét. Về độ bền, nhiều xe dán thẻ từ năm 2015 đến nay vẫn dùng tốt nếu không bị va đập, làm hỏng.
Thẻ định danh Etag được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và miễn phí dán thẻ đến hết năm 2021. Tuy nhiên, đến tháng 8-2022, cả hai nhà cung cấp dịch vụ là VETC và VDTC mới tiến hành thu phí, do quá trình thực hiện rơi vào các thời điểm như Tết Nguyên đán, dịch COVID-19…
Chúng tôi khẳng định với giá thành 120.000 đồng/thẻ, chỉ đủ chi phí mua, nhân công dán thẻ, chứ không phải các nhà cung cấp ETC kinh doanh thẻ để kiếm lãi.
* Vẫn có một số người lo lắng dùng thẻ Etag sẽ bị định vị theo dõi cũng như mất cắp thông tin khách hàng. Ông có thể giải thích cho mọi người hiểu rõ?
- Điều đó không đúng vì thẻ này là thẻ thụ động, không có nguồn pin mà khi có tần số phát vào thì thẻ phản hồi như quét mã qua tần số. Cũng không lo người khác xâm nhập thông tin từ thẻ để trộm tiền trong tài khoản thu phí.
Bởi vì, trên thẻ không có bất cứ thông tin gì của khách hàng, mà chỉ có một dãy số được mã hóa (như xe mang biển 30A -12345 thì gắn với số 111213 chẳng hạn).
Khi xe qua trạm thu phí, thiết bị tại trạm sẽ đọc con số đó và gửi thông tin về trung tâm dữ liệu của hệ thống ETC xử lý và phản hồi xe đó là loại xe nào, phải trả bao nhiêu tiền để qua trạm thu phí.
* Nhiều người cho rằng dùng thẻ theo công nghệ RFID dán trên kính, đèn xe dễ bị hỏng. Dùng công nghệ OBU (On-Board Units) để thu phí như ở Singapore sẽ tránh được trường hợp này. Ông giải thích thế nào?
- Thẻ hỏng thường xảy ra khi: khách hàng bóc ra dán lại (vì thẻ này chỉ dán 1 lần, bị bóc là hỏng); sau khi dán thẻ chủ xe dán thêm phim cách nhiệt đè lên làm hạn chế khả năng giao tiếp của thẻ; thẻ dán trên đèn bị xịt nước mạnh khi rửa xe làm gãy ăng ten của thẻ, bị trẻ con nghịch, bóc làm hỏng.
Cách đây 10 năm, công nghệ thẻ RFID chỉ đọc được khoảng cách ngắn vài mét, đến nay đọc được khoảng cách 20-25 mét. Còn với công nghệ OBU (On-Board Units), mỗi xe cần phải có một thiết bị và gắn thẻ tín dụng vào để thanh toán. Để thực thi công nghệ này, cần tính tự giác cao và chế tài mạnh.
Ở Việt Nam trước đây có một số dự án BOT thu phí qua OBU đã xảy ra chuyện tài xế mua 6 cục OBU cho 6 xe con rồi đặt lên 6 xe container để xe container được tính mức phí của xe con. Đến khi phát hiện thì trạm thu phí không đòi được nợ vì chưa có chế tài.
Giá một OBU gắn trên xe ở Singapore đổi ra tiền Việt Nam là 2,7 triệu đồng. Còn ở Việt Nam dán thẻ miễn phí 7 năm vẫn ít người muốn dùng, từ tháng 8-2022 mới bắt đầu thu phí 120.000 đồng/thẻ.
Hiện nay có ứng dụng công nghệ GPS để thu phí nhưng độ chính xác chưa cao, nhất là xe đi ở khu vực có nhiều nhà cao tầng làm giảm khả năng định vị.
* Vậy chỉ thẻ dùng công nghệ RFID là phù hợp với Việt Nam?
- Bộ Giao thông vận tải lựa chọn công nghệ thu phí RFID là phù hợp văn hóa Việt Nam, đảm bảo một số tiêu chí quan trọng như không lắp thiết bị trên xe, thẻ chỉ sử dụng 1 lần cho 1 xe (dán xong bóc ra sẽ hỏng, không thể dùng thẻ của xe con dán lên xe to hơn để gian lận phí).
Nếu dùng OBU thì sẽ có nhiều người phản đối vì giá mua, thuê thiết bị cao và dễ bị gian lận. Còn nếu dùng GPS, sự phản đối cũng sẽ gay gắt không kém do nghi ngại bị theo dõi, giám sát qua công nghệ thu phí. Hơn nữa, GPS phải có thiết bị nuôi nguồn điện sẽ dẫn tới mau hết ắc quy với xe ít đi hoặc bị tài xế ngắt nguồn điện…
* Hiện nay nhiều tài xế, chủ xe không hài lòng vì mất phí khi nộp tiền vào tài khoản thu phí từ app của tài khoản giao thông. Liệu có cách nào nộp tiền miễn phí?
- Nạp tiền vào tài khoản giao thông từ app VETC bị mất phí là do các đơn vị trung gian thanh toán thu.
Tài xế nộp phí qua app chỉ nhập biển số xe thì sẽ hiện thông tin cá nhân đầy đủ để kiểm tra xem chính xác chưa. Đơn vị cung cấp app có tính năng này sẽ thu phí trung gian thanh toán của khách hàng. VETC và ngân hàng đều không thu phí nộp tiền.
Nếu không muốn mất phí, khách hàng có thể chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của mình vào tài khoản ngân hàng VETC.
Nhưng cách này cần ghi chính xác biển số xe, tránh sai sót như nhập nhầm biển số xe khiến tiền vào tài khoản giao thông của người khác hoặc quên nhập biển số khiến tiền không vào tài khoản giao thông. Hiện có nhiều kênh nạp tiền vào tài khoản giao thông không mất phí được hướng dẫn trên website của VETC.
* Có những ý kiến cho rằng VETC chiếm dụng cả trăm tỉ đồng khi khách hàng nộp tiền vào tài khoản thu phí?
- Số dư trong tài khoản giao thông do khách hàng quyết định. Khách hàng có thể nộp tiền đủ 1 lượt qua trạm thu phí là 35.000 đồng hay 100.000 đồng tùy theo từng trạm, chứ không bắt buộc phải có số dư tối thiểu.
Số tiền trong tài khoản giao thông là của khách hàng, thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Giao thông vận tải, VETC không được phép "đụng" đến.
Chỉ khi xe đi qua trạm thu phí bị trừ bao nhiêu tiền phí thì số đó mới vào tài khoản VETC. Và cuối ngày, sau khi đối soát với các nhà đầu tư BOT thì VETC cũng chuyển trả doanh thu thu phí trong ngày.
Từ 3 năm trước, VETC đã xây dựng liên thông tài khoản ngân hàng sang tài khoản giao thông nhưng rất ít khách hàng biết đến để dùng.
Khách hàng có thể đặt hạn mức trong tài khoản giao thông của mình còn bao nhiêu tiền thì tài khoản ngân hàng của người đó sẽ tự chuyển bao nhiêu tiền vào. Như thế, khách hàng không cần nhớ trước chuyến đi cần phải nộp bao nhiêu tiền vào tài khoản giao thông.
* Nhiều người muốn liên kết trực tiếp tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông, trả phí trực tiếp từ tài khoản ngân hàng. Việc này có làm chậm thời gian giao dịch và tiềm ẩn lỗi khi xe đến trạm phải chờ xử lý nhiều phép toán hơn?
- Khi xe đến trạm thu phí, từ đầu đọc thẻ tại trạm cách barie chỉ 20 mét và chỉ cho phép 0,2 giây để đọc và chuyển thông tin từ thẻ dán trên xe về trung tâm của trạm, rồi chuyển về trung tâm xử lý giao dịch của VETC. Nếu xe đủ điều kiện sẽ truyền tín hiệu đến trạm thu phí để mở barie cho xe qua.
Nếu VETC có 1 bước chuyển thông tin giao dịch sang ngân hàng để trừ tiền từ tài khoản ngân hàng sẽ phải qua nhiều lớp bảo mật của ngân hàng. Để truy được thông tin, trả lời về trung tâm của VETC thì xe đã đi qua trạm rất lâu rồi.
Tức là, liên kết trực tiếp như thế này cần thực hiện 2 phép toán khi xe đến trạm: giữa xe với hệ thống tại trạm - hệ thống Back End của VETC; phép toán giữa hệ thống của VETC với ngân hàng.
Trường hợp này nếu cả hai phép toán đều không xảy ra lỗi thì cũng không đủ thời gian vì thời gian của ETC xử lý giao dịch đến khi mở barie là 0,2 giây, còn thời gian ngân hàng đối soát, trả lời là 30 giây, gấp đến 600 lần.
Vấn đề quan trọng nhất là không một hệ thống ngân hàng nào trên thế giới cho phép bên thứ ba "chọc" vào hệ thống của họ để trừ tiền trực tiếp. Để bảo mật, chỉ ngân hàng được tự động trừ tiền của khách hàng.
* Nhưng có nhiều người bảo: "Tôi để 100.000 - 200.000 đồng trong tài khoản giao thông mà không có nhu cầu đi nữa, chả dùng vào việc gì được". Vậy có giải pháp nào để đáp ứng mong muốn trên, có thể nâng cấp tài khoản thu phí thành ví điện tử?
- Đúng vậy, VETC đã có phương án nâng cấp tài khoản giao thông thành tài khoản trung gian bổ sung chức năng thanh toán (ví điện tử) để khách hàng sử dụng thêm nhiều dịch vụ khác ngoài trả phí đường bộ.
Khi được bổ sung tính năng và tiện ích, tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ tự chuyển sang tài khoản giao thông giúp giảm thiểu lỗi nộp tiền.
Lúc đó, chủ xe được sử dụng số dư tiền mà họ đã nạp vào cho các mục đích khác khi chưa cần dùng để trả phí đường bộ, tạo điều kiện họ tối ưu việc sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi.
Việc tài khoản giao thông thành ví điện tử không ảnh hưởng gì thẻ đã dán ở xe, không phải dán lại thẻ khác vì thẻ chỉ một chức năng trong ví.
VETC đã hoàn thành hồ sơ kỹ thuật trình Ngân hàng Nhà nước thẩm duyệt chuyển nâng cấp tài khoản giao thông - bổ sung chức năng trung gian thanh toán.
Chúng tôi mong chờ sau 6 đến 9 tháng, hồ sơ sẽ được chấp thuận và khách hàng sẽ sử dụng được dịch vụ thu phí ETC kèm theo tài khoản nâng cấp của VETC với nhiều tiện ích, ít rủi ro hơn khi nộp tiền.
* Nếu tài khoản giao thông của VETC trở thành ví điện tử thì khách hàng sử dụng ETC có thêm những tiện lợi gì ngoài tính năng trả phí đường bộ như hiện nay?
- Trong văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải, VETC đã trình bày 3 mục tiêu quan trọng của phương án nâng cấp tài khoản giao thông thành trung gian thanh toán.
Đó là, đảm bảo lợi ích thiết thực và gia tăng tiện ích cho chủ tài khoản ETC, mỗi cá nhân có thể sở hữu 1 ví điện tử trực tiếp, bên cạnh chi trả phí giao thông, tài khoản ETC được sử dụng để thanh toán bãi đỗ xe, phí cảng biển, sân bay, giao thông thông minh trong tương lai gần và dịch vụ trung gian thanh toán cho tiêu dùng khác.
Bổ sung tính năng trung gian thanh toán cho tài khoản giao thông sẽ đảm bảo được quyền và lợi ích của khách hàng một cách tối ưu.
* Đến thời điểm này đã có nước nào sử dụng tài khoản giao thông như ví điện tử và có những kinh nghiệm nào có thể ứng dụng tại Việt Nam?
- Tại Singapore, khách hàng có thể lựa chọn thanh toán phí đường bộ thông qua thẻ tín dụng hoặc ghi nợ hoặc thông qua thẻ thông minh có chức năng trung gian thanh toán như một chiếc "ví điện tử".
Tương tự, ở Hong Kong, chủ xe có thể lựa chọn thanh toán phí đường bộ thông qua thẻ thông minh Octopus hoặc thẻ tín dụng không chạm. Còn ở Đài Loan, xe sử dụng ETC được cấp thẻ Etag và có thể dùng thẻ này để trả phí đường bộ, phí đỗ xe, đổ xăng, trả tiền ăn uống, mua sắm...
Việc thanh toán được trừ tự động khi chủ xe qua trạm thu phí hoặc các địa điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ Etag.
Xem thêm: mth.57220840281012202-naod-iaig-4-hnirt-ol-oeht-ihp-uht-mart-nal-eirab-ac-ob-es/nv.ertiout