Uranium của Nga đe dọa các kế hoạch phát triển hạt nhân tiên tiến của Mỹ - Ảnh: OIL PRICE
Chính phủ liên bang và các công ty Mỹ đang phát triển các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến. Các lò này hứa hẹn sẽ hiệu quả hơn, tốn ít chi phí xây dựng hơn so với các nhà máy hạt nhân hiện tại.
Tuy nhiên có một trở ngại lớn là loại nhiên liệu uranium HALEU (uranium được làm giàu ở mức độ cao) mà các lò phản ứng mới được thiết kế để vận hành, ngoài Mỹ hiện chỉ có một công ty trên thế giới bán thương mại. Và đó là công ty con của Tổng công ty Năng lượng nguyên tử Nhà nước Nga (ROSATOM), theo trang tin Oil Price.
Hiệp hội Các nhà sản xuất uranium của Mỹ đã lưu ý trong phiên điều trần mới đây tại Thượng viện: "Hầu như các nhà sản xuất trong nước không có đủ nhiên liệu cần thiết để cung cấp năng lượng cho các nhà máy hạt nhân của Mỹ.
Hiện nay, các công ty điện hạt nhân cũ (sử dụng loại uranium làm giàu thấp) của Mỹ đã phải mua gần một nửa lượng uranium mà họ tiêu thụ từ các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước (SEO) ở Nga, Kazakhstan và Uzbekistan".
Ông Scott Melbye, chủ tịch hiệp hội và phó chủ tịch điều hành tại Uranium Energy Corp, cho biết: "Chúng tôi ước tính hằng năm có hơn 1 tỉ USD dùng để mua nhiên liệu hạt nhân được chuyển đến ROSATOM".
ROSATOM không bị phương Tây trừng phạt sau khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, vì tầm quan trọng của công ty nhà nước Nga trong chuỗi cung ứng của ngành điện hạt nhân toàn cầu.
Tuy nhiên, các công ty Mỹ đang phát triển thế hệ tiếp theo của các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến, lo ngại không muốn làm ăn lâu dài với Nga nữa. Do đó, Mỹ cần phải khẩn cấp xây dựng một chuỗi cung cấp nhiên liệu trong nước khả thi và ổn định về mặt thương mại.
Nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân Centrus Energy của Mỹ, công ty duy nhất ở Mỹ hiện được cấp phép sản xuất HALEU, cho biết: "Nếu Mỹ muốn dẫn đầu việc triển khai toàn cầu các lò phản ứng tiên tiến này, việc thiết lập một nguồn đảm bảo HALEU trong nước là điều cần thiết".
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) nói với Hãng tin Reuters: "Sản xuất HALEU là một sứ mệnh quan trọng, và mọi nỗ lực nhằm tăng sản lượng đang được xem xét".
Mỹ đang lo ngại sự thắt chặt của Nga đối với thị trường uranium có nguy cơ làm trì hoãn tiến độ của các dự án điện hạt nhân thế hệ mới. Đạo luật giảm lạm phát đã phân bổ khẩn cấp 700 triệu USD tài trợ liên bang để giúp khởi động sản xuất HALEU trong nước.
Điều đáng chú ý, kế hoạch sản xuất HALEU quy mô thương mại ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất thì cũng phải mất ít nhất 5 năm để dây chuyền đi vào hoạt động.
Mọi chuyện liên quan đến kế hoạch phát triển điện hạt nhân thế hệ mới của Mỹ xem ra vẫn còn rối bời khi vẫn đang lệ thuộc vào nhiên liệu uranium của Nga.
TTO - Giá uranium hiện nay tăng lên mức cao nhất kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine. Cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu cũng thúc đẩy nhiều nước đặt cược tương lai vào điện hạt nhân, khiến mặt hàng này ngày càng khan hiếm.