Bộ trưởng Bộ Công Thương trình dự án Luật bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 25-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thay mặt Chính phủ trình dự án Luật bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi, nhằm hoàn thiện quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.
Theo đó, dự luật đã bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt.
Bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.
Cụ thể, dự thảo luật bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thiết lập cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép sử dụng thông tin trong một số hoạt động, như chia sẻ cho bên thứ ba, sử dụng để thực hiện hoạt động tiếp thị. Thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ khi xảy ra sự cố đối với hệ thống thông tin làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.
Với một số giao dịch đặc thù, có quy định để gắn trách nhiệm cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng. Hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp, gắn với nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Ảnh: Quochoi.vn
Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.
Về thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng, cơ quan thẩm tra nhất trí với việc bổ sung quy định về trách nhiệm thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh về việc thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng.
Với quy định tại dự thảo luật cho phép chia sẻ thông tin người tiêu dùng cho bên thứ ba để phân tích và phục vụ hoạt động kinh doanh mà không cần người tiêu dùng cho phép, theo cơ quan thẩm tra, thực tế ở cả trong và ngoài nước đều cho thấy mặc dù có cam kết bằng văn bản nhưng vẫn khó bảo đảm bên thứ ba tuân thủ việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng.
Do đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định việc chia sẻ thông tin cho bên thứ ba là nội dung phải thông báo cho người tiêu dùng và được người tiêu dùng đồng ý.
Đồng thời, có ý kiến đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung nội dung xử lý trách nhiệm, hoặc trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi "thông tin người tiêu dùng bị lộ" cũng như bổ sung hành vi mua, bán thông tin của người tiêu dùng để bảo đảm an toàn thông tin.
TTO - Trước tình trạng để lộ, rò rỉ, mua bán thông tin cá nhân ngày càng phổ biến, UBND TP.HCM kiến nghị trung ương nghiên cứu ban hành một đạo luật riêng quy định về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Xem thêm: mth.46570446152012202-gnud-ueit-iougn-nit-gnoht-ev-oab-taul-neiht-naoh/nv.ertiout